Chuyện dài kỳ về đế chế Foxconn (phần II)

Chuyện dài kỳ về đế chế Foxconn (phần II) ảnh 1

Hình ảnh khắc khổ của công nhân làm việc tại nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc.

Đây là bài viết công phu về Terry Gou và tập đoàn Foxconn của hai cây bút Frederik Balfour và Tim Culpan làm việc tại hãng tin Bloomberg . Bài viết này được đăng trên Bussinessweek.com, một ấn phẩm của Bloomberg.

Đương đầu với những thử thách

Ba thập kỷ phát triển từ một xưởng gia công nút chỉnh kênh TV tới một nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng hàng đầu trên thế giới đã trôi qua với rất ít sự quan tâm từ báo giới phương Tây. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ tháng 6/2006, khi tờ London Daily Mail đã đăng tải một câu chuyện về những điều kiện làm việc khắc nghiệt của 30 ngàn công nhân tại nhà máy sản xuất iPod của Foxconn tại Long Hoa. Khi hai phóng viên của China Business News đã tận mắt chứng kiến câu chuyện, phản ứng đầu tiên của Gou là phản công. Foxconn đã kiện họ với tư cách cá nhân vì đã phạm tội phỉ báng và đòi mở phiên tòa đòi phong tỏa tài sản của họ nhưng cuối cùng tập đoàn này đã rút lại khi có yêu cầu của Apple và HP.

Sự việc này đã khiến ban lãnh đạo của Apple cử ngay một đoàn làm việc tới thanh tra về điều kiện làm việc tại nhà máy ở Long Hoa. Báo cáo này, hiện vẫn còn trên trang web của Apple, đã khám phá ra một số những vi phạm về quy chuẩn đạo đức mà Apple đặt ra, trong đó có việc yêu cầu làm thêm giờ quá mức, một cấu trúc tính lương phiền phức và những điều kiện sống không thể chấp nhận như là giường ngủ 3 tầng cho công nhân. Foxconn đã thực hiện những thay đổi, trong đó tạm dừng yêu cầu làm thêm giờ quá mức.

Mặc dù Apple gây sức ép với Foxconn, nhưng Steve Jobs không có ý định cắt đứt mối quan hệ với Hồng Hải, nhất là khi mà Apple đang thực hiện các động thái chuẩn bị cho sự ra đời của một thế hệ sản phẩm kế tiếp - đó là iPhone – thiết bị ra đời một năm sau đó. “Thành tựu của Steve Jobs sẽ là không thể nếu không có sự góp sức của Terry”, đó là câu nhận xét của Chang Tien-wen, tác giả cuối sách xuất bản năm 2005 có tựa đề: The Tiger and The Fox: Terry Gou's Global Competitive Strategy (Hổ và cáo: chiến lược cạnh tranh toàn cầu của Terry Gou).

Khi những khủng hoảng qua đi, và Gou, với mục tiêu phát triển đầy tham vọng, đã đặt mục tiêu 200 triệu đơn vị sản phẩm một năm trên thị trường notebook. Ba công ty của Đài Loan – Quanta, Compal, và Wistron - khi đó đang thống lĩnh thị trường và là những khách hàng ‘ruột’ của Foxconn, đã mua các linh kiện trị giá hàng tỷ USD từ nhà sản xuất này. Quyết định cạnh tranh trực tiếp với khách hàng của chính mình là một nước cờ mạo hiểm. Nhưng Gou tính toán rằng trong khoảng thời gian cần thiết để họ tìm kiếm những nhà cung cấp khác, thì ông có đủ sức giành thị phần để đưa công ty của ông tiến lên trước. Ngày nay, Foxconn đã chiếm thị phần 4% ở thị trường notebook và hy vọng sẽ đạt tỷ lệ 11% trong năm tới, theo như những số liệu của hãng Yuanta Securities tại Đài Bắc.

Đó là vẻ đẹp trong mô hình của Foxconn. Doanh thu từ những bộ phận họ cung cấp cho các sản phẩm của khách hàng là khá cao, vì vậy ở công đoạn lắp ráp cuối cùng cho những sản phẩm của Dell, Nokia, hoặc Sony, thì Foxconn thường cố gắng hy sinh lợi nhuận – hoặc thậm chí làm công việc đó mà chịu lỗ - bởi vì họ đã kiếm được khá nhiều từ việc bán linh kiện. Các nhà phân tích hy vọng danh thu của Hồng Hải Precision sẽ đạt mức tăng trưởng 40% trong năm nay, ở mức 85 tỷ USD.

