Công nghiệp phần mềm: Bao giờ hết "ngọa hổ, tàng long"?

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt nam, TPHCM đã được nâng từ cấp "mới nổi" lên mức "hoạt động ổn định" cho các dịch vụ phát triển sản phẩm và testing phần mềm. Tuy nhiên, ở mức độ công ty, VN chưa có công ty nào lọt vào danh sách 100 công ty gia công phần mềm (100 Global Outsourcing).

Ưu thế cạnh tranh

Báo cáo hàng năm về Ưu thế cạnh tranh trong ngành CNTT - TT của Economist Intelligence Unit (EIU) của 66 quốc gia dựa trên 6 chỉ tiêu. Tuy nhiên, 4 trong số 6 nhóm chỉ tiêu của VN, đã bị tụt hạng trong năm 2009. Chỉ có tăng 1 chỉ tiêu về nguồn nhân lực. Theo một khảo sát của Hội Tin học TPHCM (HCA), tổng nhân lực toàn ngành phần mềm hiện nay khoảng 30.000 người. Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch HCA nhận định, năng suất lao động của kỹ sư VN không cao, chỉ đạt bình quân 13.000USD/ người/năm, bằng 45% so với Ấn Độ và 65% so với Trung quốc. Một nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp đó là VN nhận những hợp đồng gia công có độ yêu cầu kỹ thuật còn thấp và đơn giản, ông Dũng cho biết.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt nam, phát biểu tại Hội thảo.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt nam, phát biểu tại Hội thảo.

Trong cả 2 năm liền, 2008 và 2009, ưu thế duy nhất của VN là chi phí thấp. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, dự đoán ưu thế này vẫn còn tiếp tục cho VN đến 30 năm nữa cho đến khi VN thoát khỏi nhóm có GDP thấp trên thế giới.

Trong khi đó, theo đánh giá của International Telecommunication Union (ITU), chỉ tiêu kỹ năng ICT (ICT Skill Index) bị xếp ở vị trí 102, khá thấp so với 05 năm trước đây, một bước thụt lùi đáng kể. Tiến sĩ Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, nhấn mạnh nhân lực là yếu tố then chốt trong năng lực cạnh tranh. Ông Trọng cho rằng công nghiệp phần mềm (CNPM) là ngành kinh tế ẩn chứa tiềm năng mang lại hiệu quả toàn diện trong 15 - 20 năm tới đây cho VN. Ông Trọng tự tin cho rằng khả năng để VN có mặt trong nhóm các quốc gia hàng đầu về CNPM vào khoảng năm 2025 là hiện thực.

Theo ông Trọng, để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải có khoảng 1 triệu kỹ sư phần mềm, đây là khó khăn mà VN phải vượt qua từ đây đến 2025. Như vậy, nếu số liệu HCA đưa ra là đúng (30.000 người làm phần mềm - khác so với số liệu của Bộ TT-TT), VN phải cho ra lò gần 65.000 kỹ sư phần mềm mỗi năm!

"Bệnh" than phiền của doanh nghiệp

Doanh nghiệp luôn than phiền chất lượng kỹ sư chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, doanh nghiệp đừng nên kêu ca nữa mà hãy cùng Chính phủ xây dựng nguồn nhân lực. "Trong năm 2008, chính phủ đã tổ chức 12 hội thảo cấp quốc gia về đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nói. Doanh nghiệp chưa biết tận dụng chính sách để phát triển nguồn nhân lực, cụ thể như những dự án xây dựng thương hiệu quốc gia mà chính phủ tài trợ vốn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp chuyện với ông bà Patric McGovern, Chủ tịch International Data Group (IDG) tại hội thảo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp chuyện với ông bà Patric McGovern, Chủ tịch International Data Group (IDG) tại hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng cho rằng ngành CNPM chưa được chính phủ đặt thành ngành công nghiệp chiến lược. Tầm cao nhất có lẽ là cách đặt vấn đề trong Chỉ Thị 58 của Bộ Chính trị cho thời kỳ từ năm 2000 đến 2005. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này nói chung chưa cho kết quả tương xứng, Tiến sĩ Trọng nói.

Theo ông Trọng, với mỗi 10.000 USD sẽ đào tạo được 1 kỹ sư phần mềm đủ sức làm việc trên thị trường quốc tế. Như vậy, với vốn đầu tư 10 tỉ USD từ nay đến 2025 và doanh số 1 kỹ sư VN tạo ra vào thời điểm 2025 - 2026 cho rằng sẽ bằng Ấn độ hiện nay (30.000USD/người/năm). Chỉ cần 500.000 kỹ sư trong số 1 triệu kỹ sư làm phần mềm đã tạo ra 15 tỉ USD mỗi năm. Chưa kể đến 2015, khi đã có 70% lực lượng thì tổng doanh thu vào 2025 sẽ vào khoảng 60 tỉ USD. Con số này hiệu quả và an toàn gấp mấy lần các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên, ngay cả giả thiết là các dự án khai thác này thành công.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ngành CNPM nên nhìn lại 10 năm qua đã phát triển đến đâu và gặt hái được những kinh nghiệm gì. Mở nhiều khu công nghiệp phần mềm nhưng dường như vẫn chưa có phương thức hoạt động để tạo đột phá. Nhận định về cơ hội cho ngành CNPM VN trong tình hình suy thoái, Phó Thủ tướng nói: "CNTT - TT chính là giải pháp trong tình hình kinh tế suy thoái, chứ không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp".

Vietnam ICT Outlook 2009

Top Emerging Outsourcing City

Hà nội và TPHCM vẫn được đưa vào danh sách 50 thành phố dành cho ngành gia công phần mềm trong 2 năm liên tiếp 2008 và 2009, TPHCM, 4/50 và Hà nội 10/50, theo Global Services - Tholon Study.

Phát triển CNTT - TT

Mặc dù tăng 15 bậc so với trước đó 5 năm (2002) nhưng VN vẫn ở vị trí thấp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ cao hơn Indonesia, Lào và Campuchia.

Ứng dụng CNTT - TT

VN xếp thứ 74/154 quốc gia, tăng 31 bậc so với năm 2002, đây là một sự tăng trưởng đáng ghi nhận.

Tỉ lệ vi phạm bản quyền.

VN vẫn là quốc gia có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao trên thế giới, 85%, xếp thứ 12, đồng hạng với Indonesia và Iraq.

Công nghiệp - Dịch vụ CNTT - TT

VN vẫn giữ nguyên vị trí 61 như 2008.

Theo Gia An (VNN)

Đọc thêm