Chuyện dài kỳ về đế chế Foxconn (phần cuối)

Chuyện dài kỳ về đế chế Foxconn (phần cuối) ảnh 1

Đây là bài viết công phu về tập đoàn Foxconn của hai cây bút Frederik Balfour và Tim Culpan làm việc tại hãng tin Bloomberg. Bài viết này được đăng trên Bussinessweek.com, một ấn phẩm của Bloomberg.

Các công nhân đã nói gì?

Louis Woo, một nhân viên của ban điều hành, là người được Foxconn giao nhiệm vụ thuyết trình với các phóng viên về chiến lược chuyển đổi doanh nghiệp này thành một tập đoàn thân thiện với dân chúng. Woo, một người Mỹ gốc Ma Cao, là tiến sỹ từ Đại học Stanford, trình bày một bài thuyết trình bằng PowerPoint về chương trình “phòng ngừa, chăm sóc và phục hồi”. Foxconn đã thiết lập một trung tâm chăm sóc 24/24 với sự góp mặt của những chuyên gia tư vấn có bằng cấp. Họ cũng đã xây dựng một website nhằm khích lệ tinh thần xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ công ty và bắt đầu những chương trình tư vấn giúp đỡ tại các khu nhà ở của công nhân, và đặc biệt là huấn luyện cho những người quản lí biết cách đối xử hài hòa với những nhu cầu về mặt tinh thần của công nhân. “La mắng không phải là cách duy nhất”, Woo nói. “Thế hệ công nhân mới đang dần thay đổi ở Trung Quốc và Foxconn đang thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tế”.

Eric Caine, chủ nhiệm khoa tâm thần học tại đại học Rochester đồng thời là một chuyên gia về ngăn chặn các hành vi tự tử, nói rằng những vụ tự tử ở Foxconn có biểu hiện của tự tử tập thể, hiện tượng bắt chước vô thức lần đầu tiên được quan sát thấy ở châu Âu trong quá trình công nghiệp hóa từ hai thế kỷ trước. Điều khác biệt về mặt điều kiện trong các nhà máy ở Trung Quốc hiện nay so với các nhà xưởng như mô tả của Dicken là về quy mô.

“Khi bạn có tới hơn 900 ngàn công nhân, bạn sẽ có những người gặp vấn đề về mặt sức khỏe tâm lí, từ những sự tan vỡ tình cảm, cảm giác sợ hãi tràn ngập, trống vắng, tới những suy nhược về mặt sức khỏe, cho tới những người thậm chí mắc bệnh tâm thần”, Caine nhận xét trong một lần đi thăm nhà máy như một phần của một chuyến thăm độc lập được tổ chức bởi Bệnh viện Tây Trung Quốc tại Đại học Tứ Xuyên. “Foxconn đã thiết lập một số những dịch vụ hỗ trợ nhân viên trước khi các vụ tự tử xảy ra, và họ nhận thức rõ đó là một vấn đề lớn, nhưng hiệu ứng lan tỏa và cảm giác thôi thúc họ nhảy xuống như có một sự sắp xếp nào đó, và họ chỉ cần gieo mình xuống là mọi chuyện kết thúc”.

Các công nhân ở Long Hoa khi được các phóng viên hỏi đã từ chối đề cập đến những vấn đề về việc họ được đối xử như thế nào, còn các ý kiến khác khá giống với những lời phàn nàn mà nhiều người đã nói về công việc của họ. Hơn 20 nhân viên của Foxconn đã được phỏng vấn, không ai thể hiện những dấu hiệu sợ hãi khi nói chuyện tự nhiên với phóng viên. Họ được phỏng vấn khi làm việc mà không có mặt của người quản lí.

Các cuộc thảo luận khác được tiến hành ở quán cafe Internet, ở khu nhà ở nhân viên và trong căng-tin của công ty. Hầu hết đều nhận thức rõ về sự lựa chọn của mình. Họ làm việc tại Foxconn bởi vì họ muốn kiếm tiền càng nhanh càng tốt. Một số người cần tiền mặt để mua những sản phẩm mà chính họ làm ra. Một số khác muốn trở thành doanh nhân. Không có công nhân nào cảm thấy buồn phiền về việc phải làm thêm giờ. Ngược lại, việc được làm thêm giờ đối với họ là một điều hấp dẫn.