Công việc kinh doanh của Foxconn phát triển từ nền tảng không chỉ phụ thuộc vào nguồn lao động rẻ và không qua đào tạo. Công ty hiện nay có 50 ngàn kỹ sư chế tạo, trong đó có hơn 2 ngàn công nhân lành nghề chuyên thiết kế vào chế tạo các bộ phận dập và tạo hình. Điều đó cho phép công ty có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất hơn bất kỳ đối thủ nào khác, lợi thế đặc biệt trên thị trường chế tạo thiết bị điện tử cầm tay nơi những dòng sản phẩm mới liên tiếp được ra mắt. Jason Dedrick, phó giáo sư tại Trường thông tin của Đại học Syracuse nói: “Nếu bạn nhìn vào đằng sau những gì mà Foxconn thể hiện và hiểu rằng tại sao họ lại có thị phần lớn tới như vậy, thì đó là gốc rễ của vấn đề”.

Để hiểu rõ Foxconn đã đa dạng hóa chuỗi cung cấp của mình như thế nào, hãy xem kỹ nắp phía sau của chiếc điện thoại Nokia 1209. Vỏ plastic là mô hình của Foxconn Technology. Loa được chế tạo bởi Hồng Hải Precision, bàn phím và connector cho bảng mạch in cũng vậy. Bảng mạch in được chế tạo bởi Foxconn Advanced Technology. Còn màn hình TFT LCD sản xuất tại Chimei Innolux, một công ty ‘sân sau’ mà Gou sở hữu 2,7% số cổ phần. Tính tổng, 70% số linh kiện của chiếc điện thoại này được chế tạo bởi những công ty có liên quan với Foxconn.

Mặc dù thắt chặt chi phí luôn là phương châm của Gou trong suốt triều đại của ông, nhưng Gou cũng đã từng nhận lấy những rủi ro lớn thay mặt cho các khách hàng thường xuyên của mình. Tại Trùng Khánh, ở miền trung Trung Quốc, Foxconn đang đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy có khả năng sản xuất 300 triệu máy trong một năm cho riêng khách hàng Hewlett-Packard. Hay khi iPhone 4 sắp được đưa vào sản xuất, Foxconn và Apple phát hiện ra rằng khung kim loại của sản phẩm này chuyên biệt tới mức nó chỉ có thể được sản xuất bởi một dây chuyền đắt tiền, năng suất thấp thường chỉ sử dụng cho những sản phẩm mẫu.

Những nhà thiết kế của Apple không đồng ý sửa đổi những yêu cầu kỹ thuật mà họ đưa ra, vì thế Gou đã đặt hàng liền một lúc 1 ngàn chiếc máy với giá mỗi chiếc 20 ngàn USD từ Fanuc, một nhà cung cấp ở Tokyo. Phần lớn các công ty chỉ có một chiếc máy như thế. “Terry là một nhà lãnh đạo có cá tính mạnh, luôn khát khao tạo ra sự tuyệt đối”, Tim Cook, một lãnh đạo cấp cao của Apple nói. “Ông ấy là một đối tác đáng tin cậy mà chúng tôi rất may mắn được cộng tác cùng”. Nhà máy Long Hoa hiện nay sản xuất 137 ngàn iPhone mỗi ngày, tương đương công suất 90 máy một phút.

Kể từ cuối tháng Năm, Gou thông thường chia đôi thời gian của mình giữa văn phòng ở Hồng Hải, Đài Loan với Trung Quốc đại lục, nơi ông sống tại Long Hoa trong một phòng ngủ phía sau văn phòng của ông, để giải quyết hậu quả của những vụ tự tử. Ông nói rằng mình làm việc 16 giờ một ngày và ăn ba bữa ngay tại bàn làm việc. Và không có nhiều thời gian để cho ông thư giãn. “Tôi nhuộm tóc vào 11 giờ đêm qua để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn này”, ông nói, và tự giới thiệu mình với một cái bắt tay thật chặt. Ông cũng đã không đi đánh golf một lần nào trong nhiều tháng mà vẫn khỏe mạnh bằng bài tập thể dục vào mỗi buổi sáng và sử dụng thời gian để lập “kế hoạch cho 5 năm tới. Và đó là điều quan trọng bậc nhất”.

