Chưa phải “giải cứu” điện thoại cố định

Chưa phải “giải cứu” điện thoại cố định ảnh 1

Các chuyên gia khẳng định, dù số lượng thuê bao cố định có sụt giảm nhưng không đến mức phải “giải cứu”.

Theo ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc VNPT, đơn vị này đã đưa ra rất nhiều dịch vụ thay thế khác như ADSL hay MyTV… chạy trên đường dây điện thoại cố định để “thâm canh sâu trên một mảnh đất” nhằm khai thác hiệu quả mạng lưới hạ tầng và bù đắp sự sụt giảm số lượng thuê bao dịch vụ điện thoại cố định. Nếu trước đây, điện thoại cố định chiếm đến khoảng 1/3 doanh số của VNPT thì nay chỉ còn đóng góp khoảng 16%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tháng 4/2011, trong suốt cả tháng 4, tổng số thuê bao điện thoại cố định không hề có dấu hiệu tăng trưởng và thuê bao điện thoại cố định đang ở mức 16,5 triệu (bằng với tháng 3/2011). Những tháng sau đó, con số thuê bao của các nhà cung cấp điện thoại cố định cũng vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”. Thậm chí, đối với VNPT, mỗi năm doanh nghiệp này mất đi 1 triệu thuê bao điện thoại cố định.

Trong buổi giao lưu trực tuyến “Nhân vật và sự kiện” do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức ngày 25/9 với chủ đề “Mạng điện thoại cố định có cần giải cứu”, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, năm 2005, VNPT đã có khoảng 20 triệu thuê bao cố định nhưng hiện nay con số này chỉ còn rơi vào khoảng 12 triệu thuê bao.

Ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn Thông (nay là Bộ TT&TT) cho rằng, sở dĩ mạng điện thoại cố định lại sa sút nhanh như vậy trong 3 năm 2008, 2009, 2010 là bởi vì, mạng di động của Việt Nam phát triển và giá cước giảm xuống rất nhanh. Mặt khác, các tiện ích trên di động cùng với smartphone xuất hiện ngày càng nhiều tạo ra sức hấp dẫn rất lớn đối với người dùng khiến mọi người ồ ạt chuyển sang sử dụng di động. Bên cạnh đó, điện thoại cố định còn bao gồm cả điện thoại cố định không dây như HomePhone, Gphone… Các doanh nghiệp VNPT, Viettel đầu tư rất nhiều vào hệ thống này và không thành công, vì thế khi người dùng thấy di động tiện ích hơn, thuận tiện hơn nên đã bỏ không sử dụng điện thoại cố định không dây để chuyển sang điện thoại di động. “Số lượng giảm 1 triệu thuê bao mỗi năm chủ yếu bao gồm số thuê bao điện thoại cố định không dây, còn thuê bao điện thoại cố định có dây ở các thành phố lớn không giảm nhiều như vậy”, ông Trực cho biết thêm. Nguyên nhân cuối cùng là do Việt Nam còn nghèo, đa phần người dân thấy có một chiếc điện thoại là đủ, khác với các nước khác, mỗi gia đình vừa có cả điện thoại cố định vừa có cả di động (mỗi loại hình có tiện ích riêng) vì thu nhập người dân so với tiền trả cước hàng tháng không đáng bao nhiêu.

Cùng quan điểm với ông Trực, ông Đức cũng cho rằng, nguyên nhân điện thoại cố định sa sút là vì di động có công nghệ phát triển sau nên máy móc, thiết bị hiện đại, nhỏ gọn hơn, tiện ích đi kèm phong phú và ngày càng “bình dân hoá”. Ngoài ra, chiếc điện thoại di động còn mang tính chất điện thoại cá nhân, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của khách hàng. “Vì vậy, điện thoại di động đã thay thế cố định ở một số lĩnh vực”, ông Đức nhấn mạnh.

Việc kinh doanh điện thoại cố định giảm sút khiến thị trường khó khăn cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các doanh nghiệp gia nhập làng viễn thông đều xin cấp dịch vụ cố định nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp triển khai dịch vụ này.

Tuy nhiên, cả ông Đức và ông Trực đều khẳng định, dù số lượng thuê bao di động có sụt giảm nhưng không đến mức phải “giải cứu”, bởi vì nó là một sự chuyển hoá từ dịch vụ này sang dịch vụ khác, giống như trước mọi người sử dụng Fax để trao đổi thư từ thì nay người ta sử dụng email. “Nhưng chắc chắn, điện thoại cố định sẽ chuyển hoá nhiều hơn là biến mất, người dùng sẽ giữ lại đường dây điện thoại cố định hoặc chuyển sang sử dụng băng rộng hay các tiện ích khác”, ông Trực khẳng định.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với việc sụt giảm thuê bao điện thoại cố định, ông Mai Liêm Trực cho rằng, ngành TT&TT đã làm rất tốt trong việc bắt kịp xu thế công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác. Còn những vấn đề về nghiệp vụ như quản lý tần số, kho số, cước kết nối…, cơ quan quản lý đã có những quyết định chưa thực sự chính xác hay còn chậm trễ. Ví dụ như quản lý kho số, năm 2006, chúng ta quyết định tăng thêm các đầu số mới thay vì kéo dài số di động, để đến bây giờ, lại đặt vấn đề đổi số hay tăng số làm hàng triệu thuê bao bị ảnh hưởng. Về giá cước kết nối, lẽ ra cơ quan quản lý nên ban hành sớm hơn hay quản lý trong việc khuyến mãi thông tin di động “bán dưới giá thành làm méo mó thị trường”. Những yếu tố này đã làm cho kinh doanh điện thoại cố định khó khăn hơn rất nhiều.

Theo T.P (ICTnews)

Đọc thêm