Li Caihe, 19 tuổi đến từ tỉnh Cam Túc, làm việc 12 giờ một ngày để gắn 9 loại linh kiện khác nhau vào bo mạch chủ của điện thoại Nokia N90. “Công việc cần phải rất tập trung, ban đầu rất căng thẳng”, cô nói. “Tôi biết tôi có thể tới gặp tư vấn viên, nhưng tôi không nghĩ điều đó có ích. Tôi đã thích nghi được, và tôi có thể tự lo được. Khi tôi nói chuyện với cha mẹ, tôi cố gắng thể hiện mình đang hạnh phúc. Tôi không hề nói gì về những căng thẳng mà tôi gặp phải”. Li ở cùng phòng ký túc xá với 7 cô gái khác và có kế hoạch ở lại thêm một năm nữa. Sau đó cô hy vọng sẽ đủ tiền để mở một cửa hàng kinh doanh ở quê nhà, có thể là một cửa hàng chăm sóc sắc đẹp.

Một nam thanh niên 23 tuổi, chỉ cho biết tên là Cheng, là người chuyên phun sơn lên các tấm nhựa tổng hợp sau đó sẽ được ép thành vỏ ngoài của điện thoại di động. Anh nói rằng các điều kiện đã tốt hơn nhiều so với ba người chủ mà anh từng làm việc trước đây, mặc dù anh từng tham gia vào vụ đình công trong 1 ngày của 70 công nhân hồi tháng Năm vừa qua do bộ phận của anh tổ chức để phản đối việc phát tán những bụi sơn độc hại. Họ cần các phương tiện bảo vệ tốt hơn là mặt nạ bằng giấy mà họ vẫn đang phải sử dụng. Anh tỏ ra nghi ngờ về các hoạt động khích lệ tinh thần giống như cuộc diễu hành được tổ chức vào tháng Tám. “Mọi người cảm thấy vui vẻ khi được tham gia các trò chơi”, anh nói. “Nhưng sau sự kiện này, người nào bị trầm cảm thì lại bị trầm cảm trở lại. Mọi việc thật hời hợt”.

Chuyện dài kỳ về đế chế Foxconn (phần cuối) ảnh 2

Guo Yan Bing, một công nhân 25 tuổi tới từ Hồ Nam làm việc ở bộ phận giao nhận, anh nói chuyện với phóng viên khi đang cạo lông mi bằng dao cạo trong ngày nghỉ. Anh ở bên ngoài khu kí túc xá với vợ sắp cưới trong căn hộ một phòng với giá 44 USD một tháng, bằng đúng số tiền họ nhận được từ Foxconn như là một khoản hỗ trợ nhà ở. “Nhà máy quá lớn”, anh nói. “Những quản lí cấp thấp và trung bình đều không có học, và họ không hòa nhã với mọi người. Tôi không thích ông Gou ở điểm này. Mà ông chủ nào cũng vậy thôi, họ luôn tìm cách kiếm được càng nhiều tiền càng tốt”.

Li Xiaofeng, 20 tuổi tới từ một nông trại ở tỉnh Hà Nam, làm việc cho Foxconn kể từ tháng 5/2009 ở dây chuyền sản xuất máy in màu của HP tại nhà máy Long Hoa. Thế hệ của cô, theo cô nói, đều khó chấp nhận phải làm việc trong nhiều giờ liền, với lương thấp và dưới sự chỉ đạo của những người quản lí cay nghiệt. “Những người trẻ, cụ thể là sinh sau những năm 1990, đều có sự nhiệt tình và say mê lớn, nhưng lại dễ dàng bị cảm thấy thất vọng khi vướng phải những chướng ngại”, Li giải thích. “Chúng tôi không có khả năng chịu đựng những tổn thương”. Cô cũng phàn nàn rằng trong phòng ở ký túc xá của cô có quá nhiều gián và nhiều khi cô phải nhịn tắm trong 3 ngày liền vì khu nhà bị mất nước thường xuyên.

