Chơi hi-end phục chế

Trong khi nhiều người tự bỏ tiền túi ra mua các sản phẩm loa, amply của các hãng danh tiếng trên thế giới để thưởng thức âm thanh với chi phí vài trăm triệu đồng, nhiều dân chơi hi-end mày mò, tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm hơn. Giới công nghệ gọi đó là thú chơi DIY (Do it yourself - tự làm), theo đó dân chơi tự tay lắp ráp và phục chế các thiết bị hi-end cổ.

Thú chơi amply đèn

Giống những phong trào khác, DIY dường như gắn liền với dân nghiện âm thanh, đặc biệt là với các dòng amply đèn. Dân chơi thường chọn cho mình cách làm amply đèn với đặc thù những chiếc bóng đèn điện tử. Chỉ cần nhìn vào một amply đèn được thiết kế riêng, mẫu hình thể của sản phẩm thì người xem có thể đoán ra ngay tính cách của chủ nhân nó.

Phong trào này từ lâu đã khá phát triển, thậm chí còn có những cuộc thi amply đèn tự ráp với nhau để tìm ra sản phẩm ưu việt.

Chơi hi-end phục chế ảnh 1

Cuộc thi âm thanh amply đèn được tổ chức ngày 7-12 thu hút nhiều dân chơi tham gia. Ảnh: PHAN SAN

“Trước khi làm amply đèn phải nghiên cứu, thực hành, rồi kiếm tụ, đèn, linh kiện... và phải am hiểu phần kỹ thuật. Với kinh nghiệm của mình đôi khi tôi không cần sơ đồ vẫn có thể làm được” - anh Ngầu Ký, nhà ở đường Âu Cơ, phường 9, quận Tân Bình, người chơi amply đèn từ năm 1975, tự hào cho biết.

Theo anh Ký, amply đèn thường dành cho những người thích âm thanh trầm, chậm, mộc, còn dòng amply bán dẫn thường dành cho những tín đồ yêu thích sự chi tiết. Một amply đèn anh Ký tự ráp mất khoảng năm ngày, tất cả chi phí, kể cả linh kiện được nhập thì làm một amply đèn 833 của anh mất khoảng 20 triệu đồng. “Trong khi đó sản phẩm tương tự của Nhật có giá lên đến cả chục ngàn USD” - anh Ký phân tích.

Không chỉ lắp ráp, anh Ký cũng tham gia thi amply đèn hằng năm của diễn dàn Mạng Nghe Nhìn Việt Nam tổ chức, dự được 7-8 kỳ, amply của anh có lúc đạt giải thiết kế đẹp nhất, có lúc đạt giải ba và cũng có khi đạt giải quán quân. Tuy nhiên, dân DIY hi-end không quan trọng giải thưởng mà đó là niềm đam mê, một chuyên gia chơi âm thanh lâu năm nhận xét.

Cũng vì đam mê, anh Nguyễn Thanh Tùng cùng những anh em trong hội của mình đã mày mò, thi công, lắp ráp amply “con cưng” của mình để dự thi Sumo Contest (thi amply đèn tự ráp) vừa được tổ chức ngày 7-12 tại TP.HCM trong hai tuần liên tục. Anh Tùng cho hay chơi thì vui nhưng hầu như việc thức trắng đêm là bình thường và hầu như chưa ngày nào anh ngủ trước 3 giờ sáng.

“Hôm nay, 12 giờ trưa chúng tôi mới ráp xong amply đèn của mình và đem luôn lên dự thi, tôi cũng chưa nghe thử qua, không ngờ lại được giải cao. Nhưng với tôi điều đó không quan trọng, tôi chỉ làm vì niềm say mê âm thanh của mình” - anh Tùng nói. Theo đó, chiếc amply đèn chưa được anh Tùng nghe qua đã vượt qua 18 thí sinh khác, đoạt giải nhất cuộc thi Sumo Contest với ban giám khảo uy tín là những chuyên gia hi-end uy tín.

Thú chơi hoài cổ

“Ngày xưa đồ hãng hàng hiệu còn là niềm mơ ước của nhiều người do mức giá cao, thế nhưng hiện kinh tế suy giảm khiến các hãng cũng giảm giá, người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn. Thế nên thú chơi sáng tạo DIY đang bị thu hẹp” - anh Lê Triều Phương, admin VNAV, nhận xét.

Theo anh Phương, ví như làm DIY amply đèn cũng tốn cả chục triệu đồng trong khi đó đồ hãng cũng ngày càng xuống giá thì người tự lắp ráp cần phải có niềm đam mê lớn, đam mê thật sự mới quyết tâm làm ra các sản phẩm của riêng mình.

Mặc dù vậy, anh Phạm Duy Hàn, một dân chơi hi-end ở Sài Gòn, cho rằng việc chọn lựa linh kiện đầu vào bài bản thì sẽ cho ra dàn âm thanh tự ráp hay. “Nghiệp DIY là luôn muốn tìm ra một chất âm cho riêng mình, thế nên giá cả tiền bạc không thể tính đến và tất cả là đam mê” - anh Hàn chia sẻ.

Gia công cho dân chơi quốc tế

Khác với cách thể hiện sự sáng tạo qua các tụ đèn, DIY loa là một cách chơi khác thể hiện “đẳng cấp” về sự say đến cuồng âm thanh hơn nhiều. Một trong những dự án tự làm loa như vậy là kế hoạch một ca sĩ nhạc rap tên tuổi người Pháp đang đặt hàng anh Nguyễn Hùng Sơn (Sơn "loa") chế tác loa cổ để trình diễn và đặt trưng bày trong viện bảo tàng nước này. Dự án vẫn đang được triển khai và chờ ngày ra mắt công chúng. Anh Sơn "loa" từng tự làm lại chiếc loa còi bass horn Tractrix 20hz 1951, một huyền thoại của giới âm thanh và được nhiều dân chơi thán phục.

PHAN SAN

Đọc thêm