Chuyện của năm 2010

Chuyện của năm 2010 ảnh 1

Smartphone

Mặc dù người dùng iPhone đã thực sự được hưởng thụ thế giới web trên di động từ năm 2007 nhưng phải đến năm nay smartphone mới thực sự thâm nhập vào đời sống công nghệ của đa số người dùng khi nó mang đến khả năng lướt web, xem phim nghe nhạc ở bất kỳ đâu miễn là có sóng di động hay kết nối Wi-Fi mà không cần phải dừng lại, khởi động chiếc laptop.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, riêng trong quý 3/2010, thế giới đã tiêu thụ tới 81 triệu chiếc smartphone – tăng gần gấp đôi so với cách đó 1 năm và chiếm tỷ lệ gần 20% tổng số điện thoại di động được tiêu thụ trên toàn cầu. Các lãnh đạo của hãng viễn thông Verizon (Mỹ) còn dự báo smartphone sẽ chiếm tỷ lệ 3/4 vào khoảng giữa thập kỷ này (năm 2015).

Chuyện của năm 2010 ảnh 2

Android - Ngôi sao của năm 2010

Sự trỗi dậy của smartphone đã làm đảo lộn cán cân quyền lực trên thị trường viễn thông thế giới. Các thiết bị chạy trên hệ điều hành Android của Google và iOS của Apple đã chính thức vượt qua dòng sản phẩm BlackBerry của RIM. Android thậm chí còn làm được nhiều hơn thế khi đang ngấp nghé tranh đoạt vị trí dẫn đầu thị trường của Symbian – Nokia – hãng đã phải thay thế Tổng giám đốc trong năm nay. Microsoft – một “quyền lực tuyệt đối” trong thế giới máy tính để bàn cũng đang thể hiện tham vọng rất lớn trong việc tìm cách đặt chân vào thị trường này với mức thị phần chỉ khoảng 2,8%.

Năm 2010 cũng đánh dấu bước khởi động đầy ấn tượng của dòng máy tính bảng với sự ra đời của iPad. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên, Apple đã bán được tới 7,5 triệu chiếc còn hãng Gartner dự báo thế giới sẽ tiêu thụ khoảng 55 triệu chiếc máy tính bảng trong năm tới.

Cũng trong năm nay, iPhone mới bắt đầu cảm thấy có đối thủ khi nền tảng Android của Google có sự tăng tốc một cách đáng kinh ngạc bất chấp việc chiếc smartphone đầu tiên sử dụng hệ điều hành này đã chào đời từ 2 năm trước. Đây là thành quả nhờ chiến lược hợp tác với nhà mạng lớn nhất nước Mỹ Verizon Wireless và 2 hãng sản xuất thiết bị Motorola, HTC. Sự hợp tác này đã cho ra đời một số mẫu smartphone “hot” giúp Android lần đầu tiên vượt qua Apple về thị phần. Thực tế này đã khiến Steve Jobs rất ngạc nhiên và giúp cho gã nhà giàu Google tiếp tục chắc chân trên thị trường di động đang bùng nổ.

Nhiều nhà nghiên cứu thị trường dự báo, năm 2011 sẽ đánh dấu sự bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa của Android khi nền tảng này bắt đầu thâm nhập vào thị trường smartphone giá rẻ và rất có thể sẽ xuất hiện ồ ạt các dòng sản phẩm có giá dưới 100 USD và các gói cước rẻ hơn nữa.

Chuyện của năm 2010 ảnh 3

Ứng dụng di động

Không quá lời khi ai đó khẳng định rằng năm 2010 là “Năm của ứng dụng di động”. Dù vẫn còn một số lượng không nhỏ các ứng dụng quá đơn giản và “ngốc nghếch” nhưng ứng dụng di động đã góp phần khiến cơn bão smartphone tăng cấp nhanh chóng, đưa chúng càn quét qua nhiều vùng đất trước kia là lãnh địa của máy tính để bàn như game, biên tập ảnh, video…

Điều đáng nói hơn nữa là chỉ 3 năm sau khi Apple chính thức mở cửa kho ứng dụng trực tuyến của mình, ứng dụng di động đã lột xác hoàn toàn từ chỗ chỉ là những thứ “đồ chơi dành để giết thời gian” trở thành một “hệ sinh thái” – yếu tố chủ đạo gắn chặt người dùng với chiếc điện thoại. Và đó cũng chính là lý do vì sao cả Google, RIM và Verizon đều đã nhảy vào cuộc chơi ứng dụng, lôi kéo các nhà phát triển về với mình.