Kế hoạch tương lai đầy tham vọng

Với tham vọng của Foxconn, có những bằng chứng cho thấy công nhân của họ đã được đối xử tốt hơn so với các nhà máy khác, một phần bởi vì quy mô nhà máy của họ quá lớn cũng như là cuộc cạnh tranh quyết liệt về nguồn lao động ở Trung Quốc. “Tôi tin là ở Trung Quốc còn có nơi làm việc khác tồi tệ hơn cả Foxconn”, Michael McNamara, CEO của Flextronics nói. “Nếu có ai đó không muốn làm việc ở đây, họ có thể đi bộ qua bên kia đường và ngay lập tức tìm được khoảng 10 nơi khác để làm việc”.

Ian Spaulding, giám đốc điều hành của INFACT Global Partners Ltd., một công ty tư vấn của Hồng Kông đang làm việc với các công ty sản xuất đồ điện tử để phát triển các chương trình làm giảm sự bất bình của người lao động, nói: “Một công ty dẫn đầu thì họ được kỳ vọng sẽ trả mức lương cao hơn, giờ giấc làm việc hợp lí và điều kiện sống tốt hơn. Ở một khía cạnh nào đó Foxconn là một nạn nhân cho những thành công của họ. Điều này cũng giống như Nike. Họ thật không may khi tiếp cận thế giới theo cách khá tự cao tự đại với câu nói ‘những nhà máy của chúng tôi là tốt nhất’, làm thế thì chẳng khác mời gọi những lời chỉ trích”.

Chế độ giám sát lao động mang lại cho Foxconn khoản thu vượt mức. Geoffrey Crothall, phát ngôn viên của China Labor Bulletin, một tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động đặt tại Hồng Kông nhận xét: “Họ trả cho công nhân theo giờ lao động, và thời gian làm thêm giờ theo các quy định, và điều đó lí giải tại sao công nhân thường xuyên xếp hàng để được làm việc ở đây. Cho dù Foxconn có chế độ làm việc căng thẳng và nghiêm ngặt, nhưng vẫn còn tốt hơn nhiều so với những công xưởng nhỏ nơi  bạn làm việc mà không được đảm bảo rằng mình chắc chắn sẽ được trả lương”.

Có một câu chuyện đùa giữa những nhà quản trị mà sinh kế của họ phụ thuộc vào Foxconn: trong hai mươi năm qua, trên thế giới chỉ có mỗi hai công ty. Mọi thứ được Foxconn sản xuất, và được bán bởi Wal-Mart.

Gou cho rằng câu chuyện vui đó là tâng bốc và không thực tế. “Đó chỉ là một câu nói đùa. Tôi không nói rằng tôi là người vĩ đại. Tôi chỉ làm việc chăm chỉ và sáng suốt”. Trong hơn một thập kỷ, Gou đã khích lệ bộ máy lãnh đạo của công ty để đạt được mức tăng trưởng 30% mỗi năm, nhưng ở thời điểm này, khi quy mô của công ty đã đạt tới mức khổng lồ, thì ông đã quyết định sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng lại, với mục tiêu dưới 15% cho năm 2011. Nhưng ông vẫn chưa bớt đi sự quyết liệt đối với bản thân mình và bất kỳ ai khác. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người thành đạt”, ông nói. “Nếu tôi thành công rồi, tôi sẽ nghỉ hưu. Nếu tôi chưa nghỉ hưu, nghĩa là tôi nên làm việc chăm chỉ hơn và giúp công ty phát triển đúng hướng”.

Làn sóng cách mạng kế tiếp ở Foxconn đã bắt đầu. Công ty đang tự định hình bằng việc xây dựng những khu chế xuất quy mô bằng cả một thành phố. Hiện nay, Gou muốn chuyển gánh nặng các dịch vụ phục vụ công nhân cho chính quyền Trung Quốc. “Chúng tôi tới Thẩm Quyến từ giữa những năm 1990 để xây dựng những nhà máy và cung cấp chỗ ở, nơi phục vụ ăn uống và mọi thứ, thậm chí cả dịch vụ giặt ủi cho công nhân”, Gou nói. “Chúng tôi hiện nay không phải là một nhà máy đơn thuần, chúng tôi phải đảm nhận cả các trách nhiệm mang tính xã hội. Giờ đây, tôi nghĩ chúng tôi nên thay đổi. Kinh doanh chỉ nên tập trung vào kinh doanh và các trách nhiệm xã hội phải thuộc thẩm quyền của chính phủ”.