Đời tư và tính cách

Gia đình của Gou tới từ Sơn Tây, một tỉnh ở phía bắc miền trung của Trung Quốc đại lục. Cha của ông tham gia đội quân Quốc Dân Đảng trong cuộc nội chiến, năm 1949 ông đã bỏ chạy cùng với Tưởng Giới Thạch sau khi bị đánh bại bởi những người cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Sau đó ông đã trở thành một sỹ quan cảnh sát tầm trung tại Đài Bắc. Terry là con cả trong số 3 con trai của ông.

Đời tư của Gou là chủ đề thường xuyên thu hút được sự quan tâm của báo giới Đài Loan, những năm gần đây được đánh dấu bởi rất nhiều những bi kịch. Serena, người vợ đã gắn bó với ông gần 30, và là mẹ của 2 đứa con một trai một gái, đã qua đời năm 2005 vì bệnh ung thư. Sau khi con trai Tony qua đời vì bệnh bạch cầu năm 2007, Gou đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những sở thích trong cuộc sống bên ngoài những cánh cổng nhà máy. Ông đã tập yoga, và đưa mẹ ông, người đã bước sang tuổi 85, ra ngoài thường xuyên để thưởng thức món mì Đài Loan, và ông cũng tích cực hơn với các hoạt động từ thiện, thông qua Quỹ YongLin.

Chuyện dài kỳ về đế chế Foxconn (phần II) ảnh 2

Ông cũng dành thời gian khám phá các di sản của Trung Quốc đại lục và tài trợ cho Empire of Silver (Triều đại Bạch Ngân), một bộ phim xa hoa về thời kỳ phong kiến ở Sơn Tây. Hình ảnh của ông cũng đã bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí hào nhoáng ở Đài Loan trong vòng tay những cô gái trẻ xinh đẹp. Cuối cùng, ông đã thành thân với Delia Tseng, một giáo viên dạy nhảy 24 tuổi mà ông đã thuê để hướng dẫn ông tập điệu Tango cho màn trình diễn trong bữa tiệc chào năm mới, ở đó ông sẽ trình diễn với siêu mẫu Đài Loan là Lâm Chí Linh. Gou cần phải tập luyện. Delia không biết ông ta là ai, chỉ được nghe nói rằng “đó là một doanh nhân quan trọng”, theo lời của Bruce Chang, người quản lí của một studio tại Đài Bắc mà cô đang làm việc. “Terry nhảy khá tốt, đối với một người biểu diễn không chuyên”, Chang nói. “Delia kể lại rằng ông ta tập luyện rất cố gắng”.

Hai người làm lễ cưới ngày 26/7/2008 tại Khách sạn Gran Hyatt ở Đài Bắc. Trong buổi lễ, Gou làm khuấy động sân khấu, với bộ đồ dạ hộ áo đuôi tôm, và ông đã hít đất 30 cái liền để chứng minh mình vẫn còn rất cường tráng. 9 tháng 4 ngày sau, Delia sinh hạ một bé gái, được đặt tên là Hsiao-ru. Bé thứ 2 sẽ chào đời vào mùa thu năm nay.

Gou thường gần gũi gia đình mình – cho dù trong quá khứ, ít nhất, cũng có lần ông thể hiện rõ quan điểm rằng công việc kinh doanh mới là ưu tiên số một. Em trai của ông là T.C. Gou, người từng giữ chức giám đốc bộ phận sản xuất dây cáp và connector của Foxconn cho tới tận những năm giữa thập niên 1990, đã nhận được mọi thứ trừ sự đối xử ưu ái từ phía anh trai mình. Theo một quan chức từng có thời gian làm việc với cả hai anh em, Gou có thể la mắng T.C. giống như với bất kỳ một nhân viên dưới quyền nào khác, đôi lần ông bắt em trai mình phải ở yên trong phòng. Cuối cùng, T.C Gou rời Foxconn và mở công ty riêng cho mình, lấy tên là Foxlink, chuyên sản xuất dây cáp. Gou giải thích về sự chuyển đổi bằng cách nói rằng ông không muốn điều hành một công ty gia đình – với hơn 60% cổ phần của nhà máy Hồng Hải được sở hữu bởi các quỹ hưu trí, như ông tiết lộ – và đó là thời điểm để T.C. đi trên con đường riêng của mình.

