BSA: “Việt Nam đã có bước tiến dài về bản quyền phần mềm”

BSA: “Việt Nam đã có bước tiến dài về bản quyền phần mềm” ảnh 1

Lực lượng chức năng thanh tra bản quyền phần mềm tại Công ty LS-Vina.

Theo báo cáo của BSA, tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam vẫn không thay đổi sau 3 năm, giữ mức 85% mặc dù đầu tư cho BQPM tăng lên 62 triệu USD trong năm 2009 so với 45 triệu USD của năm trước đó. Việt Nam cũng bị liệt vào nhóm các quốc gia có mức độ và tốc độ tăng giá trị vi phạm BQPM cao. Cụ thể, thiệt hại từ vi phạm BQPM của Việt Nam tăng lên tới 353 triệu USD trong năm 2009 (so với 257 triệu USD của năm 2008), đứng thứ 24 trong số 30 quốc gia có giá trị vi phạm BQPM cao nhất và là nước đứng thứ 11 về tốc độ tăng giá trị vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho thấy một thực tế là các nước phát triển hơn như Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Brazil có tỷ lệ vi phạm thấp hơn nhưng lại là những quốc gia đứng đầu về giá trị vi phạm BQPM, ví dụ như Mỹ là 8,39 tỷ USD và Trung Quốc là 7,58 tỷ USD.

Trên bình diện toàn cầu, có hơn 30 trong số 111 quốc gia được báo cáo của BSA và IDC điều tra không thay đổi tỷ lệ vi phạm giống như Việt Nam, có 49 quốc gia giảm được tỷ lệ vi phạm và 18 quốc gia tăng. Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xét chung trên toàn cầu đã tăng lên 43% trong năm 2009, cao hơn 2% so với năm 2008 với tổng giá trị thiệt hại lên tới 51,4 tỷ USD.

Mặc dù đánh giá tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam vẫn không thay đổi nhưng trong thông cáo công bố trên website (www.bsa.org), ông Đào Anh Tuấn, người phát ngôn của BSA Việt Nam thừa nhận: “Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chống vi phạm BQPM trong khối doanh nghiệp, chính phủ cũng như trong so sánh với các nền kinh tế khác”.

Theo ông Tuấn, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc chống vi phạm BQPM, từ việc Thủ tướng Chính phủ đã có tầm nhìn rõ ràng coi việc bảo vệ bản quyền là cách thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng hình phạt hành chính với vi phạm bản quyền lên 500 triệu đồng, sửa đổi luật để phạt hình sự vi phạm bản quyền trong hoạt động thương mại, cho tới cơ quan chức năng cũng rất tích cực thanh tra BQPM để phát hiện và xử lý các sai phạm.

Thông cáo của BSA trích ý kiến của ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – cơ quan đã thực hiện 27 vụ thanh tra BQPM năm 2009 - nhận xét: “mức độ vi phạm BQPM ở Việt Nam đã có những tiến bộ rất rõ rệt, nhất là trong các doanh nghiệp lớn. Nhiều cuộc thanh tra bản quyền tại các doanh nghiệp lớn đã không phát hiện được một phần mềm nào vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm BQPM tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như ở người dùng cá thể và các đại lý Internet vẫn đáng ngại”.

Lý do tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam trong năm 2009 không giảm, theo đại diện của BSA, là do sự tăng trưởng mạnh của tiêu thụ máy tính ở nhóm người tiêu dùng cá nhân - thường có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao - trong năm 2009, tăng 52% so với năm 2008.

Phóng viên báo Bưu điện Việt Nam đã đề nghị đại diện BSA trả lời những bất cập về phương pháp tính vi phạm BQPM trong báo cáo của tổ chức này thực hiện cùng với hãng nghiên cứu thị trường IDC nhưng chưa nhận được phản hồi. Trong các bài viết trong số báo 55 và 56 của Báo Bưu điện Việt Nam, chúng tôi đã đề cập đến các thiếu sót trong cách tính vi phạm bản quyền phần mềm của BSA và IDC như việc coi phần mềm nguồn mở không có giá trị; không tính đến những phần mềm có bản quyền được tặng miễn phí trong khối giáo dục và một số dự án tài trợ máy tính, cũng như những nỗ lực tôn trọng bản quyền của Chính phủ cùng các doanh nghiệp sử dụng và doanh nghiệp bán lẻ máy tính. Theo đánh giá của Hội Tin học Việt Nam cũng như đại diện một số doanh nghiệp tin học, những thiếu sót trên có thể ảnh hưởng đến tính chính xác trong kết quả báo cáo của BSA và IDC. 

(Theo ICTnews)

Đọc thêm