Theo ước tính của Gartner, tổng doanh thu của mảng ứng dụng di động toàn cầu trong năm 2010 đã đạt khoảng 6,7 tỷ USD. Dự báo năm 2011, ứng dụng di động sẽ thâm nhập sâu hơn vào đời sống, đặc biệt là những ứng dụng phục vụ cho công việc, cho doanh nghiệp. Sự khởi phát của trào lưu sử dụng máy tính bảng trong môi trường doanh nghiệp sẽ là động lực lớn cho mảng ứng dụng doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong năm 2011.

Chuyện của năm 2010 ảnh 4

Tiến lên 4G

Các nhà mạng di động Mỹ đã có những bước đi khá mạnh mẽ tiến vào kỷ nguyên của công nghệ di động 4G trong năm 2010 với việc các nhà mạng Sprint và Verizon đều đã triển khai mạng thế hệ mới này trên một loạt thành phố. Tuy nhiên, đến nay mạng 4G mới chỉ có thể được tiếp cận từ máy tính (laptop) và chưa được phủ sóng rộng rãi. Theo các nhà phân tích thị trường, mạng 4G chỉ thực sự “trưởng thành” khi nó được hỗ trợ bởi các dòng điện thoại di động có khả năng hoạt động trên đó.

Điều không vui với người dùng là mặc dù các công nghệ mới với tốc độ truyền tải dữ liệu cao đã ra đời nhưng hầu hết các nhà mạng trên thế giới đều lần lượt bỏ gói cước “không giới hạn dung lượng” nên rất có thể những mạng di động thế hệ mới này sẽ là “cái bẫy” khiến không ít người cháy túi nếu không thật chú ý trong quá trình sử dụng.

Thiếu hụt linh kiện

Có một thực tế ít người biết là ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn của thế giới đang phải gồng mình để đáp ứng nhu cầu về linh kiện cho các hãng sản xuất thiết bị. Hẳn người dùng chưa quên HTC đã từng phải ngừng nhận đặt hàng mẫu Droid Incredible ngay sau ngày ra mắt (tháng 4/2010) không lâu chỉ bởi vì thiếu màn hình. Sự thiếu hụt các linh kiện cơ bản của ngành bán dẫn sử dụng trong việc sản xuất trạm phát sóng không dây hay các thiết bị mạng đã khiến cho hãng Ericsson thiệt hại khoảng 500 triệu USD hồi quý II/2010. Hay một ví dụ nữa là nạn thiếu hụt linh kiện đã biến hãng AT&T thành kẻ thất hứa khi không thể nâng cấp mạng lưới của họ cho người dân thành phố San Francisco.

Một phần của vấn nạn này có thể sẽ được giải quyết khi Samsung – nhà sản xuất màn hình dành cho các thiết bị di động lớn nhất thế giới đang tăng tốc trong việc nâng cấp công suất của các nhà máy và đưa vào hoạt động một nhà máy mà họ xây dựng từ hồi tháng 7. Khi đó, khả năng cung cấp cho thị trường sẽ là 30 triệu sản phẩm chứ không phải là 3 triệu như hiện tại.

Chuyện của năm 2010 ảnh 5

Ai đang kiện ai?

Cuộc chiến bản quyền công nghệ

Có người nói vui rằng “môn thể thao ưa thích” của các hãng công nghệ, đặc biệt là các hãng di động trong năm 2010 là liên tục đội đơn đi kiện nhau với kịch bản chung là “hãng X vi phạm (ăn cắp) bản quyền sáng chế công nghệ Y của chúng tôi”. Có thể dễ dàng điểm mặt những hãng như Apple, Motorola, Microsoft, Nokia hay thậm chí là cả Kodak cũng đã tham gia “môn thể thao” này.

