Cuộc chiến giành thi trường với phần mềm ngoại

Thời gian gần đây đang có một làn sóng bứt phá trong các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Họ đang chuyển từ gia công sang tự viết và kinh doanh phần mềm.

Sôi động thị trường phần mềm

Mặc dù xuất hiện khá muộn, BkavEnterprise - phần mềm diệt virus của Trung tâm An ninh mạng (Bkis) cũng đã tạo được dấu ấn mạnh. Đó là từng bước đẩy hàng loạt đại gia cung cấp phần mềm diệt virus ra khỏi thị trường trong nước. Cho đến nay, BkavEnterprise được hơn 70 doanh nghiệp, tập đoàn trong nước đăng ký mua sản phẩm. Đó là chưa kể một lượng khách hàng cá nhân khổng lồ đang dùng sản phẩm diệt virus này. Hiện tại sản phẩm BKAV đã có mặt tại hơn 103 nước trên thế giới và có hơn 10,5 triệu người sử dụng, mỗi ngày có trên dưới 100 ngàn lượt download.

Tiếp nối thành công, mới đây Bkis tiếp tục tung ra một sản phẩm phần mềm “made in” Việt Nam khác là eOffice Enterprise, một loại phần mềm văn phòng điện tử dành cho doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Tử Hoàng, Giám đốc phần mềm eOffice, đây được xem là phần mềm văn phòng đầu tiên ở Việt Nam tích hợp nhiều thao tác như thông báo, giao việc, tổ chức họp, lập lịch, trao đổi nhóm, xử lý văn bản. Các doanh nghiệp có ít nhân viên giỏi về công nghệ thông tin, cũng như có cơ cấu về tổ chức quản lý rối rắm đều có thể dùng eOffice một cách dễ dàng, ngoài ra còn có thể tiết kiệm được nhiều chi phí.

Cũng theo ông Hoàng, sản phẩm được đầu tư từ năm 2006 và đến nay đã có hơn 214 đơn vị nhà nước sử dụng. Hiện Bkis đang hướng sang thị trường doanh nghiệp tiềm năng giống như sản phẩm BkavEnterprise, cạnh tranh với các sản phẩm phần mềm văn phòng ngoại khác. “Chúng tôi kỳ vọng rằng trong vòng năm năm tới, phần mềm eOffice Enterprise sẽ được ứng dụng tại hầu hết các doanh nghiệp trong cả nước. Bây giờ đã là thời điểm để chúng tôi đưa phần mềm eOffice ra thị trường một cách mạnh mẽ. Bkis đang thực hiện những kế hoạch cụ thể để hoàn thành mục tiêu này” - ông Hoàng cho biết.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng nổi lên khẳng định được thương hiệu nhờ các phần mềm do họ tự viết. Cụ thể như Công ty Lạc Việt thành công với phần mềm Từ điển Lạc Việt. Ra đời năm 1994, khởi đầu với 10 thành viên chuyên ngành toán, thế nhưng nhờ các phần mềm về từ điển, hiện tại doanh nghiệp này có trên 300 nhân viên. Riêng về sản phẩm, cùng với các phiên bản trên điện thoại, bộ Từ điển Lạc Việt bổ sung đáng kể nhất là gần 70.000 mục từ và cụm từ được thêm vào từ điển Anh-Việt và xuất hiện thêm ba bộ từ điển mới là Từ điển Viết tắt, Từ điển Tiếp tố Từ điển Tiếng Việt giải thích, tạo được sự quan tâm của người dùng.

Bên cạnh đó, hiện nay các phần mềm kế toán doanh nghiệp, phần mềm giáo dục trên thị trường hầu như do doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế.

Lợi thế cho doanh nghiệp nội

Nguyên nhân các phần mềm Việt tạo được chỗ đứng, theo nhận định của ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Bkis, trước đây tâm lý người dùng luôn ngại các phần mềm nội, họ luôn cảm thấy các phần mềm nội không bằng “hàng ngoại”. Tuy nhiên, với sự khẳng định về chất lượng, đặc biệt là với các sản phẩm diệt virus của Bkis bắt đầu tạo được dấu ấn và khiến người dùng tin tưởng. Bên cạnh đó, lợi thế về chăm sóc khách hàng tận nơi chính là yếu tố giúp phần mềm diệt virus chiếm ưu thế.

Còn theo ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Naiscorp, đơn vị cung cấp công cụ tìm kiếm đang được trang web chính phủ và nhiều doanh nghiệp sử dụng, lợi thế của các doanh nghiệp phát triển phần mềm Việt là các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ. Các doanh nghiệp nội không thể mạnh bằng các doanh nghiệp ngoại về kinh tế lẫn đội ngũ, tuy nhiên nếu phát triển chiều sâu thì chắc chắn sẽ có yếu tố cạnh tranh.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Yahoo Việt Nam, nhận định: Thực chất doanh nghiệp Việt cũng có một thế mạnh để phát triển. Đó là các yếu tố văn hóa, truyền thống. Cụ thể như các phần mềm công cụ tìm kiếm do doanh nghiệp người Việt làm thì họ có lợi thế về ngôn ngữ. Các công cụ tìm kiếm nước ngoài không thể tìm kiếm các từ khóa chính xác hoặc chuyên sâu như các doanh nghiệp có công cụ tiếng Việt nên họ có thể tận dụng lợi thế này để cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội có thể tận dụng các mã nguồn mở, cụ thể như các mã của Yahoo cung cấp để phát triển lên thành phần mềm của riêng mình mà không phải đầu tư quá lớn.

Với khả năng và trình độ hiện tại, nếu các doanh nghiệp trong nước đầu tư và phát triển một cách đúng mức và tận dụng được lợi thế sẵn có thì chắc chắn họ sẽ có thể tạo ra được các sản phẩm không thua gì nước ngoài.

BÁ HUY

Đọc thêm