Cung cấp nội dung số di động - Qua kỳ bạo phát

Theo thống kê của hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) vào cuối năm 2008, lĩnh vực nội dung số di động có khoảng 150 doanh nghiệp hoạt động, số lao động gần 5.000 người và doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 29% của ngành công nghiệp nội dung số.

Đông nhưng… yếu

Như vậy, nếu chia bình quân, mỗi đơn vị có doanh thu khoảng 10 tỉ đồng. Theo nhận định của thứ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Lê Nam Thắng, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này trong năm 2009 khoảng 35%. Căn cứ vào con số này, có thể thấy doanh thu bình quân của mỗi doanh nghiệp trong năm 2009 khoảng 13,5 tỉ đồng.

Nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, tổng giám đốc công ty cổ phần Truyền thông VMG kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ CP, trong số 150 đơn vị đang hoạt động, có khoảng 1/3 trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Số còn lại chỉ “có tên mà không có kinh doanh, hoặc là kinh doanh lĩnh vực khác”. Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực này (đề nghị không nêu tên) nhận xét, để tồn tại, doanh nghiệp phải tìm nguồn thu khác đắp vào những khoản chi như tiền mua bản quyền, chi phí quảng cáo trên các phương tiện khác như báo, đài truyền hình… “Cách đây vài năm, lĩnh vực này dễ ăn lắm. Cứ thuê đầu số, có nội dung (hình ảnh, nhạc…) là khai thác tốt. Còn bây giờ, làm chắc chắn là lỗ, bỏ thì tiếc công đầu tư”, ông N.Q.D, nguyên giám đốc một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số đã phá sản tiết lộ.

Nội dung số cho mạng di động hiện nay chỉ đơn giản thông qua hình thức duy nhất là nhắn tin SMS để xem kết quả các môn thể thao, tải hình, nhạc chuông, tin nhắn trúng thưởng trong các game show, tư vấn tâm lý… Dù nội dung đơn giản nhưng giá rẻ nhất là 3.000đ/nội dung, còn cao nhất là 15.000đ/nội dung. Chưa kể, người dùng còn phải trả thêm phí kết nối GPRS cho nhà mạng. Đại diện một nhà mạng cho rằng giá như vậy là cao nhưng việc định giá là quyền của nhà khai thác dịch vụ nội dung. Được biết, đóng góp các dịch vụ nội dung số vào doanh thu của các nhà mạng dao động từ 3 – 5%.

Ép đến “chết”!

Ông Lê Mạnh Hùng, giám đốc công ty truyền thông ABC cho rằng, nội dung chưa hấp dẫn là vì hạ tầng chưa đủ mạnh. Điều quan trọng là tỷ lệ ăn chia giữa nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ không thoả đáng nên nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ buộc phải đóng cửa.

Nếu các nhà mạng duy trì tỷ lệ ăn chia 70% thuộc về nhà mạng (dành cho những dịch vụ có giá từ 5.000đ/nội dung trở xuống) hoặc 55% (giá từ 5.000đ/nội dung trở lên) sẽ làm cho khoảng 80% CP phải đóng cửa trong năm 2009. “Tỷ lệ 30 – 45% được hưởng làm sao đủ trả lương, trả tiền bản quyền, chi phí sản xuất, tiếp thị”, ông Hùng nói. “Những đơn vị không có làm thêm lĩnh vực khác để bù lỗ, buộc phải đóng cửa”, ông Hà khẳng định. Có nguồn tin cho rằng, nhà mạng muốn thâu tóm luôn lĩnh vực cung cấp nội dung nên đưa ra tỷ lệ ăn chia như trên. Trước đây, khi số lượng nhà cung cấp dịch vụ nội dung còn ít, lượng thuê bao di động chưa nhiều nên nhà mạng sẵn sàng mở cửa hợp tác.

Theo thống kê của bộ Thông tin và truyền thông, tính đến cuối tháng 4.2009, Việt Nam có khoảng 70 triệu thuê bao di động. Đây là lượng khách hàng lớn để cho dịch vụ nội dung số di động có cơ hội phát triển.

Theo Gia Vinh - SGTT

Đọc thêm