Các “đầu tàu” tiếp tục tăng trưởng mạnh

Các “đầu tàu” tiếp tục tăng trưởng mạnh ảnh 1

Việt Nam hiện đã có 26,8 triệu người dùng internet, đạt mật độ 31,12%.

Viễn thông tăng ấn tượng, CNTT đạt 7,4 tỷ USD

Trong năm 2010, thị trường viễn thông chịu tác động đáng kể của các chính sách kiểm soát khuyến mãi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này không hề suy giảm.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011 của ngành CNTT-TT vào ngày 24/12, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho biết, lĩnh vực viễn thông năm nay đã tạo ra hơn 226 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 58% so với năm ngoái. Đáng chú ý là Tập đoàn VNPT lần đầu tiên cán mốc hơn 100.000 tỷ đồng, trong khi Viettel cũng đạt hơn 91 nghìn tỷ đồng và lãi khoảng 15-16 nghìn tỷ đồng. Viettel hiện có 49,9 triệu thuê bao hoạt động hai chiều.

Trong khi đó, dù bị đối tác rút vốn đầu tư khỏi mạng di động S-Fone, SPT (đơn vị chủ quản mạng S-Fone) vẫn phát triển thêm 520.000 thuê bao di động mới và hơn 10.000 thuê bao điện thoại cố định để đạt doanh thu 1.165 tỷ đồng.

EVN Telecom ước đạt gần 500 tỷ đồng trong năm 2010 từ các dịch vụ di động và dịch vụ Internet. Tuy nhiên, dịch vụ điện thoại di động CDMA của nhà mạng này bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các nhà mạng GSM nên số thuê bao không tăng.   

Ở lĩnh vực Internet, FPT Telecom có thêm được 22.000 khách hàng mới, đưa tổng số thuê bao Internet băng rộng của công ty này lên 500.000 thuê bao, chiếm hơn 10% thị phần. Công ty này dự tính đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng trong năm 2010.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, cả nước hiện có 162,88 triệu thuê bao điện thoại, trong đó di động chiếm 91,2%; 3,68 triệu thuê bao Internet băng rộng, đạt mật độ 4,2%; 26,8 triệu người dùng Internet, đạt mật độ 31,12%.

Ngành công nghiệp CNTT ước đạt 7,4 tỷ USD doanh thu trong năm 2010, tăng 1,2 tỷ USD tương đương 20% so với năm ngoái. Trong đó, ba đầu tàu của ngành CNTT là FPT, CMC và VTC vẫn tiếp tục tăng trưởng cao. Trong 10 tháng đầu năm nay, doanh thu của tập đoàn FPT đạt hơn 18,8 nghìn tỷ, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, CMC dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng khoảng 25%. Ở lĩnh vực nội dung số, Tổng công ty VTC thông báo có thể đạt khoảng 9.000 tỷ đồng doanh thu, tăng cao so với năm 2009 (5.000 tỷ).

2011: Viễn thông cạnh tranh khốc liệt, CNTT tiếp tục tăng tốc

Trong năm 2011 và những năm tới, các “đầu tàu” trong ngành CNTT-TT đặt ra mục tiêu tăng tốc rất mạnh. Ở lĩnh vực CNTT, CMC đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng hàng năm 25-30% và đạt doanh thu từ 800 triệu đến 1 tỷ USD vào năm 2015. FPT cũng tham vọng có 10.000 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2014 và trở thành doanh nghiệp nằm trong top 500 toàn cầu vào năm 2015.

Cũng trong năm tới, lĩnh vực viễn thông được dự báo sẽ cạnh tranh rất khốc liệt với sự tham gia của một số tên tuổi mới. Mạng di động thứ 8 Đông Dương Telecom dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ di động vào giữa năm 2011 với đầu số 099 (dải số 0998 và 0999). Đặc biệt, thị trường này sẽ có thêm sự tham gia của FPT (mua lại hơn 50% của nhà mạng EVN Telecom). Chính vì vậy, để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2015, Viettel đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang sản xuất điện thoại, máy tính.

Ở lĩnh vực Intertnet, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ các mạng 3G. Trong năm 2010, Viettel đã phát triển mới được 1,17 triệu thuê bao 3G và hòa mạng 576.000 thuê bao D-com 3G. Thêm vào đó, nhóm các ISP lớn gồm VDC, FPT Telecom và Viettel, cũng sẽ bị cạnh tranh mạnh hơn từ các ISP mới, đáng kể là CMC. Trong năm 2009, CMC đã phát triển mạng cáp quang ở hai thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM.

Đề nghị hỗ trợ tăng tốc

Tại Hội nghị tổng kết năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011 của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp đưa ra một số kiến nghị lên Bộ TT&TT về việc hỗ trợ nhằm thúc đẩy ngành CNTT-TT tăng tốc trong thời gian tới.

Các công ty có kế hoạch tham gia sản xuất điện thoại và máy tính bảng như Viettel và CMC mong muốn được Chính phủ hỗ trợ phòng nghiên cứu và trợ giá để đưa sản phẩm của họ đến với người dân nông thôn.

Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel cho biết: “Nếu Chính phủ hỗ trợ các công ty trung tâm nghiên cứu thiết bị, các doanh nghiệp sẽ sản xuất sản phẩm với giá thành thấp hơn, giúp đất nước đỡ phải nhập khẩu”.

Ngoài ra, ông Xuân và ông Hà Thế Minh, Chủ tịch Tập đoàn CMC cũng đề nghị Nhà nước có chương trình hỗ trợ máy tính giá rẻ đến người dân nông thôn, đồng thời đưa băng rộng vào diện công ích để đẩy mạnh dịch vụ này phát triển.

Ở lĩnh vực viễn thông, đại diện Viettel cho rằng nên có có quy hoạch hạ tầng mạng cho một số doanh nghiệp lớn làm vì đầu tư rất tốn kém. Đồng tình với quan điểm này, ông Hà Thế Minh khuyến nghị Bộ TT&TT có chính sách yêu cầu các công ty lớn chia sẻ hạ tầng để tiết kiệm đầu tư cho quốc gia và giúp đa dạng dịch vụ viễn thông. Bên cạnh đó, đại diện CMC còn đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế cho phép các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ, phần mềm và hạ tầng trong các dự án CNTT lớn.

Theo Nhóm PV (ICTnews)

Đọc thêm