Chính quyền Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã đồng ý một thỏa thuận trong đó Gou sẽ chi 3,5 tỷ USD trong vòng 5 năm để xây dựng các nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện, trong khi chính phủ sẽ cung cấp nhà ở giá rẻ cho các công nhân làm việc cho ông. “Chúng tôi không muốn tiếp tục quản lí các cửa hàng ăn uống tự phục vụ nữa”, Gou nói.

Việc tiến sâu vào nội địa sẽ cho phép Foxconn trả lương công nhân thấp hơn và có thể ngăn chặn được các vụ tự tử. Nếu công nhân được làm việc ở gần quê nhà, như lý do mà các quan chức Foxconn đưa ra, họ sẽ có người chia sẻ mỗi khi gặp phải vấn đề. Vì thế Foxconn đang xây dựng một chi nhánh ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, tỉnh có dân số khoảng hơn 100 triệu người. Các công nhân nhập cư từ Hà Nam chiếm khoảng 1/5 lực lượng lao động của Foxconn. “Chúng tôi muốn tới tận nơi có nguồn lao động dồi dào và công nhân sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía gia đình và bạn bè”, Woo nói.

Vì các công ty phương Tây có xu thế thuê ngoài cả những công việc thiết kế, Gou phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những nhà sản xuất notebook chuyên nghiệp như là Compal và Quanta cũng như nhà sản xuất đồ điện tử Flextronics, những công ty có đội ngũ thiết kế nhiều kinh nghiệm. “Khả năng thiết kế là điểm yếu của Hồng Hải”, Wang – một chuyên gia phân tích của Gartner tại Đài Bắc nhận xét. “Nhưng họ rất quyết tâm trong việc thu hút các kỹ sư giỏi, và lợi thế của họ là có nguồn tài chính đủ mạnh để làm điều này”.

Trong khi Foxconn vẫn xuất khẩu phần lớn hàng hóa mà họ sản xuất được ở Trung Quốc, thì các nhãn hiệu toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội bán được nhiều hàng hóa hơn cho người tiêu dùng nước này. Đó là lý do tại sao Gou thuê Woo để phát triển cái gọi là kênh kinh doanh, sẽ đưa Foxconn tham gia vào lĩnh vực bán lẻ. Woo, người từng điều hành công tác bán hàng của Apple tại Đài Loan trong những năm 1990, nói rằng ông dự kiến sẽ thiết lập 10 ngàn điểm bán lẻ trên khắp Trung Quốc vào năm 2014 và phần lớn trong số đó sẽ được điều hành bởi những người từng làm việc trong các nhà máy của Foxconn.

Ở phần lớn các nền kinh tế, sự chuyển đổi địa vị cá nhân từ một công việc mất nhiều thời gian mà lương thấp trong các nhà máy sản xuất tới một công việc bàn giấy tương đối nhẹ nhàng có thể mất vài thế hệ. Nhờ một phần nỗ lực của Gou, những người lao động Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu này trong vòng chỉ vài năm. Gou cũng đang định hình về một nhà máy tự động hoàn toàn sản xuất các linh kiện trong vòng 5 năm. “Nếu tôi có thể sản xuất tự động ở Mỹ, rồi chuyển sản phẩm tới Trung Quốc, chúng tôi sẽ vẫn đảm bảo được giá cả cạnh tranh”, ông nói. “Nhưng tôi lo lắng ở Mỹ có quá nhiều luật sư. Tôi chẳng muốn tốn thời gian để đi hầu kiện mỗi ngày”.

Theo Thanh Tiếp (ICTnews / BusinessWeek)

Đọc thêm