Cảnh giác nạn trộm sóng Wi-Fi

Trên các diễn đàn công nghệ, thông tin hướng dẫn là rao bán thiết bị, phần mềm bẻ khóa xài ké sóng Wi-Fi rất phổ biến. Chỉ cần rành một chút về công nghệ mua thiết bị, sử dụng phần mềm theo hướng dẫn là có thể ung dung xài Wi-Fi miễn phí.

Ai cũng có thể trộm

Chỉ cần vô các diễn đàn công nghệ, đưa lên mạng lời rao kiểu như “Khu vực nhà có nhiều sóng Wi-Fi quá nhưng đều bị khóa, có anh nào biết chỉ giùm?”, bạn sẽ nhận được hàng chục comment với đủ mọi phương pháp hướng dẫn cách bẻ khóa mật mã để xài chùa sóng Wi-Fi. Theo một chuyên gia an ninh mạng, nếu tính các chi phí đăng ký, mua thiết bị, phí truy cập hằng tháng thì chuyện xài “chùa” quả là khá ngon ăn.  

Thậm chí trên các diễn đàn tin học, nhiều thành viên còn rỉ tai nhau về “nghề... bẻ khóa Wi-Fi lấy tiền”. Một số trang web rao vặt như 5giay, enbac, toitim... cũng rao bán thiết bị phá mật khẩu Wi-Fi với giá từ 300.000 đến gần 1 triệu đồng. Có mẩu rao vặt, quảng cáo nổ rất dữ là: “Khả năng bắt sóng xa tới 1 km, xa gấp năm lần card Wi-Fi thường, cài đặt rất đơn giản và phá mật khẩu chỉ mất 10 phút, là mặt hàng độc nhất tại Việt Nam, rất thích hợp cho ai đi công tác xa”.

Cảnh giác nạn trộm sóng Wi-Fi ảnh 1

Wi-Fi, tiện ích cho mọi người nhưng cũng dễ bị chôm. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng anh Tân, một chuyên gia tin học cho biết thực chất không có thiết bị chuyên dụng bẻ khóa mật khẩu Wi-Fi, các lời rao trên chỉ là quảng cáo. Những thiết bị bẻ khóa hiện nay rao bán trên thị trường chính là những chiếc card wireless có thể tương thích với phần mềm bẻ khóa. Phần mềm bẻ khóa thì có thể tải trên mạng, thường chỉ hỗ trợ 4-5 loại card wireless. Còn theo anh V., một hacker, thiết bị hack Wi-Fi bán trên thị trường thực chất là card wireless gắn ngoài, chỉ cần khoảng 5-15 USD là có thể mua được. Phần mềm hack Wi-Fi là phần mềm miễn phí và đầy rẫy trên mạng, người ta tải về bán kèm với card wireless hoặc chép vào USB để bán với giá cao.

Người thuê bao hãy tự bảo vệ

Tình trạng trộm Wi-Fi tràn lan, thế nhưng người tiêu dùng bình thường khó biết được mình đang bị xài trộm Wi-Fi, hằng tháng phải è cổ ra gánh nhiều chi phí từ trên trời rơi xuống. Thực tế ý thức bảo mật hiện nay rất kém, đặc biệt là ở các hộ gia đình. Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ của Công ty Cisco Systems Việt Nam, cho biết rất khó có thể xác định địa điểm bị trộm sóng Wi-Fi, chỉ có các chuyên gia an ninh mạng mới có thể xác định được là có hay không và cách phòng chống thế nào. Chính vì điều này, các nhà cung cấp cần có những khuyến cáo về bảo mật cho người tiêu dùng vì hiện nay các thiết bị đã có các chuẩn bảo mật cao hơn.

Ông Đỗ Võ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cho biết mạng Wi-Fi hiện nay có ba kiểu mã hóa chính gồm WEP, WPA  và WPA2. Trong đó, WEP ra đời sớm nhất và dễ bị bẻ khóa nhất. Trên mạng Internet hiện có rất nhiều công cụ cũng như phần mềm để bẻ khóa mật khẩu mã hóa theo dạng WEP và việc bẻ khóa cũng không có gì khó.

Cảnh giác nạn trộm sóng Wi-Fi ảnh 2

Một mô hình tấn công lấy password Wi-Fi.

Cũng theo ông Thắng, ngoài hiện tượng ăn cắp sóng, phần lớn các điểm truy cập Internet công cộng như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, trường học... rất ít nơi có mật khẩu bảo vệ nên các thiết bị bắt sóng Internet không dây đều dễ dàng truy cập vào mạng này, từ đó có thể truy xuất vào các thư mục chia sẻ của các máy tính đang kết nối trong cùng hệ thống mạng. Khi đó khó mà đoán được những hậu quả sẽ xảy ra đối với những người dùng có dữ liệu bị kẻ xấu xâm nhập.

Theo các chuyên gia bảo mật, người dùng nên sử dụng chuẩn Wi-Fi là WPA-2, bên cạnh đó nên nhờ các chuyên gia hoặc các đơn vị cung cấp thiết lập bảo mật ngay từ đầu. Bên cạnh đó, để bảo vệ mạng Wi-Fi, người dùng nên đặt mật khẩu dài, khó đoán và thay đổi liên tục; cấu hình bộ phát sóng Wi-Fi lọc địa chỉ, chỉ cho phép những địa chỉ nào được phép vào mạng. Bên cạnh đó là tắt những chế độ không cần thiết khác.

Xài ké Wi-Fi có thể bị đi tù

Theo Điều 226a Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 của Việt Nam, tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển. Can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số, lấy cắp, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ... thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

NHƯ VŨ

Đọc thêm