Câu chuyện bản quyền của các hãng công nghệ Mỹ

Câu chuyện bản quyền của các hãng công nghệ Mỹ ảnh 1

Ảnh: Erictric.

Với tiêu đề "Good Artists Copy, Great Artists Steal" (Nghệ sĩ giỏi sẽ sao chép, còn nghệ sĩ vĩ đại sẽ biết cách ăn cắp - câu nói của Picasso), Jonathan Schwartz kể lại chuyện từng diễn ra tại Sun.

Khi công ty này chuẩn bị tung ra phiên bản Linux mang tên Project Looking Glass năm 2003, Steve Jobs gọi cho Schwartz quả quyết rằng đồ họa trong phần mềm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Apple. Nếu Sun định thương mại hóa công nghệ, "Quả táo"sẽ kiện họ.

Schwartz liền trả lời: "MacOS được phát triển dựa trên Unix. Tôi nghĩ là Sun cũng đang nắm một vài bản quyền liên quan đến hệ điều hành của các ngài" và Jobs im lặng.

Sau đó, đến lượt Bill Gates và Steve Ballmer bay đến Silicon Valley gặp gỡ ban lãnh đạo của Sun. "Chúng tôi ngồi với nhau trong phòng họp Menlo Park, Bill bỏ qua những trao đổi xã giao mà đi thẳng vào vấn đề: Microsoft thống trị thị trường ứng dụng văn phòng và sở hữu một số bản quyền của OpenOffice (ứng dụng văn phòng mã mở mà Sun mong đợi sẽ thay thế cho Microsoft Office)", Schwartz kể.

Gates cũng đe dọa tương tự Steve Jobs nhưng đưa ra một giải pháp khác: "Chúng tôi sẽ để yên nếu các ngài chịu trả một khoản lệ phí cho mỗi lượt tải". Schwartz lập tức phản ứng rằng nền tảng .NET của Microsoft lấy từ Java. "Cuộc họp kết thúc chóng vánh", cựu CEO của Sun viết.

Cả Microsoft và Apple đều không bình luận về blog của Schwartz. Tuy nhiên, câu chuyện trên cho thấy việc các hãng sử dụng chồng chéo công nghệ của nhau. Họ cáo buộc người khác "ăn trộm tài sản" không có nghĩa là họ không xâm phạm bản quyền. Chẳng hạn, Apple kiện Nokia, HTC, Google... ăn cắp bản quyền liên quan đến thiết kế và giao diện thì Nokia cũng có thể đáp trả lại họ trong lĩnh vực dữ liệu không dây, bảo mật và mã hóa...

Theo Châu An (VNE)

Đọc thêm