Cần thay đổi tầm nhìn về công nghệ thông tin

Thay đổi tầm nhìn

Đề án đưa ra tầm nhìn là đạt vị trí 70 và 60 thế giới theo xếp hạng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tương ứng với các năm 2015, 2020. Thực tế, bảng xếp hạng của ITU là đánh giá mức độ tiếp cận thông tin và viễn thông (DAI – Digital Access Index) của các quốc gia. Mức độ này có quan hệ hữu cơ, nhưng không phản ánh đúng tiềm lực CNTT, khi mà mục tiêu của xếp hạng này là đánh giá “khoảng cách số”.

Với kỳ vọng lớn về sự phát triển CNTT như một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, chúng ta cần có tư duy vượt qua mức độ của hệ thống đánh giá này. Tôi đề xuất Chính phủ đưa ra một tầm nhìn khác, dựa trên cơ sở giá trị nội tại, thay vì đánh giá của ITU. Tầm nhìn đó là: CNTT trở thành nền tảng hạ tầng cơ sở mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, bao gồm phát triển hệ thống quản lý nhà nước dựa trên CNTT, hệ thống dịch vụ công trên CNTT, nền công nghiệp CNTT như là đòn bẩy quan trọng nhất đối với mọi ngành kinh tế và là ngành đóng góp cho GDP với tỷ trọng cao hàng đầu thế giới.

Với tầm nhìn như vậy, chúng ta có thể thấy đâu là vai trò của ngành CNTT với tư cách là yếu tố thúc đẩy phát triển mọi ngành của kinh tế xã hội, đâu là sự đóng góp của ngành CNTT với tư cách là một ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, và trên cơ sở đó, có những sách lược đầu tư hiệu quả vào hai lĩnh vực này.

Xét lại ưu tiên phát triển CNTT

Về 6 nhiệm vụ chính trong đề án, chúng ta cần xem xét lại một số nhiệm vụ, thứ tự ưu tiên và đặc biệt là tỷ trọng đầu tư cho các chương trình với vốn của Nhà nước và xã hội cho các nhiệm vụ này. Cần đầu tư nghiên cứu kỹ hơn rất nhiều để có thể đưa ra danh mục các nhiệm vụ và đầu tư hợp lý và hiệu quả nhất.

1. Phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng

Với khối lượng đầu tư chiếm tới hơn 90% kinh phí của toàn bộ đề án (131.000 tỷ đồng trong tổng số 144.000 tỷ đồng), Việt Nam có thể dễ dàng đạt xếp hạng tăng vọt về chỉ số DAI của ITU, và đạt mục tiêu chương trình đề ra, trong khi người dân, nền kinh tế không được hưởng lợi một cách hợp lý từ đầu tư này. Vì vậy, đầu tư phát triển tiếp cận viễn thông cần được xem xét trong tổng thể sử dụng, khai thác nhằm đem lại lợi ích cho nền kinh tế chứ không chỉ giới hạn việc tiếp cận Internet của người dân.

2. Đưa điện thoại, thiết bị nghe nhìn đến hộ gia đình

Điện thoại ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người dân, trong khi các thiết bị nghe nhìn là thuộc loại “nên có” chứ không “nhất thiết phải có” đối với tầng lớp dân cư có thu nhập thấp nhất. Vì vậy đầu tư này có đóng góp ở mức độ hạn chế cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành CNTT Việt Nam. Thực tế, tiêu chuẩn này đã bị loại bỏ khỏi hệ thống đánh giá mới nhất của Liên hợp quốc.

3. Hỗ trợ ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước

Chính phủ cần xác định nhiệm vụ của mình không giới hạn ở việc “hỗ trợ” ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, mà ở việc cung cấp một hệ thống dịch vụ công đầy đủ trên nền tảng CNTT và Internet, càng sớm càng tốt.

Nếu cho rằng cần thiết đưa việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước là một bộ phận của chương trình thì nên đưa ra mục tiêu xây dựng và hoàn thành một hệ thống như vậy càng sớm càng tốt vì hệ thống đó góp phần vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Việc hoàn thành một chương trình như vậy sẽ đem đến một mối lợi kép, đó là hình thành thị trường CNTT Chính phủ giúp các công ty trong ngành có cơ hội phát triển và xây dựng môi trường công nghệ tiên tiến giúp đẩy nhanh các tiến bộ xã hội thông qua dịch vụ công dân ngày càng đầy đủ. Ngoài ra, Chính phủ cần tạo ra chính sách để phát triển ứng dụng CNTT trong khu vực doanh nghiệp.

4. Phát triển công nghiệp CNTT

Dự thảo Đề án tăng tốc đề cập đến viêc xây dựng Quỹ thúc đẩy phát triển CNTT, bao gồm cho phần cứng, phần mềm và nội dung số, phát triển nguồn nhân lực CNTT và quảng bá thương hiệu. Tôi cho rằng nên xây dựng và vận hành Quỹ này, với sở hữu chủ yếu của Nhà nước, như mô hình của Singapore theo nguyên tắc cạnh tranh và cơ chế thị trường, không nhất thiết phải phân biệt các cơ hội hay nhiệm vụ đầu tư đó là trong lĩnh vực phần cứng, phần mềm hay nội dung số.

