Cảnh giác lừa đảo qua mạng dịp cuối năm

Khi các doanh nghiệp bắt đầu phòng thủ bằng công nghệ, những tay lừa đảo lại chuyển hướng sang giả dạng người bán hoặc người mua. Tuyệt chiêu này khiến người mua hàng rất khó phát hiện. Nhiều trường hợp khi bị phát hiện, kẻ lừa đảo đã kịp ra tay với hàng loạt con mồi.

Nhiều chiêu lừa qua mạng

Gây sốc nhất trong giới bán đấu giá qua mạng là trường hợp sinh viên trung cấp tên Hoàng Thế Anh (Hà Nội) lừa đảo chiếm tổng số tiền gần 100 triệu đồng vừa bị khởi tố. Phải mất hơn tám tháng điều tra làm rõ, cùng sự hỗ trợ thông tin của Chodientu.vn, các trinh sát Đội Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội mới có thể phát hiện ra đối tượng lừa đảo trên mạng Internet còn khá trẻ, sinh năm 1987. Bước đầu lực lượng trinh sát đã xác minh Thế Anh gây ra bốn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet trong khoảng thời gian từ đầu năm 2010.

Cảnh giác lừa đảo qua mạng dịp cuối năm ảnh 1

Trang web muare.vn còn lập cả danh sách đen trên diễn đàn, thế nhưng nạn lừa đảo vẫn tiếp diễn. Ảnh: BÁ HUY

Điển hình nhất là vụ Thế Anh lập hai nick giả người mua, người bán để tham gia đấu giá tài sản trên mạng. Khoảng tháng 8-2010, Thế Anh lập nick shopzinzin@yahoo.com.vn trên trang web chodientu, đồng thời lập tiếp một nick thuonggianet@yahoo.com.vn với tên là Nguyễn Đức Kiên. Sau đó Thế Anh vào nick shopzinzin đăng đấu giá sản phẩm laptop, đồng thời dùng nick thuonggianet vào tham gia đấu giá với giá là 16 triệu đồng và dùng nick này đăng bán lại sản phẩm cho chị Nguyễn Thị Hương (Dăk Lăk). Thế Anh yêu cầu chị Hương chuyển tiền vào tài khoản Nguyễn Đức Kiên, STK: 0106850220 tại Ngân hàng Đông Á. Chị Hương tin tưởng nên đã chuyển tiền vào tài khoản này và bị Thế Anh chiếm đoạt. Thấy ngon ăn, tay lừa đảo trẻ tuổi tiếp tục thực hiện ba phi vụ khác với hành vi tương tự và cũng trót lọt, phi vụ cuối cùng diễn ra vào tháng 10-2010, sau đó bị phát hiện.

Trước đó, giới kinh doanh qua mạng cũng hỗn loạn vì trường hợp lừa đảo của một cao thủ trẻ tuổi khác là Thạch Sĩ Châu (quận 8). Châu đã lừa đảo cả trăm người tới hàng trăm triệu đồng thông qua việc buôn bán qua mạng. Châu lập trang web camerajapan123.110mb.com để bán các loại máy ảnh qua mạng, sau đó đăng quảng cáo về website của mình tại nhiều trang mua bán trên mạng... Trên thực tế, Châu không hề có cửa hàng cũng như không có chiếc máy ảnh nào nhưng khi ai có nhu cầu mua máy thì đối tượng yêu cầu phải đặt trước 20% giá trị và chuyển khoản vào tài khoản của Châu dưới một cái tên giả. Sau khi mọi người đã chuyển tiền thì Châu ra rút hết số tiền đặt cọc đó, còn người mua thì vẫn cứ dài cổ chờ máy.

Thực tế những trường hợp lừa đảo như trên không ít, thế nhưng thủ phạm bị phát hiện chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nạn lừa đảo trên không chỉ khiến khách hàng đau đầu mà cả các chủ shop online chân chính cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn” vì bị mất uy tín.

Vẫn còn nhiều khách hàng nhẹ dạ

Trong phi vụ phát hiện ra Hoàng Thế Anh, một đại diện từ Đội Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết chiêu thức lừa đảo qua mạng của các đối tượng ngày càng tinh vi. Đối tượng sử dụng kẽ hở từ tâm lý của người dân khi tham gia mua bán trên mạng thích thanh toán bằng chuyển khoản mà không qua các cổng thanh toán bảo đảm. Các hoạt động lừa đảo tương tự diễn ra tại nhiều sàn giao dịch thương mại khác nhau. Vấn đề là không phải sàn giao dịch hay các website mua bán trên mạng nào cũng có các biện pháp bảo vệ người mua hay chủ động, tích cực với các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia. Nếu có vấn đề xảy ra thì người bị hại phần lớn chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt, không biết kêu ai và thực tế cũng khó mà được bảo vệ.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc của PeaceSoft, cho biết mua bán trên mạng vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, ngoài những nguy cơ từ sản phẩm thì thanh toán là rào cản lớn nhất đối với người mua hàng online. Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách chọn mua sản phẩm tại các website có tích hợp cổng thanh toán trực tuyến và chọn chế độ thanh toán tạm giữ để bảo đảm tiền sẽ được đóng băng tại tài khoản đến tận khi nhận được hàng đúng theo yêu cầu mới chuyển tiền. Bản thân các doanh nghiệp nhỏ lẻ hiện nay nên chủ động liên kết và tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến tại website của mình nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi và sự an toàn của khách hàng.

Theo TA, admin một diễn đàn mua bán, để tránh bị lừa đảo, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, những kẻ lừa đảo thường hay trà trộn vào các trang web mua bán hàng, người mua hàng nên tham khảo, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán hàng, xem những ý kiến phản hồi của những người mua hàng trên mạng. Đối với những món đồ đắt tiền, là hàng điện tử, quần áo có giá trị cao thì tốt nhất nên nhờ những người có kinh nghiệm trực tiếp đi xem hộ.

Kinh nghiệm mua hàng trên mạng vào dịp cuối năm

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh qua mạng, người mua hàng chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra. Nên tìm kiếm thông tin về mặt hàng, các đặc tính kỹ thuật, hình ảnh ở nhiều góc độ. Kiểm tra thông tin về công ty, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, email…), có thể sử dụng cách tìm kiếm trên Google để kiểm tra. Tìm hiểu chính sách mua bán, quy định, bảo hành. Đặc biệt nên chọn lựa hình thức thanh toán an toàn, nên sử dụng phương thức thanh toán tạm giữ để đảm bảo được bồi hoàn tiền khi có sự cố xảy ra.

NHƯ VŨ

Đọc thêm