Chính ngạch "tắc", di động xách tay thỏa sức tung hoành?

Chính ngạch "tắc", di động xách tay thỏa sức tung hoành? ảnh 1

Các nhà nhập khẩu điện thoại di động chính thức sẽ gặp không ít khó khăn và hậu quả là khách hàng sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều đường. (Ảnh minh họa)

Theo Thông báo số 197/TB-BCT vừa được Bộ Công thương ban hành, từ ngày 1/6 tới đây, điện thoại di động sẽ chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam qua cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM.

Cùng đó, Thông báo cũng đặt ra nhiều điều kiện hơn nhằm “siết” thủ tục nhập khẩu điện thoại như doanh nghiệp phải xuất trình thêm giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối, nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng. Ngoài ra, các giấy tờ nói trên còn phải được lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định của pháp luật.

Người dùng và doanh nghiệp… than trời!

Theo giải thích của Bộ Công thương, văn bản nói trên được ban hành nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống việc nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng và tăng cường chống gian lận thương mại.

Nhưng ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, thì các doanh nghiệp nhập khẩu điện thoại trong nước lại nhìn nhận đây là một thông tin “gây sốc”, còn người tiêu dùng lo ngay ngáy đến viễn cảnh phải mua với giá cao, chất lượng khó lường do có thể bị doanh nghiệp bán hàng xách tay “làm giá”.

Tại Việt Nam, hiện FPT Mobile đang là thương hiệu nhập khẩu và phân phối điện thoại di động của nhiều hãng lớn như Nokia, HTC, Samsung, và ngay khi Bộ Công thương ra Thông báo, doanh nghiệp này như đang ngồi trên đống lửa.

Ông Lê Hoàng Hải – Phó Giám đốc Marketing FPT Mobile cho biết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối điện thoại di động như FPT Mobile rất lúng túng. “Trong suốt thời gian qua chúng tôi chỉ nhập khẩu qua đường hàng không, nên với quy định mới này, việc hợp tác nhập khẩu sẽ bị đảo lộn tất cả, chúng tôi cũng sẽ phải thỏa thuận và làm việc lại với đối tác cung cấp sản phẩm để lựa chọn hình thức, thị trường nhập khẩu hiệu quả nhất bằng đường biển”, ông Hải nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, đại diện của cả VinaPhone và Viettel - hai doanh nghiệp được độc quyền phân phối điện thoại iPhone tại Việt Nam đều đang chung mối lo tương tự lãnh đạo FPT Mobile.

Ông Phạm Ngọc Tú – Trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone cho biết hiện công ty đã liên lạc với Apple để cùng tháo gỡ, tìm giải pháp phù hợp nhất cho việc nhập khẩu.

“Cần nói thêm, mỗi đợt hàng iPhone 3Gs hay iPhone 4 được VinaPhone nhập về Việt Nam cũng chỉ đến vài trăm chiếc, mà với số lượng như thế thì áp dụng quy định mới cũng không đủ để đóng cho đầy 1 container. Đây cũng là điều khiến chúng tôi đang phải suy tính để tìm giải pháp cho phù hợp nhất”, ông Tú chia sẻ.

Còn đại diện Viettel thì cho rằng, việc phải “lênh đênh” trên biển nhiều tháng trời, chưa kể thời gian hàng phải nằm tại cảng để hoàn tất thủ tục thông quan…sẽ là hàng loạt yếu tố khiến hàng chính ngạch với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm đến tay người tiêu dùng chậm hơn.

Chính ngạch "tắc", di động xách tay thỏa sức tung hoành? ảnh 2

Việc phải "lênh đênh" trên biển khiến điện thoại về Việt Nam muộn hơn và dễ bị "lỗi mốt" hơn.

Và đương nhiên, câu chuyện sẽ đẩy người tiêu dùng đến chỗ phải gánh chịu nhiều thua thiệt do mua phải hàng xách tay chất lượng khó đảm bảo.

Hàng xách tay sẽ thống trị?

Thực tế tại thị trường Việt Nam cho thấy, trong suốt thời gian qua hầu hết những mặt hàng "thời thượng" (như iPhone 3G, 3Gs, rồi iPhone 4 của Apple) nếu muốn có mặt sớm tại thị trường trong nước đều đi qua con đường tiểu ngạch là hàng xách tay, hàng nhập lậu; và trong thực tế, hầu hết các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ tại Hà Nội kinh doanh “siêu phẩm” này đều chỉ bán nguồn hàng như vậy.

Chính vì thế, tìm hiểu của phóng viên ngay tại thị trường Hà Nội cho thấy hầu hết các doanh nghiệp nhỏ đang kinh doanh mặt hàng “hot” của Apple đều đang tỏ ra… ung dung do Thông báo số 197/TB-BCT của Bộ Công thương dường như đã giúp họ loại được đối thủ cạnh tranh là hàng nhập chính ngạch của nhà mạng.

Một số doanh nghiệp cung cấp hàng chính ngạch cũng như người dùng điện thoại đều nhận định đây sẽ là cơ hội để điện thoại hàng xách tay, nhập lậu lên ngôi, hoặc chí ít, hàng xách tay được “tăng tuổi thọ” thống trị thị trường do trong khi đã “tiếp cận được túi tiền” của khách hàng thì hàng chính ngạch vẫn đang phải lo ì ạch… vượt sóng biển.

Theo ông Lê Hoàng Hải việc giá bán sản phẩm có bị “đội” lên nhiều hay không lại không đáng lo bằng chuyện mặt hàng công nghệ bị lỗi mốt.

“Như iPhone của Apple, mỗi sản phẩm chỉ “kịp sống” vài tháng là hãng này đã có thể tung ra sản phẩm khác, nếu phải chậm trễ đến vài tháng mới về tới thị trường trong nước sẽ khiến cho bài toán kinh doanh của doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, và điều đó cũng đồng nghĩa với chuyện hàng xách tay, hàng lậu càng đè bẹp hàng chính ngạch”, đại diện Viettel chung quan điểm.

Mới đây, bình luận về Thông báo số 197/TB-BCT của Bộ Công thương trước báo giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã cho rằng Nhà nước nên sử dụng các công cụ kinh tế (như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt) thay vì áp dụng biện pháp hành chính. Bởi việc sử dụng biện pháp hành chính sẽ chỉ thêm thủ tục rườm rà, gây ức chế cho doanh nghiệp đồng thời khó tránh khỏi tiêu cực trong quản lý.

Theo Nguyên Đức (ICTnews)

Đọc thêm