Cước di động Việt Nam đang ở đâu?

Cước di động Việt Nam đang ở đâu? ảnh 1

Các mạng di động Việt Nam lo ngại đến việc đổ vỡ thị trường nếu cước giảm quá mạnh.

Việt Nam còn cơ hội giảm cước

Ông Jayesh Easwaramony, Phó chủ tịch phụ trách mảng ICT khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Frost & Sullivan (Công ty chuyên nghiên cứu về thị trường viễn thông) cho rằng, cước di động của Việt Nam vẫn ở mức cao so với một số nước trong khu vực có điều kiện tương đồng và có thể giảm thêm khoảng 15% trong thời gian tới. Cụ thể, cước di động của Ấn Độ hiện nay chỉ còn dưới 1 cent (gần 200 đồng) mỗi phút. Trong khi đó, cước di động của Việt Nam đang ở mức khoảng 800 đồng (4 cent) mỗi phút.

Theo nghiên cứu của Frost & Sullivan, số lượng phút gọi trung bình của mỗi người dân Việt Nam đang ở mức thấp, từ 120-150 phút/tháng. Trong khi đó, con số này ở Thái Lan và Indonesia là 250 phút/tháng và Ấn Độ là 400 phút/tháng. “Nếu Việt Nam giảm cước sẽ tăng được lưu lượng sử dụng bình quân của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn“, nghiên cứu của Frost & Sullivan nhận định.

Ông Jayesh Easwaramony cho rằng: “Indonesia là một thị trường giống như ở Việt Nam nhưng cung cấp dịch vụ ở mức cước gần 2 cents/phút nên tôi nghĩ rằng vẫn có cơ hội cho các nhà mạng Việt Nam giảm giá cước và khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Thực tế đang diễn ra tại Việt Nam là số phút thoại còn thấp khoảng 120 - 150 phút/tháng/người. Trong khi đó, các thị trường lân cận như Thái Lan với mức 250 phút một tháng hay thị trường Ấn Độ 400 phút một tháng, chỉ vì giá cước ở đó rẻ hơn. Vì vậy điều sẽ xảy ra là khi giá cước giảm xuống thì số phút thoại sẽ tăng lên và các nhà mạng cũng có thể trông thấy sự tăng lên trong doanh thu của họ”.

Ông Jayesh Easwaramony còn cho rằng, Việt Nam đang cung cấp dịch vụ với mức giá 4 cents/phút. Vì vậy, các mạng di động Việt Nam có thể giảm cước thêm 15% trong năm nay hoặc trong 3 năm tới, tuỳ thuộc vào các nhà mạng. Sở dĩ như vậy vì phần tỷ lệ giảm này sẽ phụ thuộc vào việc các nhà mạng muốn thu được bao nhiêu tiền từ việc đầu tư của họ hay khả năng thu hồi vốn đến đâu. Một câu hỏi quan trọng phải trả lời được là nếu việc giảm cước thì số phút thoại có tăng lên không? Nếu có sự tăng trưởng trong số lượng phút thoại khi cước giảm thì không sao, nếu không thị trường sẽ đổ vỡ. Frost & Sullivan còn cho rằng, việc giảm cước sẽ không giảm thẳng từ 4 cents xuống 2 cents ngay mà phải giảm dần xuống, ví dụ xuống 3.5 cents… Với mức 3 cents thì các mạng di động vẫn còn có thể có lãi, dưới mức đó có thể sẽ không còn lãi.

Ông Jayesh Easwaramony cho biết, sở dĩ Ấn Độ có thể cung cấp dịch vụ với giá dưới 1 cents/phút bởi vì các nhà mạng chia sẻ cơ sở hạ tầng với nhau, họ chia sẻ các trạm BTS với nhau trong khi ở Việt Nam chưa có sự chia sẻ này. Vì vậy, nếu các nhà mạng chia sẻ hạ tầng với nhau thì họ có thể giảm giá hơn nữa. “Nếu các nhà mạng Việt Nam chia sẻ hạ tầng, mức giảm bao nhiêu sẽ là cao nhất? 15 hoặc 16%, với giá cước 2 cents/phút là có thể. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam có cơ hội để giảm giá”, ông Jayesh Easwaramony nói.

Giảm cước mạnh thị trường sẽ đổ vỡ

Trước quan điểm của Frost & Sullivan, một số mạng di động Việt Nam cho rằng cũng không nên lấy mức cước ở những thị trường đã “đổ vỡ” để so sánh với Việt Nam. Như vậy, có thể gây nên hiểu lầm rằng cước Việt Nam đang quá đắt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ còn 2 nước là Bangladesh và Ấn Độ có cước khoảng 1 cent/phút. “Khi chúng tôi đầu tư sang Băng la đét thì thị trường này đã “đổ vỡ”. Những thị trường đang có cước dưới 1 cent là thị trường “chết”. Hiện ở thị trường Bangladesh, cước di động đã bắt đầu nhích lên khoảng 2 cent/phút. Việt Nam đã ở mức khoảng 3,5 cent (dưới 800 đồng/phút) vì các mạng di động khuyến mãi nhiều. Do đó, cước di động Việt Nam chỉ có thể giảm thêm được một chút nữa. Nếu giảm mạnh quá, thị trường sẽ bắt đầu đổ vỡ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đồng tình với quan điểm này, một lãnh đạo của VinaPhone cho rằng, những thị trường có cước 1- 2 cents kiểu như Indonesia hay Thái Lan thì Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) nhận định đó là thị trường mà chính phủ bất lực. Thậm chí những thị trường này cước di động còn rẻ hơn cả cước cố định và “giết chết” dịch vụ cố định. Những thị trường khác cạnh tranh khốc liệt như Bắc Âu khiến các mạng di động không còn khả năng đầu tư vào mạng lưới của mình nên chất lượng thấp và dịch vụ nghèo nàn. Phía VinaPhone cho rằng, các mạng di động có thể cắt giảm chi phí và giảm cước di động thêm chút nữa, nhưng nếu ở mức 2cent/phút sẽ không thể có lãi. 

Frost & Sullivan cho rằng, cuộc chiến về giá giữa các nhà mạng sẽ tác động xấu đến thị trường Việt Nam. Cụ thể, tổng số phút gọi của mỗi thuê bao (MOU) tăng lên nhanh chóng và các gói cước gọi nội mạng miễn phí sẽ là nguyên nhân chính làm cho MOU tại Việt Nam tăng gấp 2 lần trong vòng 1 năm. Điều này sẽ tạo áp lực buộc các nhà mạng phải tăng chi phí đầu tư, trong đó tăng đầu tư dung lượng mạng thay vì mở rộng vùng phủ, phát triển dịch vụ mới. Việc cung cấp các gói cước với mức giá bán thấp hơn giá thành sẽ không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và về mặt dài hạn sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành viễn thông.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm