Cú "ngã ngựa" của các đại gia công nghệ

Ngày 10/5, Sony cho biết họ bước sang năm tài chính mới với gánh nặng 5,74 tỷ USD, trong đó riêng giai đoạn từ tháng 1 đến hết tháng 3/2012 đã lỗ 3,2 tỷ USD, với nguyên nhân "nhu cầu ở những thị trường phát triển đang giảm do bão hòa".

Cú "ngã ngựa" của các đại gia công nghệ ảnh 1

Sony đang trên đà tụt dốc. Ảnh: Yahoo Finance.

Mảng sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng, trong đó có PlayStation, bị tổn thất lớn nhất bởi thị trường của máy chơi game này ngày càng bị thu hẹp, nhất là ở Mỹ. Sony đổ lỗi cho tình trạng bẻ khóa và dùng trò chơi lậu khiến doanh thu sụt giảm, tuy nhiên lý do này không thuyết phục bởi game của "hàng xóm" Nintendo cũng bị sao chép nhiều không kém.

Không chỉ trên thị trường thiết bị chơi game, Sony cũng đang chịu sức ép lớn cả ở trong các lĩnh vực khác như smartphone, tablet và TV. Có ý kiến cho rằng hãng này đã tham lam khi tham gia quá nhiều mảng khiến họ không có sự tập trung đầu tư, nghiên cứu.

Một nguyên nhân khác là Sony vẫn đang phải giải quyết hậu quả nặng nề của thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật hồi tháng 3/2011 và trận lụt ở Thái Lan cuối năm đó, nơi đặt nhà máy sản xuất của rất nhiều hãng Nhật. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là trong một vài năm gần đây, Sony gần như không giới thiệu được sản phẩm nào mang tính đột phá, dẫn đến việc đánh mất vị trí dẫn đầu vào tay đối thủ.

Cú "ngã ngựa" của các đại gia công nghệ ảnh 2

Panasonic lỗ kỷ lục trong vòng 3 thập kỷ. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Panasonic thảm hại hơn khi phải gánh khoản lỗ lên tới 10,2 tỷ USD trong năm tài chính vừa kết thúc vào 31/3. Hãng này đã cố gắng cắt chi phí, tái cơ cấu... nhưng vẫn không tránh khỏi mức giảm sốc. Doanh số TV của họ chỉ đạt 2/3 so với năm trước đó. Tuy nhiên, Panasonic đang lên kế hoạch mở rộng thị trường và đầu tư cho nhiều lĩnh vực mới như là smartphone (với model Eluga siêu mỏng và chống thấm nước).

Còn Sharp, nổi tiếng với các dòng TV, điện thoại và điện tử gia dụng tốt và bền, cũng kết thúc năm với số lỗ 1,4 tỷ USD. Con số này thấp hơn nhiều so với Sony và Panasonic nhưng với Sharp vẫn bị coi là bất thường. Họ đang phải thực hiện việc tái cơ cấu để hồi phục, nhưng chia sẻ rằng riêng mảng TV sẽ còn thua lỗ nữa. Do đó, Sharp đã quyết định chuyển một số dây chuyền sản xuất LCD cỡ lớn sang LCD dành cho thiết bị di động để cứu vãn công việc kinh doanh màn hình đang rất bấp bênh.

Theo Châu An (VNE)

Đọc thêm