CLB Nông dân ứng dụng Internet: Mô hình cần nhân rộng

CLB Nông dân ứng dụng Internet: Mô hình cần nhân rộng ảnh 1

Nông dân xã Tây Giang rất nhiệt tình tham gia lớp tập huấn sử dụng máy tính và Internet do Hội Nông dân tỉnh Bình Định tổ chức.

 Từ CLB đầu tiên…

Hưởng ứng chủ trương đưa Internet về nông thôn của Hội Nông dân tỉnh Bình Định, tháng 10/2008, Hội Nông dân xã Tây Giang – đơn vị đầu tiên của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nông dân ứng dụng Internet. Đây là nơi để những người có nhu cầu khai thác thông tin phục vụ đời sống sản xuất. CLB có một máy vi tính nối mạng, quỹ hoạt động của CLB lấy từ hội phí hàng tháng của các thành viên, với mức đóng mỗi người 50 ngàn đồng.

“CLB đã thu hút hơn 60 thành viên ở các thôn trong xã tham gia. Họ là những nông dân sản xuất giỏi có cùng chí hướng làm ăn, trong đó có 25 nông dân ở thôn Thượng Giang 2 là những thành viên chủ lực của CLB và hoạt động rất tích cực”, ông Hồ Thành Tâm, Chủ nhiệm CLB nói. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, máy móc thiết bị nhưng nếu có dịp chứng kiến một buổi sinh hoạt của CLB mới thấy hết được sự hào hứng, nhiệt tình và nhu cầu học hỏi tìm kiếm thông tin của những người nông dân lam lũ “chân lấm tay bùn” này. Để sử dụng thành thạo các thao tác máy tính và truy cập thông tin qua mạng, họ đã rất nhiệt tình tham gia lớp tập huấn của Hội Nông dân tỉnh tổ chức, đồng thời những người trong CLB tự bảo ban, hướng dẫn cho nhau thông qua các buổi sinh hoạt của CLB. Cứ thế, mục tiêu “xóa mù tin học” dần được thực hiện. Và nhiều mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả ở các nơi giới thiệu trên mạng đã được các thành viên trong CLB tiếp cận và ứng dụng rất tốt. Họ thường xuyên truy cập chuyên trang dành cho người nông dân tại địa chỉ http://vietnamgateway.com.vn/

vanhoaxa để nắm bắt các tin tức thời sự, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chính sách xoá đói giảm nghèo, làng nghề truyền thống, liên kết bốn nhà, sáng kiến nhà nông, gương sản xuất kinh doanh giỏi…; truy cập trang thông tin điện tử của Sở NN&PTNT Bình Định tại http://sonongnghiepbinhdinh.gov.vn để theo dõi tình hình nông nghiệp, nông thôn, giá cả một số mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; truy cập website Hội Nông dân tỉnh www.hoinongdanbinhdinh.org.vn...

…Đến những hiệu quả ứng dụng Internet

Ông Nguyễn Xuân Điền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định cho biết, tuy mới tiếp cận máy tính nhưng nông dân tiếp thu rất nhanh, nhất là các chủ trang trại. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 10 CLB Nông dân ứng dụng Internet ở các huyện. 

Trên mạng, nhiều thông tin về kỹ thuật nuôi trồng cây, con mới của nhiều địa phương cũng như những thông tin về các cá nhân có cách làm ăn mới đã khiến họ thích thú vì đó là những thông tin họ cần. Những thông tin kỹ thuật, tình hình dịch bệnh, cơ cấu mùa vụ… trên Internet đã giúp cho người nông dân chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, cũng như việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… Việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng hơn, nhanh hơn và họ dần tránh được tình trạng bị tư thương ép giá.

Một thành viên CLB Nông dân ứng dụng Internet xã Tây Giang tâm sự: “Trước kia, trầy trật mãi mới nuôi được con heo vài chục ký, chưa kịp mừng, tôi đã lo “sốt vó” vì chẳng biết bán ở đâu, lời lãi thế nào. Giờ thì khác rồi, từ năm 2006 đến nay, tôi nối mạng Internet, ý định ban đầu là để xem giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm, rồi lần lần ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt. Nhờ Net, tôi mày mò tìm hiểu, rồi làm theo mô hình nuôi heo lai của tỉnh Đồng Nai. Kết quả, giống heo lai, mức đầu tư thức ăn thấp, đẻ sai, giá bán cao hơn nhiều so với giống heo nội. Cũng nhờ Net, tôi biết cách phòng bệnh, tiêm phòng cho heo; “úm” heo con trong mùa mưa, hay làm chuồng thoáng trong mùa hè để heo không bị ngộ độc…”.

Còn anh Nguyễn Bá Thiết (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn), một nông dân cũng làm giàu từ việc nuôi cá giống bằng Internet. Anh cho biết: “Nếu như trước đây tôi phải lặn lội khắp nơi để tìm thị trường thì nay chỉ cần nhấp “chuột” là biết ngay địa phương nào cần giống cá gì, nhu cầu bao nhiêu, giá cả ra sao… Cũng nhờ Internet mà thị trường cá giống của tôi hiện đang mở rất rộng, từ tháng 2-4 âm lịch xuất bán cho các tỉnh Tây Nguyên; từ tháng 5-7 âm lịch bán cho vùng duyên hải miền Trung; tháng 8-9 quay lại thị trường Bình Định”.

Tuy mới đi vào hoạt động chưa được 2 năm, điều kiện kinh phí, phương tiện máy móc còn khó khăn nhưng thực tế cho thấy CLB Nông dân ứng dụng Internet của xã Tây Giang đã đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Internet đã góp phần giúp người nông dân thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Theo Hồng Anh (ICTnews)

Đọc thêm