5. Phát triển nguồn nhân lực

Tất cả các nước có nền công nghiệp CNTT phát triển đều có nguồn nhân lực CNTT hùng mạnh, và thường được phát triển trước giai đoạn phát triển ngành như là kết quả của hệ thống giáo dục và đào tạo tiên tiến. Các quốc gia thành công trong việc phát triển ngành CNTT đạt tới mức độ cạnh tranh quốc tế đều có chiến lược đầu tư về nguồn nhân lực đi trước 5-10 năm so với sự phát triển đột phá của ngành, với nguồn tài chính rất lớn từ toàn xã hội, đặc biệt là từ Chính phủ (Ireland, Israel, Ấn Độ, Trung Quốc…).

Cần có nghiên cứu cụ thể để quyết định giá trị gói hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT trong cấu trúc gói hỗ trợ tổng thể. Song tôi tin rằng, gói này cần có giá trị 1 đến 2 tỷ USD trong khoảng thời gian của Đề án từ nay đến 2015 và 2020. Đây là cơ hội tốt để chúng ta tạo ra đột phá cho ngành công nghiệp CNTT. Đó là phát triển ngành CNTT có tính chất đột phá thông qua sự phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực của ngành này, càng sớm càng tốt.

Trong tình trạng khủng hoảng với khâu nào cũng yếu và quan hệ tương hỗ, kéo nhau đi xuống: thị trường trong nước, thị trường gia công và xuất khẩu, thị trường chính phủ đều phát triển chậm và hầu như bế tắc, khả năng phát triển công nghệ hạn chế, các công ty năng lực yếu kém, thị trường cạnh tranh không lành mạnh, vị thế độc quyền hạn chế cạnh tranh của các công ty lớn, nhân lực yếu kém và ngày càng sa sút… Tôi tin rằng cần tập trung vào khâu phát triển nhân lực để đột phá.

6. Xây dựng các tập đoàn CNTT làm chủ quốc gia vươn ra quốc tế

Thị trường CNTT và viễn thông sẽ trở nên rất mở cho cạnh tranh từ năm 2010 nên mọi hỗ trợ từ phía Nhà nước cho các công ty tập đoàn lớn có thể sẽ là vi phạm quy định của WTO mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, việc hỗ trợ một số tập đoàn sẽ dẫn đến hạn chế, thủ tiêu cạnh tranh trên thị trường làm cho các công ty Việt Nam và toàn ngành yếu đi. Theo tôi cần loại bỏ chương trình này trong Đề án. Hãy để cho các công ty, các tập đoàn cạnh tranh bình đẳng trong thị trường nội địa, trong đó bao gồm cả các công ty nước ngoài, và đó là cách tốt nhất để các công ty, tập đoàn Việt Nam xây dựng năng lực tiến tới vươn ra thị trường quốc tế.

Dự thảo Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT đặt ra mục tiêu đến năm 2015, Việt Nam đứng thứ 70 trở lên trong các bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về CNTT; tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 17 - 20% trong GDP và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gấp từ 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Đến năm 2020: Việt Nam đứng thứ 60 trở lên trong các bảng xếp hạng của ITU về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 20 - 23% trong GDP và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Dự thảo đề ra 6 nhiệm vụ chính: (1) Phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông; (2) Đưa điện thoại, thiết bị nghe nhìn, máy tính đến hộ gia đình; (3) Phát triển ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, phục vụ các nhu cầu đời sống xã hội của người dân; (4) Phát triển công nghiệp CNTT; (5) Phát triển nguồn nhân lực CNTT; và (6) Xây dựng các tập đoàn CNTT làm chủ quốc gia vươn ra quốc tế.

Tổng kinh phí Dự thảo đề án đề xuất đến năm 2020 là: 144.148 tỷ VND (tương đương 8 tỷ USD), phân bổ theo 6 chương trình.

1/ Chương trình phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng: 131.000 tỷ VND (chiếm 90,8 % tổng kinh phí Đề án).

2/ Chương trình bảo đảm an toàn thông tin quốc gia: 850 tỷ VND (chiếm 0,6 % tổng kinh phí Đề án).

3/ Chương trình đưa điện thoại, thiết bị nghe nhìn đến hộ gia đình: 9.910 tỷ VND (chiếm 6,9 % tổng kinh phí Đề án).

4/ Chương trình hỗ trợ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước: 783 tỷ VND (chiếm 0,5 % tổng kinh phí Đề án).

5/ Chương trình xây dựng Quỹ thúc đẩy phát triển CNTT hỗ trợ sản xuất phần cứng máy tính, phát triển các sản phẩm phần mềm và nội dung số, phát triển nguồn nhân lực CNTT và quảng bá thương hiệu: 1.450 tỷ VND (chiếm 1% tổng kinh phí Đề án).

6/ Chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT: 210 tỷ VND (chiếm 1,4 % tổng kinh phí Đề án).

Mời bạn đọc xem nội dung "Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Phê duyệt Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin" tại đây.

Theo ICTnews

Đọc thêm