Chuyên gia bảo mật nói gì về ứng dụng FaceApp?

AUDIO BÀI VIẾT

Theo thống kê của Sensor Tower, chỉ tính riêng từ ngày 10-7-2019 đến nay FaceApp đã có hơn 13 triệu lượt tải về. Về cơ bản, ứng dụng sẽ sử dụng trí thông minh nhân tạo để xử lý hình ảnh, biến khuôn mặt của bạn từ già thành trẻ, trai thành gái và ngược lại.

Khi FaceApp bỗng nhiên nổi tiếng bất thường, chính quyền đã bắt đầu có những lo ngại liên quan đến quyền riêng tư. Theo trang CNN, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Mỹ) đã gửi một bức thư đến Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) để bày tỏ lo ngại về việc chính phủ Nga có khả năng truy cập dữ liệu của người dùng được tải lên.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: “Việc một ứng dụng được bàn tán nhiều trên mạng xã hội và trở thành hiện tượng là khá phổ biến. Đặc biệt là ở thời đại mà người dùng dễ bị cuốn hút bởi một xu hướng có tính giải trí”.

Trạng thái FOMO hoặc Fear of Missing Out (lo sợ bị bỏ lỡ) có thể làm xao lãng những thói quen bảo mật cơ bản, ví dụ như không đọc kỹ thông tin và cấp quyền cho ứng dụng. Nghiên cứu của Kaspersky cho thấy 63% người dùng không đọc thỏa thuận sử dụng và 43% người dùng thoải mái cấp quyền truy cập cho ứng dụng khi cài đặt.

Về cơ bản, việc cấp quyền lung tung có thể khiến bạn bị thu thập danh bạ, hình ảnh, tin nhắn riêng tư… và các đơn vị sản xuất ứng dụng có thể bán lại cho các bên thứ ba hoặc sử dụng vào những mục đích sai trái.

Để hạn chế tình trạng trên, bạn nên thực hiện một số điều sau đây:

- Chỉ tải xuống ứng dụng từ những nguồn đáng tin cậy, đọc đánh giá và xếp hạng của ứng dụng trước khi tải về

- Xem xét và lựa chọn kỹ những ứng dụng trước khi cài đặt lên thiết bị

- Đọc kỹ thỏa thuận sử dụng trước khi cấp quyền truy cập

- Tránh việc nhấp chuột theo quán tính với các yêu cầu khi cài đặt ứng dụng

- Cài đặt thêm các giải pháp bảo mật trên thiết bị

Bên cạnh đó, các chuyên gia Kaspersky cũng phát hiện ứng dụng FaceApp giả mạo, được sử dụng để chèn mã độc vào điện thoại của người dùng. Cụ thể, khi xâm nhập thành công, chúng sẽ bắt đầu hiển thị quảng cáo trên điện thoại. 

Giả mạo các ứng dụng phổ biến là một trong những chiêu trò thường được tin tặc sử dụng để tấn công người dùng, trước đây tình trạng này cũng từng xảy ra với các ứng dụng như Pokemon GO… 

Đọc thêm