Cuộc “cách mạng giá” của gói cước dữ liệu

Cuộc “cách mạng giá” của gói cước dữ liệu ảnh 1

Phân tầng – lợi hay hại cho khách hàng

Lý do mà các nhà mạng đưa ra khi triển khai giá cước mới là: Gói cước phân tầng và theo lượng dữ liệu là cách hợp lý để định giá nhu cầu sử dụng băng thông rộng của người dùng, giảm bớt nghẽn mạng, khuyến khích đầu tư mới, đảm bảo lượng chi phí trung bình khách hàng phải trả sẽ hợp lý hơn theo thời gian.

Trước đây, gói dữ liệu không dây thông thường được cung cấp không giới hạn. Mô hình này tạo gánh nặng cho mạng lưới vốn đã không bền vững. Điều đáng ngạc nhiên là gói cước này lại có thể “sống thọ” như vậy với lượng người dùng smartphone để truy cập Internet, xem video hay sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây đang gia tăng không ngừng.

Nhà mạng Verizon mới đây đã công bố giá cước phân tầng cho dịch vụ dữ liệu, theo đó người dùng sẽ trả 30 USD/tháng cho gói 2 GB, 50 USD cho gói 5GB, hoặc 80 USD cho gói 10 GB. Vượt quá giới hạn ở bất kỳ gói cước nào, người dùng cũng sẽ phải trả thêm khoản phí 10 USD mỗi 1GB. AT&T trong năm 2010 cũng đã thông báo kế hoạch tương tự.

Một số chuyên gia đã phản đối kế hoạch này. Gigi Sohn, Chủ tịch của Tổ chức Public Knowledge – phàn nàn: “Verizon và các công ty khác đã thấy trước nhu cầu sử dụng dữ liệu của khách hàng. Khi công nghệ 4G ra mắt, hiển nhiên đa số khách hàng sẽ chạm ngưỡng hoặc vượt quá giới hạn dữ liệu khi xem 2 hoặc 3 bộ phim trong tháng”.

Các chuyên gia như Sohn cho rằng mức giá dựa trên dung lượng sử dụng là kế hoạch nhằm “lừa” khách hàng và làm giàu cho các nhà mạng.

Tuy nhiên, các nhà mạng cho rằng thực tế, mức giá trên sẽ công bằng hơn vì dựa vào nhu cầu thực tế: sử dụng nhiều hơn, trả nhiều hơn. Trao đổi với Cnet News, người phát ngôn của Verizon, Brenda Raney cho biết 95% khách hàng hiện tại của Verizon đang sử dụng ít hơn 2GB dữ liệu một tháng.

Giảm tải cho mạng lưới

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đưa ra báo cáo: từ đầu năm 2010 tới 2011, lượng tiêu thụ dữ liệu trên smartphone trung bình tăng 89%. Con số kể trên minh họa tốc độ phát triển mạng lưới mạnh mẽ mà các nhà cung cấp đang phải đương đầu. Vì thế biện pháp hạn chế giảm tải bằng cách đánh vào chi phí là một biện pháp hiệu quả. Gói cước này cũng sẽ thay đổi thói quen sử dụng của khách hàng. Với gói cước phân tầng này, khách hàng cũng sẽ “học” được cách tránh các video HD và thường xuyên sử dụng dữ liệu định dạng chuẩn khi xem chúng trên điện thoại hay máy tính bảng. Ngoài ra, một số người dùng smartphone sẽ chuyển sang kết nối Wi-fi vì chúng nhanh hơn và rẻ hơn.

Đối phó với việc mạng lưới bùng nổ trong tương lai, thay đổi về giá này càng trở nên cấp thiết. Những phương án được coi là tốt nhất đã được triển khai, và các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng tiếp tục tìm ra cách thức mới để giảm tải cho mạng lưới. Tuy nhiên, điều này cần nhiều năm để hoàn thành.

Không ai có thể chắc chắn đề án giá nào là tốt nhất để điều chỉnh cung – cầu trong khi vẫn đảm bảo tối ưu cho đầu tư và giảm tải cho mạng lưới. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt là các nhà hoạch định cần cho phép các nhà mạng tự do đổi mới và sử dụng các mô hình kinh doanh với các gói cước sáng tạo để giải quyết được câu đố mà thị trường đặt ra.

Theo Du Lam (ICTnews / Forbes)

Đọc thêm