“Buôn may bán đắt” nhờ di động

“Buôn may bán đắt” nhờ di động ảnh 1

Di động giúp người nông dân nắm vững biến động của thị trường nông sản.

Ông Jeff Reints, một nông dân vùng Shell Rock, Mỹ, không may làm hỏng chiếc điện thoại. “Tôi đã mất tất cả. Vợ tôi đã phải ra thị trấn để mua một chiếc điện thoại mới cho tôi”.

Với nhiều người, mất một chiếc điện thoại không phải là vấn đề sinh tử gì. Nhưng với nông dân, mất điện thoại chính xác là “mất tất cả”. ĐTDĐ không chỉ là thiết bị giao tiếp của nông dân, mà đó là công cụ giúp họ tiết kiệm thời gian, đôi khi còn giúp họ kiếm thêm tiền và giữ an toàn cho họ.

Đó là những “lời hay ý đẹp” cho ngành công nghiệp viễn thông. Các nhà sản xuất ĐTDĐ trên thế giới đang lắng nghe và phát triển những sản phẩm đặc biệt dành cho nông dân. Các hãng viễn thông và phát triển ứng dụng cũng tung ra nhiều dịch vụ hướng đến nông dân.

Chẳng hạn như, US Cellular đang vận hành dịch vụ cập nhật dữ liệu đến từng phút về thời tiết và giá cả thị trường cho nông dân. Hay hãng Nextel cũng đã tung ra dịch vụ giúp người dân chỉ việc nhấn một phím là có thể kết nối, nói chuyện mà không cần phải quay số như thông thường.

Lãi to

Lowell Biermann, cùng với bố và anh trai đã sử dụng ĐTDĐ kể từ đầu những năm 1990. Trước đó, họ dùng radio nhưng sóng radio chỉ giới hạn trong khoảng 25 dặm, và sóng thường chập chờn, không như dịch vụ ĐTDĐ có ở khắp cả nước.

“Hiệu quả là chuyện rất lớn”, Biermann nói. “Nếu tôi gặp vấn đề với chiếc máy cày chẳng hạn, tôi có thể gọi luôn cho người bán để xử lý. Họ có thể hướng dẫn tôi luôn qua điện thoại”.

Người nông dân nếu không phản ứng nhanh nhạy với thị trường nông sản vốn hay thay đổi sẽ bị thiệt hại lớn. Một số hãng viễn thông Mỹ đã cung cấp dịch vụ thông tin thị trường và giá cả cho nông dân. Được trang bị các dữ liệu mới nhất, nông dân có thể nắm bắt sự lên, xuống của thị trường một cách kịp thời. Rich Bishop, một nhà buôn nông sản vùng Hudson, cho biết các loại hàng hóa thay đổi giá cả trong vòng vài giờ là chuyện rất phổ biến. Với quyết định bán ra đúng lúc, người nông dân có thể kiếm lãi to hoặc tránh được khoản lỗ lớn.

“Chẳng hạn, nếu thị trường tăng 12 cent giá ngô, mà người dân không biết, và họ lại có 12.000 tấn ngô. Nếu bán ra kịp thời, họ có thể có thêm 1.440 USD”, Bishop nói.

Biermann cho biết anh thường xuyên kiểm tra thông tin thị trường trên ĐTDĐ, và đã có những quyết định bán ra khôn ngoan mà nếu không nắm được giá cả sát sao, chắc chắn anh sẽ bỏ lỡ.

Cũng vì thế, một số nhà tư vấn kinh doanh đã tận dụng cơ hội làm ăn mới. Alan Brugler, giám đốc hãng Brugler Marketing and Management ở Omaha, đã thu mức phí từ 1.000 đến 1.500 USD mỗi năm với các khách hàng - là nông dân – để cung cấp các bản tin phân tích thị trường và thông tin hàng hóa. Trả thêm 319 USD mỗi năm nữa, người dùng có thể nhận được cuộc gọi trên ĐTDĐ để biết những tin mới nhất.

An toàn hơn nhờ di động

Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ đã báo cáo trong năm 2003 có 710 nông dân bị giết và 110.000 người thương tật. Giữ một chiếc ĐTDĐ bên mình có thể giúp họ an toàn hơn. “Nhiều nông dân làm việc một mình trên cánh đồng, một vết thương nhỏ cũng có thể trở thành vết thương lớn, đe dọa mạng sống khi họ sống ở vùng xa, vùng sâu. Một chiếc ĐTDĐ có thể cứu sống họ”, Chuck Schwab, chuyên gia về an toàn ở Trường Đại học Iowa nói.

Biermann và gia đình của ông có nông trại rộng 2.400 acre (gần 10.000 km vuông). Khi anh đi ra đồng một mình với chiếc điện thoại, anh cảm thấy an tâm hơn.

Ngoài lý do an toàn, nông dân cũng dùng ĐTDĐ để theo dõi sức khỏe của gia súc. Một hệ thống cảnh báo tự động quay số trong chuồng gia súc có thể ngay lập tức gọi đến cho người nông dân khi có chuyện khẩn cấp xảy ra. Nếu nhiệt độ trong chuồng của con lợn đang “ở cữ” vượt quá mức bình thường, người nông dân được cảnh báo kịp thời có thể ngăn chặn khả năng gia súc bị chết hoặc quá nóng. Dựa vào hệ thống này, nông dân có thể gọi thú y hoặc xử lý tại chỗ nhằm giảm nhiệt độ.

Một số nhà cung cấp dịch vụ di động tại Mỹ cũng cung cấp bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo về hiện tượng thời tiết bất thường hoặc cho phép người dùng tải các hình ảnh trên rada về màn hình điện thoại. Nhờ thế, người dân có thể ra khỏi cánh đồng trước khi cơn bão đổ bộ, hay mưa to, sấm sét bất ngờ.

Theo Mạnh Hùng (ICTnews / Wcfcourier)

Đọc thêm