Và gần như chắc chắn là trong năm 2011, cuộc chiến này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vẫn nhận được những lá đơn mới và còn cả đống như vụ kiện từ năm 2010 chưa giải quyết xong.

An ninh mạng và sự riêng tư

Hãy cảm thấy mừng vì điều nguy hiểm nhất được nhiều chuyên gia cảnh báo là vấn nạn mất an toàn hay bị tấn công vào thiết bị di động chưa thực sự khiến chúng ta mất ăn, mất ngủ như trên máy tính. Nhưng chắc chắn, thời kỳ yên bình này sẽ không còn dài khi mà ứng dụng di động và smartphone đang bùng nổ với tốc độ như hiện nay.

Thời gian gần đây, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy giới hacker đã bắt đầu chú ý đến việc khai thác các lỗ hổng bảo mật trên thiết bị di động, các điểm yếu về an toàn, an ninh trên các ứng dụng di động chuyên dùng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính hay “nhẹ nhàng” hơn cả là việc khai thác thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng để bán lại cho các nhà quảng cáo.

Mới đây, các chuyên gia của Wall Street Journal đã tiến hành xem xét 101 ứng dụng di động phổ biến nhất và phát hiện có tới 47 ứng dụng có khả năng tiết lộ vị trí của người dùng và 5 ứng dụng thường xuyên gửi thông tin cá nhân (ví dụ như tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp…) ra bên ngoài.

Thực trạng này đã khiến các nhà sản xuất thiết bị, các nhà mạng và cả những hãng sản xuất chip đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ bảo mật mới nhằm tạo ra sự yên tâm cho người dùng khi mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ của mình.

Trung Quốc

Từ trước đến nay Trung Quốc thường được coi là một thị trường màu mỡ của các hãng sản xuất thiết bị di động. Nhưng kể từ năm 2010, Trung Quốc đã nổi lên thành một đối thủ cạnh tranh đầy “khả năng đe dọa” khi các hãng công nghệ của họ như Huawei Technologies, ZTE “đủ lớn” để vươn cánh tay của mình ra nước ngoài. Thị trường châu Âu đã bị xâm chiếm nhưng chỉ đến khi Huawei thất bại trong bản hợp đồng nâng cấp mạng lưới cho Sprint Nextel (Mỹ) do sức ép từ Quốc hội Mỹ với quan điểm cho rằng thiết bị của các nhà sản xuất này không an toàn về mặt bảo mật và an ninh hệ thống viễn thông quốc gia.

Chưa hết, các hãng sản xuất di động Trung Quốc còn hứa hẹn sẽ khiến các đại gia di động khác đau đầu hơn nữa trong năm tới khi cả Huawei và ZTE đang chuẩn bị cho ra đời loạt smartphone giá rẻ sử dụng hệ điều hành Android.

Location – Bao giờ mới đến thời?

Chuyện của năm 2010 ảnh 6

Năm 2011 sẽ đánh dấu sự nổi lên của Foursquare?

Vắt từ năm 2009 đến năm 2010, đã có rất nhiều người kỳ vọng vào sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ, ứng dụng trên nền tảng vị trí (location) của người dùng thông qua các ứng dụng di động. Nhưng khi năm 2010 khép lại, cũng là một nỗi thất vọng bởi bất chấp những cái tên khá điển hình và có vẻ như đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông như Foursquare, Gowalla hay Loopt, dịch vụ này vẫn chưa thu hút được nhiều người dùng.

Theo nghiên cứu của hãng Forrester Research, đến nay mới chỉ có khoảng 4% người Mỹ đã từng thử dùng qua và chỉ có khoảng 1% sử dụng ít nhất 1 lần/tuần các dịch vụ này.

Nhưng các chuyên gia cũng dự báo, năm 2011 sẽ là một khoảng thời gian dành cho những nỗ lực tiếp theo bởi Foursquare đã và đang kêu gọi được khá nhiều nguồn vốn đầu tư. Biết đâu đấy, năm 2011 sẽ có một sự thần kỳ nào đó xảy ra.

Theo Lương Hương (ICTnews / WSJ)

Đọc thêm