Gou thể hiện sự nghiêm khắc và lòng tốt ở những thái cực khác nhau. Cũng theo một cựu quan chức từng làm việc cho Foxconn, tại một cuộc họp có sự tham dự của khoảng 200 người diễn ra vào năm ngoái để thảo luận về sự hoạt động kém hiệu quả của bộ phận chuyên về điện thoại di động của tập đoàn, Gou đã yêu cầu một vị giám đốc điều hành phải đứng 10 phút trước cử tọa bởi vì vị này đưa ra câu trả lời không thỏa đáng. Gou cũng biết cách tưởng thưởng xứng đáng cho nhân viên dưới quyền của mình. Trong khi lương chính thức của ông chỉ là tượng trưng với 1 Đô-la Đài Loan, tương đương khoảng 3 nhân dân tệ, các nhà phân tích nói rằng ông trao thưởng cho các vị lãnh đạo cấp cao bằng tiền túi, từ khoản cổ tức thu được bằng cổ phần của ông trong công ty.

Điều đó giúp cho Foxconn dễ dàng hơn trong việc đảm bảo giữ được những lãnh đạo cấp cao mà không làm ảnh hưởng tới đường lợi nhuận của công ty, theo lời của Jamie Wang, một chuyên gia phân tích của Gartner tại Đài Bắc. 12% cổ phần của Hồng Hải mà ông nắm giữ có giá trị khoảng 4 tỷ USD, và ông còn có số cổ phần trị giá khoảng 300 triệu USD tại công ty ‘sân sau’ là Chimei Innolux, chuyên sản xuất các loại màn hình phẳng. Trong bữa tiệc chào năm mới của công ty, Gou tổ chức một cuộc quay xổ số. Giải thưởng năm 2008 có trị giá 300 ngàn cổ phiếu của Hồng Hải, với giá thị trường hiện nay khoảng 1 triệu USD.

Với các đối thủ cạnh tranh, Gou luôn tỏ ra cương quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Ông từng kiện công ty sản xuất pin của Trung Quốc là BYD tại tòa Hồng Kong năm 2007, buộc tội BYD, công ty mà trong đó Berkshire Hathaway – được quản lí bởi MidAmerican Energy giữ 28% cổ phần của BYD Hồng Kông, đã mua chuộc 50 nhân viên của họ để thành lập một công ty lắp ráp điện thoại di động nhằm cạnh tranh và ăn cắp các bí mật kinh doanh. Foxconn cũng đã gửi đơn kiện tương tự cho tòa tại Illinois. BYD sau đó kiện lại Foxconn ở Hồng Kông vì phỉ báng danh dự và buộc tội công ty này đã hối lộ các quan chức Trung Quốc và đe dọa các nhân viên cũ của Foxconn để đưa ra bằng chứng giả mạo khi bị cảnh sát thẩm vấn.

Stella Li, CEO của BYD Electronic International và là một trong 3 quan chức bị nêu tên trong vụ kiện ở Illinois, mà cũng như nhiều vụ kiện khác với mục đích hoãn binh, đã nói rằng Foxconn cố gắng làm hỏng những nỗ lực cạnh tranh của đối thủ. “Họ có thể làm mọi điều, với mục đích có thể ngăn chặn chúng tôi trở thành một người chơi dẫn đầu”, Li nói.

Gou nói rằng ông không hiểu tại sao Buffett không lo xong việc nhà của ông này trước khi quyết định đầu tư vào BYD năm 2008. “Warren Buffett quá nổi tiếng. Vâng ông ấy là người vĩ đại, ông ta đã có những thương vụ đầu tư tốt, nhưng ông ta quá già. Ông ta không hiểu nhiều về các công ty tư nhân ở Trung Quốc. Nếu tôi gặp trực tiếp ông ấy, tôi sẽ nói, ‘ở Mỹ, ông bảo với mọi người rằng họ cần phải bảo vệ các sáng chế nghiên cứu và phát triển của họ. Vậy thì làm sao ông lại đầu tư vào một công ty đi ăn cắp công nghệ của người khác mà lại nói rằng điều đó tuyệt vời?”

Còn nữa...

Theo Thanh Tiếp (ICTnews  / Businessweek)

Đọc thêm