Chiến lược tăng tốc CNTT: đâu là mũi nhọn?

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ TT&TT ngày 12/10, TS. Nguyễn Trọng, nguyên Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT đã đại diện Hội Tin học TP. HCM và giới báo chí CNTT TP. HCM đưa ra một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT”.

Cần xác định “mũi nhọn”

Một trong những vấn đề đầu tiên cần được làm rõ chính là xác định thế nào là một quốc gia mạnh về CNTT? Bản Đề án cần chỉ ra đâu là điểm mạnh, điểm yếu của CNTT Việt Nam hiện nay trên bản đồ CNTT thế giới? Bên cạnh đó, trong khi hiện nay tổng giá trị CNTT của Việt Nam mới đạt dưới 3% GDP, vậy đặt ra mục tiêu đến 2015 đạt 17% GDP liệu có cao quá không?

Giả sử có thể đạt được mốc 17% (với sự phát triển của các doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, FPT, cùng các hãng đang hoạt động trong nước như Canon, Fujitsu…), nhưng với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ CNTT lớn trong khu vực thì vẫn rất khó để có thể đưa chúng ta trở thành quốc gia mạnh về CNTT bởi bên cạnh đó còn phải mạnh về sản xuất để bán ra thế giới, thu lại doanh số bao nhiêu… Chính vì thế, cần phải đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp CNTT, cần làm rõ chỉ tiêu sản xuất phần mềm, phần cứng và đặt ra vấn đề xác định được lĩnh vực mũi nhọn của ngành CNTT trong 10 năm tới.

Theo TS. Nguyễn Trọng, ngành công nghiệp phần mềm nên được tách ra thành ngành “mũi nhọn” nhằm phục vụ đắc lực cho thị trường trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp…

Nội dung bản dự thảo Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2015 Việt Nam sẽ đứng thứ 70 và 2020 đứng thứ 60 trở lên trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) về CNTT. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng nhận định mục tiêu này chưa rõ ràng và thiếu cơ sở thuyết phục vì đó chỉ là thứ hạng so sánh. Hơn nữa, ITU xếp hạng chủ yếu thông qua ứng dụng, chính vì vậy, một chiến lược quốc gia không nên dựa vào xếp hạng của ITU mà cần tự xây dựng ra những mục tiêu của riêng Việt Nam. Đó là mục tiêu về tốc độ phát triển, sự đóng góp vào GDP.

Phải chú trọng nguồn nhân lực

Đưa ra một ví dụ về chuyện gần đây hãng Intel chỉ tuyển được 40 trong tổng số gần 2000 kĩ sư CNTT của Việt Nam có đủ năng lực cũng như trình độ làm việc chuyên môn bằng tiếng Anh. Từ câu chuyện đó, ông Trọng khẳng định muốn trở thành một quốc gia mạnh về CNTT, nguồn nhân lực cần được đầu tư đào tạo để tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến của thế giới. Thế nhưng bản Đề án lại chưa chỉ rõ cần đào tạo bao nhiêu, đào tạo ra sao.

Chính vì vậy, đào tạo nhân lực cần được coi là nội dung chiến lược và bản Đề án cần nêu bật được phương hướng đào tạo và đầu tư cho nguồn nhân lực CNTT để từ đó tạo nguồn lực đủ khả năng tiếp thu công nghệ mới vào sản xuất, tham gia thị trường lao động quốc tế.

Theo Phan Minh (ICTnews)

Đọc thêm