Có thể sẽ cổ phần hoá toàn bộ VNPT

Có thể sẽ cổ phần hoá toàn bộ VNPT ảnh 1

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông của Bộ TT&TT cho biết, Nghị định 25 chỉ là hướng dẫn Luật Viễn thông. Một trong những nội dung của Nghị định này chính là đưa ra tỷ lệ sở hữu chéo là 20%. Lý do để đưa ra Nghị định này là nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, áp dụng cả cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Quy định giảm tỷ lệ sở hữu chéo để tăng tính cạnh tranh minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp. Ông Phạm Hồng Hải khẳng định VinaPhone là doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân. “Luật Viễn thông quy định không được sở hữu chéo vốn hơn 20%, do đó, VNPT sẽ phải chịu sự điều chỉnh từ quy định của Nghị định 25 này”, ông Phạm Hồng Hải nói.

Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT cho rằng, một thị trường viễn thông luôn sôi động và biến động rất là tốt, đây là một môi trường cạnh tranh. “Việc ra đời Nghị định 25 là sự tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với ngành viễn thông. Chúng tôi là tập đoàn kinh tế tham gia thị trường này, khi nhà nước ban hành luật chúng tôi có trách nhiệm triển khai nhưng không phải là “sự lo âu trên đống lửa. VNPT là một doanh nghiệp Nhà nước, việc triển khai và thực hiện Nghị định này sẽ rất nghiêm túc. Hiện VNPT đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ TT&TT, sau khi có hướng dẫn của Bộ thì chúng tôi sẽ triển khai từng bước”, ông Phan Hoàng Đức nói.

Cho đến thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra các kịch bản mà VNPT sẽ thực hiện khi Nghị định 25 được ban hành và “đoán già đoán non” về kịch bản mà VNPT sẽ lựa chọn.

Trả lời vấn đề này, ông Phan Hoàng Đức cho rằng: “Nhiều người đặt câu hỏi khi Nghị định 25 ra đời, VNPT có lo âu hay không? Tôi cho rằng việc triển khai thực hiện NĐ25 với các giải pháp cụ thể như cổ phần hóa hay sáp nhập các mạng di động của VNPT sẽ tuân theo chỉ đạo cụ thể của Chính phủ. Việc nhiều nhà tư vấn đưa ra ý kiến nên cổ phần hoá MobiFone hay hợp nhất hai mạng VinaPhone và MobiFone cũng nằm trong những giải pháp nhằm tái cấu trúc mà Hội đồng thành viên VNPT đang đề xuất với trách nhiệm được giao là uỷ quyền của Thủ tướng quản lý vốn của nhà nước tại VNPT. Hiện VNPT đang đưa ra những kiến nghị và giải pháp tốt nhất. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Hiện ngoài các phương án sáp nhập hai mạng di động hoặc cổ phần hoá MobiFone, VNPT còn đưa ra một phương án nữa là cổ phần hoá cả tập đoàn này để tạo nên sức mạnh hạ tầng. “Việc này đúng với quy định của Nghị định 25 và chủ trương của Nhà nước về cổ phần hoá. Tuy nhiên, việc quyết định cuối cùng cho VNPT thực hiện mô hình nào sẽ do Thủ tướng quyết định”, ông Phan Hoàng Đức nói.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm