Các chuyên gia mừng khi Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ICT

Các chuyên gia mừng khi Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ICT ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CNTT - TT

Trong Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội 2011 - 2015 của ĐH Đảng XI có 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Và cả 3 bước đột phá này đều không thể đạt được nếu không có CNTT-TT.

CNTT-TT đã trở thành động lực thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng…; là hạ tầng cơ sở mới, quan trọng không kém "điện - đường - trường - trạm" cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế VN trong công cuộc hội nhập quốc tế. Nhiều chuyên gia CNTT-TT đã kiến nghị rằng trong tất cả các văn bản của Đảng và Nhà nước cần nhấn mạnh CNTT là động lực quan trọng nhất, động lực chủ yếu của đất nước. Đặc biệt, cần có quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước để từ đó lan truyền ra xã hội.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 diễn ra tháng 4/2011, cả TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) và GS Đặng Hữu, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đều tha thiết bày tỏ nguyện vọng Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo hoạt động CNTT-TT của quốc gia chứ không giao cho Phó Thủ tướng.

Ước mơ đó vừa trở thành hiện thực khi ngày 17/2/2012, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc chuẩn bị chuyển đổi, kiện toàn mô hình Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT-TT (BCĐ) theo hướng thành lập Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Tin vui này được TS Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT "bật mí" tại sự kiện Gặp gỡ ICT Xuân Nhâm Thìn của 9 hội, hiệp hội CNTT-TT diễn ra tối 17/2/2012 ở Hà Nội.

BCĐ được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ngày 2/4/2008 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng Ban. Thời gian qua, BCĐ rất nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ về chủ trương, giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT; giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều phối việc thực hiện chiến lược, cơ chế chính sách, chương trình, dự án trọng điểm về ứng dụng và phát triển CNTT của các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời kiểm tra, đánh giá kết quả, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT để hình thành Chính phủ điện tử phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng cần "nâng tầm" BCĐ lên Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT và phải có sự tham gia trực tiếp của người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ thì mới đạt được những mục tiêu đề ra.

Ông Trần Lương Sơn, TGĐ Công ty Vietsoftware:

Các chuyên gia mừng khi Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ICT ảnh 2 

"Đây là tin vui lớn với cộng đồng CNTT-TT Việt Nam, nhất là những người ở vị trí lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty, trường ĐH, viện nghiên cứu... những người đã từng kiến nghị và mong chờ điều này trong nhiều năm. Việc Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Đây chính là một thông lệ tiến bộ của nhiều quốc gia. Quan trọng là bây giờ Thủ tướng sẽ dành bao nhiêu thời gian trong tổng quỹ thời gian của mình cho việc lãnh đạo CNTT-TT trong bối cảnh ngành này được Nghị quyết 4 khẳng định là hạ tầng cơ sở mới của VN".

TS. Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT: 

Các chuyên gia mừng khi Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ICT ảnh 3

"Việc hình thành Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT được cộng đồng CNTT-TT kỳ vọng sẽ tạo thế và lực mới cho sự phát triển của ngành trong bối cảnh Nghị quyết TƯ 4 của ĐCSVN mới đây đã chính thức khẳng định CNTT-TT là hạ tầng mềm trong nền tảng kinh tế xã hội, là hạ tầng của mọi hạ tầng. Việc đề cử, lựa chọn các thành phần tham gia Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT sẽ được cân nhắc kỹ sao cho có thể huy động được nhiều nguồn lực từ Nhà nước, DN, cộng đồng xã hội nhằm thực hiện thành công Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT và để đất nước có thể mạnh lên bằng CNTT-TT, góp phần thay đổi thứ hạng của VN trên bản đồ CNTT-TT thế giới, sớm đưa VN vào Top các quốc gia có nền CNTT-TT và dịch vụ CNTT-TT phát triển". 

Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam: 

Các chuyên gia mừng khi Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ICT ảnh 4

"Việc nâng tầm Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT-TT lên Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch là hết sức cần thiết để phát triển CNTT-TT như một hạ tầng thiết yếu phục vụ hiện đại hóa nền kinh tế - xã hội. Thủ tướng cầm trịch điều phối sẽ đủ điều kiện, thẩm quyền để giải quyết những vấn đề tầm cỡ quốc gia. Có thể nói, ngành CNTT-TT nước ta đang có cơ hội phát triển mới, đội ngũ làm CNTT-TT cần nỗ lực tham vấn hơn cho Thủ tướng để CNTT-TT thực sự phát huy hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là cần tập trung vào một số nhiệm vụ liên quan tới nhu cầu thiết yếu của dân sinh như chống tắc nghẽn giao thông, giải quyết bất cập của hệ thống năng lượng, y tế, giáo dục...". 

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ BC-VT nay là Bộ TT&TT: 

Các chuyên gia mừng khi Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ICT ảnh 5

"Năm nay sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ trong làng CNTT-TT Việt Nam. Đến cuối năm, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT và đổi mới đất nước sẽ được giới CNTT-TT và báo giới bình chọn là sự kiện số 1 trong những sự kiện tiêu biểu của CNTT-TT Việt Nam trong năm 2012". 

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT:

Các chuyên gia mừng khi Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ICT ảnh 6

"Thủ tướng đứng đầu Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT là điều rất đáng mừng. Thủ tướng là "thủ lĩnh" nhưng để lĩnh vực CNTT-TT thực sự có những bước đột phát phát triển mạnh mẽ thì vẫn cần phải có một bộ máy tư vấn gọi nôm na là "tin sĩ - mưu sĩ" đủ tâm - tầm - trí tuệ - hiểu biết công nghệ. Theo tôi cả nước chỉ cần có 1 hội đồng - Ủy ban chỉ đạo CNTT-TT là đủ. Vấn đề cốt yếu bây giờ là phải làm sao để các dự án CNTT-TT thực sự hiệu quả. Sợ nhất là lấy được đà nhưng sau đó không thấy được hiệu quả của CNTT-TT". 

Theo Ngọc Mai (ICTnews)

Đọc thêm