Chống dịch tả bằng… tin nhắn

Chống dịch tả bằng… tin nhắn ảnh 1

Những ngày gần đây, nhiều người dân Haiti cho biết họ đã nhận được không ít tin nhắn được gửi đến miễn phí từ các nhà mạng di động của quốc đảo nhỏ bé nằm trên vùng biển Caribe. Nội dung những tin nhắn thường là để thông báo khu vực nào hiện đã phát hiện có dịch tả để mọi người hạn chế lui tới; cung cấp những mẹo tránh nhiễm bệnh hay chỉ dẫn những triệu chứng xuất hiện để người dân có thể phát hiện bệnh trong thời gian sớm nhất. Những tin nhắn này thường được tập trung vào những thuê bao di động đang hoạt động trong các vùng có nguy cơ cao và cả những vùng đã xuất hiện bệnh nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch.

Bên cạnh công cụ tin nhắn cung cấp lời khuyên, một nhóm các nhà y tế tình nguyện đã cùng nhau xây dựng một bản đồ theo dạng “thời gian thực” (được cập nhật liên tục) đánh dấu cụ thể những điểm dịch đã bùng phát sau đó truyền thông liên tục đến các thuê bao di động thông qua mạng xã hội Twitter và tin nhắn văn bản. Chưa hết, một website có tên là HealthMap (bản đồ sức khỏe) sẽ thu thập dữ liệu về những địa điểm có nguồn nước sạch trên toàn đất nước và những thông tin này cũng được gửi đến người dân thông qua tin nhắn di động hay Twitter. Những biện pháp chống dịch “công nghệ cao” này đang tỏ rõ hiệu quả của chúng và được các cơ sở y tế hoan nghênh bởi ai cũng biết, nguồn lây lan chủ yếu và mạnh mẽ nhất của bệnh dịch tả chính là từ nguồn nước và thức ăn.

Sabina Carlson, một tình nguyện viên đang làm việc trong mạng lưới xây dựng bộ bản đồ đối phó với khủng hoảng còn cho biết, một nhóm tình nguyện viên có tên là OpenStreetMap còn dùng xe gắn máy và điện thoại di động có chức năng định vị toàn cầu (GPS) “lượn” qua tất cả những đường phố ở Haiti để đánh dấu, xác định vị trí của những trường học, trạm xá, bệnh viện… nhằm trợ giúp người dân, thông báo ngay lập tức cho họ nơi có thể cấp cứu, chữa chạy nếu phát hiện đã bị nhiễm bệnh. “Đó là sự cống hiến mang tính nhân đạo và nhờ có sự trợ giúp của công nghệ, sự giúp đỡ này đã trở thành một thứ rất mới mẻ”, Sabina nói.

Chống dịch tả bằng… tin nhắn ảnh 2

Tin nhắn là phương tiện truyền thông hiệu quả nhất trong phòng chống dịch tả ở Haiti.

Đến nay, dịch tả bùng phát ở Haiti đã cướp đi mạng sống của hơn 300 người và đang khiến hơn 4.500 người khác nhiễm bệnh. Theo tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế, trận động đất xảy ra ở Haiti hồi tháng 1/2010 khiến hơn 220.000 người thiệt mạng và đẩy hơn 1,3 triệu người lâm vào cảnh sống “màn trời, chiếu đất” tại những túp lều tạm bợ trong các khu tập trung. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân chính khiến căn bệnh dịch tả hoành hành dữ dội.

Cũng từ đây, các tổ chức cứu trợ nhân đạo nhận thấy việc cung cấp thông tin giúp cho người dân ngăn chặn và chống lại căn bệnh dịch này trở thành một việc hết sức quan trọng và khẩn cấp. Điện thoại di động đã trở thành một công cụ “phát tán thông tin” vô cùng hữu hiệu bởi hiện nay có tới 80% dân số Haiti đã được tiếp cận với công cụ liên lạc này. Bắt đầu từ hồi tuần trước, tổ chức Chữ thập đỏ đã triển khai chương trình có tên Creole với hoạt động chính là mỗi ngày gửi 2 đợt tin nhắn tới hơn 300.000 người đang sinh sống trong các trại tị nạn và 35.000 người quanh khu vực sông Artibonite – nơi được cho là nguồn phát tán bệnh lớn nhất Haiti.

Các cơ quan cứu trợ của Liên Hợp quốc cho biết, họ cũng đã sử dụng các chương trình phát thanh hay cử các đoàn nhân viên y tế đi tuyên truyền nhưng có vẻ thông tin phát đi từ những tin nhắn vẫn có tác dụng nhanh nhất, hiệu quả và rộng rãi nhất. Những người đang sống trong những túp lều của trại tị nạn ở Port-au-Prince cho biết, ban đầu họ rất hoảng loạn nhưng kể từ khi nhận được những tin nhắn chỉ dẫn các biện pháp đối phó và ngăn ngừa, họ đã bình tĩnh trở lại và đã bắt đầu biết tìm đến những nhân viên y tế.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin cho người dân, điện thoại di động còn trở thành công cụ để theo dõi những con đường lây lan của dịch bệnh. Nhà mạng Digicel của Haiti đã sử dụng những dữ liệu mà họ thu thập được để xác định thuê bao nào đã ghé qua hoặc đi vào vùng có dịch hay thuê bao đó đã nhiễm bệnh và đi đến những đâu để khoanh vùng đối tượng và ngăn chặn sự lây lan.

John Brownstein, phó giáo sư của trường Đại học Y khoa Harvard, người cũng đang làm việc cho dự án HealthMap đã khẳng định: “Những chiếc di động đã giúp chúng tôi có một cái nhìn ở tầm cao hơn về những gì đang xảy ra ở Haiti”.

Theo Lương Hương (ICTnews / CNN)

Đọc thêm