Có nên bảo hộ tên miền nhãn hiệu nổi tiếng?

Có nên bảo hộ tên miền nhãn hiệu nổi tiếng? ảnh 1

Phải xem xét trên nội dung website

Bộ KH&CN đang lấy ý kiến trên mạng cho dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 97/2010/ND-CP ngày 21/9/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Dự thảo có rất nhiều vấn đề còn tranh cãi giữa các quy định về xử lý đối với tên miền trong các vụ việc vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh so với các quy định về quản lý sử dụng tài nguyên Internet cũng như cách thức giải quyết các tranh chấp về tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" theo quy định trong các Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT và Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT của Bộ TT&TT.

Tại khoản 2, Điều 12, dự thảo Thông tư mới có quy định việc bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh đối với tên miền cho các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại. Theo đó, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại được bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh đối với tên miền bao gồm: Nhãn hiệu được cơ quan xác lập quyền hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng hoặc nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi và có uy tín tại Việt Nam; Chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có uy tín, danh tiếng tại Việt Nam; Tên thương mại được sử dụng rộng rãi, ổn định, được nhiều người tiêu dùng biết đến và chủ thể kinh doanh, hàng hoá dịch vụ mang tên thương mại đó có uy tín, danh tiếng tại Việt Nam. Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định, tên miền bị coi là có yếu tố cạnh tranh không lành mạnh nếu có chứa phần chữ trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ và được sử dụng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan trên trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền đó dẫn tới.

Tuy nhiên, theo các quy định hướng dẫn của Bộ TT&TT đã ban hành tại Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT và thông lệ chung quốc tế, thì tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" được đăng ký theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt. Tổ chức, cá nhân đăng ký trước được quyền sử dụng trước và không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ.

Như vậy, nếu theo các quy định tại dự thảo Thông tư của Bộ KH&CN, ngoài việc xung đột với các quy định hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, trên thực tế triển khai sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh khi xem xét vấn đề "bảo hộ tên miền". Chẳng hạn, với cùng nhãn hiệu “Quê hương”, Cục Sở hữu trí tuệ có thể cấp cho rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp khác nhau theo các hình thức bảo hộ: từ các nhóm sản phẩm, dịch vụ khác nhau đến việc bảo hộ tổng thể. Nhưng khi chuyển sang tên miền, thì chỉ có duy nhật một dãy ký tự tương ứng QUEHUONG có thể đăng ký được trong tên miền.

Vậy tên miền này sẽ được bảo hộ cho ai? Đó cũng chính là lý do mà ICANN (tổ chức quản lý tên miền quốc tế) và tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã phải đưa ra khuyến dụ áp dụng nguyên tắc "đăng ký trước được sử dụng trước" trong việc đăng ký tên miền.

Bên cạnh đó, giới phân tích còn cho rằng, việc xem xét có yếu tố vi phạm cạnh tranh không lành mạnh hay không cần phải xem xét trên các nội dung đăng tải trên website đi kèm theo tên miền thay vì chỉ dựa duy nhất vào tên miền Internet. Ngoài tên miền .vn do Việt Nam quản lý, đối với các trường hợp cạnh tranh có liên quan đến tên miền quốc tế thì sẽ xử lý như thế nào trong khi không ít các trường hợp cạnh tranh trên mạng là có liên quan đến các tên miền quốc tế.

Gây khó khăn cho việc đăng ký

Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC – Bộ TT&TT) cho biết: “Nội dung dự thảo của Thông tư không nên quy định cụ thể việc bảo hộ đối với tên miền vì dễ dẫn đến việc có một số tên miền sẽ được hiểu là được "để dành" cho các chủ nhãn hiệu tương ứng trong khi tên miền quốc gia Việt Nam .vn là tài nguyên thông tin quốc gia cần phải được quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả. Mặt khác, các cơ quan liên quan cũng cần phải rất thận trọng khi thực thi để xử lý đúng bản chất sự việc, tránh hiểu sai, xử phạt nhầm dẫn đến khiếu kiện không cần thiết”, ông Tân khẳng định.

Bà Vũ Thị Huyền, Trưởng phòng Dữ liệu trực tuyến Công ty Viễn thông Quốc tế FPT (FTI) cho biết, việc áp dụng theo nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 97/2010 sẽ gây khó khăn cho việc kiểm tra hồ sơ và làm chậm quá trình cấp phát tên miền .vn. "Chúng tôi thấy rằng nên áp dụng theo nguyên tắc “ai đăng ký trước thì sử dụng trước” trên cơ sở Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT sẽ có lợi hơn cho người dùng cũng như các nhà đăng ký tên miền", bà Huyền khẳng định

Cùng quan điểm với bà Huyền, theo đại diện VDC Online, Quy định trong Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT là rất rõ ràng, tránh chuyện mập mờ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo luật sư Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh, dự thảo Thông tư hướng dẫn thi Nghị định số 97/2010/ND-CP và Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT không hề mâu thuẫn mà chỉ bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Mặc dù, tên miền không phải là đối tượng bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ nhưng khi sử dụng trên Internet, nếu tên miền trùng hay tương tự các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ trên toàn cầu và cùng kinh doanh trong 1 lĩnh vực xảy ra việc vi phạm và gây nhầm lẫn thì sẽ bị xử lý theo quy định cấp phát tên miền cũng như luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm