CNTT là thước đo phát triển của mỗi quốc gia

Điều này được thể hiện qua lời phát biểu từ năm 1991 của Thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir Mohamad: "Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay không nước phát triển giàu có nào lại nghèo về thông tin và cũng không có nước nào giàu về thông tin mà nghèo và kém phát triển cả".

CNTT là thước đo phát triển của mỗi quốc gia ảnh 1

CNTT là lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng bắt kịp với các nước tiên tiến trong thời gian ngắn. Ảnh: Hà Mai.

Tuyên bố chung cấp bộ trưởng các nước Liên minh châu Âu trong Chương trình nghị sự số tại cuộc họp cấp bộ trưởng ngày 19/4/2010 ở Tây Ban Nha nêu rõ CNTT đóng góp đến 50% sự tăng trưởng về năng suất lao động và là nguồn chủ yếu cho các sáng tạo và các cơ hội kinh doanh mới, đồng thời khẳng định: "Một chiến lược tăng trưởng bền vững, thông minh cần phải lôi cuốn tất cả mọi người để mọi công dân đều có cơ hội và kỹ năng tham gia đầy đủ vào một xã hội được thúc đẩy bởi Internet".

Trong Thông điệp Liên bang ngày 25/1/2011, Tổng thống Mỹ Obama cũng nhấn mạnh CNTT là một trong ba ưu tiên hàng đầu sẽ giúp Mỹ năng động hóa nền kinh tế, khôi phục sự phát triển và duy trì vị trí hàng đầu thế giới toàn diện. Ông nêu rõ trong 5 năm tới phải làm cho 98% người dân Mỹ được sử dụng công nghệ không dây thế hệ mới. "Điều này không đơn thuần là nói về kết nối Internet tốc độ cao hơn hay ít cuộc gọi bị rớt hơn, mà là về việc kết nối mọi miền của nước Mỹ với kỷ nguyên số. Đó là về những người nông dân và doanh nghiệp nhỏ có thể bán hàng của mình trên toàn thế giới. Đó là về những người lính cứu hỏa có thể tải xuống thiết bị cầm tay bản thiết kế ngôi nhà đang cháy; là sinh viên có thể đi học với sách giáo khoa điện tử; hay người bệnh có thể nói chuyện qua video với bác sỹ của mình", Obama tuyên bố.

Nhật đã thể hiện mức độ ưu tiên phát triển CNTT rất cao khi thành lập Cơ quan đầu não về Chiến lược CNTT do Thủ Tướng làm Tổng giám đốc (Kiyoshi Mori 2008) và ra chính sách u-Japan" (Ubiquitous Japan 2006) với tham vọng kết nối mọi người và mọi thứ ở mọi lúc mọi nơi bằng ứng dụng CNTT. Đây cũng là lĩnh vực được chính phủ Trung Quốc nhìn nhận như động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế và chiến lược "đuổi kịp" các nước phát triển khác.

Trong khi đó, tại cuộc họp "Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị và triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" vào tháng 12/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "CNTT không chỉ là ngành công nghiệp dịch vụ phát triển với tốc độ cao, đóng góp lớn vào nguồn thu cho đất nước mà còn là động lực phát triển hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ngày nay không một ngành nào, lĩnh vực nào phát triển mà không dựa vào sự hỗ trợ của CNTT-TT".

Ngành CNTT nói chung và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng ở Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hàng năm gấp 3-4 lần mức tăng trưởng GDP hàng năm. Việc ứng dụng CNTT trong xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với hơn 1/4 dân số Việt Nam sử dụng Internet, gần 1/2 số hộ gia đình có điện thoại cố định, trung bình mỗi người dân có hơn 1 điện thoại di động, tuyệt đại đa số cán bộ, công chức cấp trung ương và hơn 2/3 cán bộ, công chức cấp tỉnh có máy tính và đa số có kết nối Internet.

Trước vai trò và sự ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội của CNTT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinasa) phối hợp tổ chức Hội thảo CNTT và tương lai của đất nước vào ngày 23/4 nhằm mục đích xác định vị trí của CNTT trong sự phát triển chung của VN.

Thực tế phát triển CNTT cho thấy đây sẽ là lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng bắt kịp với các nước tiên tiến trong thời gian ngắn, thúc đẩy sự phát triển những ngành khác mạnh nhất và trở thành điểm tựa cho sự đột phá về tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Theo V.T. (VNE)

Đọc thêm