Cửa hẹp cho mạng di động ảo

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại nếu không có các chế tài giống như thi tuyển 3G sẽ không ngăn nổi tình trạng đổ xô xin giấy phép bán lại dịch vụ di động giống như xin cấp phép dịch vụ Internet.

FPT và VTC muốn “nhảy” vào lĩnh vực đi dộng

Ngày 19/8, Bộ TT&TT đã chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động cho Công ty Đông Dương Telecom. Mạng di động này sẽ sử dụng hạ tầng của Viettel để cung cấp dịch vụ di động cho khách hàng theo mô hình mạng di động ảo. Đông Dương Telecom không được cấp tần số mà được chia sẻ hạ tầng vô tuyến 3G với Viettel và được roaming với các mạng GSM (2G và 2,5G) khác.

Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại Việt Nam theo hình thức bán lại dịch vụ. Thứ trưởng Thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, ngoài giấy phép bán lại dịch vụ của Đông Dương Telecom, hiện nay Bộ TT&TT đã nhận được đề án xin cấp phép dịch vụ của VTC, FPT.

“Không chỉ những doanh nghiệp trên, mà những doanh nghiệp khác, nếu đáp ứng đủ các yêu cầu, Bộ sẽ tiến hành cấp phép, tương tự như Đông Dương Telecom”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói và khẳng định, việc bán lại dịch vụ sẽ được thực hiện trên cơ sở lợi ích của các bên giống như việc bán buôn trên các thị trường khác. Chẳng hạn như Viettel, MobiFone, VinaPhone tập trung phát triển hạ tầng sẽ có những khâu phân phối bán hàng có thể bán lại cho các doanh nghiệp khác có kinh nghiệm bán hàng tốt hơn, chi phí rẻ hơn các doanh nghiệp đã được cấp phép giống như trên thị trường vẫn tồn tại hình thức bán buôn và bán lẻ dịch vụ.

Mạng ảo cũng cần có cam kết

Cho đến thời điểm này có tới 7 mạng di động đã chính thức cung cấp dịch vụ là Viettel, MobiFone, VinaPhone, EVN Telecom, S Fone, Vietnamobile, Beeline. Theo tuyên bố của Đông Dương Telecom, mạng di động này có thể triển khai dịch vụ trong quý I/2010. Nếu FPT và VTC được cấp phép trong năm nay, nhiều khả năng hai doanh nghiệp này cũng sẽ cung cấp dịch vụ trong năm 2010. Như vậy, tương lai gần đến năm 2010 Việt Nam sẽ có tới 10 mạng di động. Đây là con số ở mức “bội thực” đối với quốc gia có gần 90 triệu dân.

Giới phân tích cho rằng, Bộ TT&TT đã ra hồ sơ thi tuyển 3G rất chặt chẽ, đảm bảo các mạng di động có năng lực và quyết tâm triển khai mới được cấp phép. Đi kèm theo các cam kết trong hồ sơ này là quy định đặt cọc để phạt các mạng di động không tuân thủ đúng cam kết. Hồ sơ thi tuyển 3G đã khắc phục được “lỗ hổng” trong việc cấp phép 2G.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cũng lo ngại nếu Bộ TT&TT không đưa ra những ràng buộc đối với các doanh nghiệp xin cấp phép bán lại dịch vụ di động sẽ rất khó ngăn được kịch bản các doanh nghiệp đổ xô xin giấy phép này bởi giấy phép gần như được “miễn phí”. Tuy rằng, các mạng di động ảo không có tài nguyên tần số, nhưng sẽ chiếm tài nguyên kho số. Và với 10 mạng di động và có thể hơn thế nữa cộng thêm việc lãng phí tài nguyên kho số như hiện nay thì có lẽ sẽ lại rơi vào tình trạng “cháy kho số”.

Mạng ảo có kỳ vọng ảo?

Một chuyên gia viễn thông nhận xét, để có thể cung cấp dịch vụ trên hạ tầng của Viettel, Đông Dương Telecom sẽ phải đầu tư hệ thống mạng lõi, hệ thống tính cước và chăm sóc khách hàng… Như vậy, Đông Dương Telecom chỉ có thể sử dụng chung phần mạng vô tuyến của Viettel. Và để có thể cung cấp được dịch vụ trên phạm vi toàn quốc rất có thể Đông Dương Telecom sẽ phải đầu tư từ 30 – 50 triệu USD cho hệ thống mạng của mình.

Con số này chưa thấm tháp gì so với các mạng di động đầu tư, nhưng đây cũng là số tiền không nhỏ đối với một doanh nghiệp mới. Trong khi đó thị trường di động vẫn tiếp tục chờ đón thêm các “tân binh” với mô hình mạng di động ảo và thị trường đang tiến tới ngưỡng bão hòa.

Một số liệu được các mạng di động lớn cho biết, hiện APRU của các mạng di động bình quân khoảng 5 USD, nhưng rất có thể APRU sẽ giảm xuống còn 3 USD trong thời gian tới. Giới chuyên môn cho rằng, mô hình mạng di động ảo chỉ thành công ở những thị trường có APRU cao như châu Âu. Những thị trường có APRU thấp sẽ rất khó cho mạng di động ảo “ký sinh” thành công được.

Hiện thị trường di động Việt Nam đang ở giữa cuộc chiến về giá cước và đang đẩy giá cước này về sát với giá thành. Thực tế này đang đẩy các mạng di động ảo ở thế “lách mình qua khe hẹp”. Bên cạnh đó, việc đàm phán với các mạng di động có hạ tầng sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc cơ sở lợi ích của các bên. Các mạng di động có hạ tầng sẽ luôn ở thế “cửa trên” và họ cũng không thể nào bán buôn lưu lượng cho mạng di động ảo dưới giá thành.

Trong khi đó, bản thân các mạng di động có hạ tầng cũng chưa biết phải chia sẻ hạ tầng như thế nào đối với mạng ảo. Mô hình bán lại dịch vụ quá mới mẻ đối với thị trường Việt Nam, trong khi các mạng di động lại khá mơ hồ về việc hợp tác này. Như vậy, tương lai của các mạng di động ảo trong bối cảnh này chưa thấy mấy tín hiệu vui.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm