Bóng tối phía sau Hội nghị thượng đỉnh Web 2.0

Bóng tối phía sau Hội nghị thượng đỉnh Web 2.0 ảnh 1

Bà Carol Bartz - Tổng giám đốc Yahoo! tại hội nghị

Với thế giới công nghệ và Internet nói chung, Hội nghị thượng đỉnh Web 2.0 (Web 2.0 tech summit) là một “bữa tiệc” mà trong đó người ta nhìn thấy những gì đang diễn ra và những gì sắp xảy đến. Nhưng khi Hội nghị lần thứ 7 (2010) kết thúc, có một sự lo ngại mơ hồ vẫn lẩn khuất đâu đó trong tâm trí của những người quan tâm bởi họ hiểu rằng thời kỳ Internet là sân chơi dành cho những hãng công nghệ non trẻ với những tiềm năng gần như vô hạn và ý tưởng mới mẻ, táo bạo đang dần dần biến mất.

Thay vào đó, thế giới công nghệ đang lâm vào cảnh “bị trói buộc” và phải sống lệ thuộc vào một số ít những gã khổng lồ, trong khi những gã này lại đang mải mê “đấu đá” với nhau để tranh giành quyền lực và tạo ảnh hưởng thay vì mang đến cho người dùng những niềm hứng khởi mới bằng những sự sáng tạo tuyệt vời mà trước kia họ đã có.

Người dùng thế giới không mấy lạ lẫm với những gã khổng lồ này. Họ là Apple, Google, Facebook hay Amazon… Mỗi hãng “hùng cứ một phương” từ di động, tìm kiếm cho đến mạng xã hội, thương mại điện tử nhưng nguồn lực của họ đang phải dồn hết vào việc bảo vệ lãnh địa của mình trong khi vẫn nhăm nhe tìm cách lấn sân của đối thủ.

Và kết quả là người dùng mắc kẹt giữa những làn đạn. Họ ít được đón nhận những sản phẩm mới hơn trước kia (ví dụ như Twitter) trong khi những gã khổng lồ cho ra đời ngày càng nhiều dịch vụ nhằm trói chân họ ở lại lâu hơn. Việc Facebook chuẩn bị cho ra mắt hệ thống tin nhắn mới là một ví dụ điển hình nhất và mới nhất cho trào lưu này. Mục đích của việc này không gì khác là để nhằm khai thác nhiều dữ liệu khách hàng hơn cũng như biến người dùng thành những “con nghiện” phải sống phụ thuộc vào dịch vụ của họ.

“Chúng ta đang được chứng kiến những thứ rất rất khác so với thời điểm cách đây 7 năm – thời điểm tất cả cùng đua nhau bùng nổ trên sân chơi Internet”, Tim O'Reilly, một trong những nhà tổ chức của Hội nghị phát biểu, “Chúng ta được chứng kiến những công ty rất lớn với cái miệng ngày càng rộng. Chúng ta đang bước vào giai đoạn chỉ toàn những sự xung đột thay vì cạnh tranh như trước kia”.

Trong Hội nghị năm nay, người ta được lắng nghe tiếng nói của những gương mặt cũ như tổng giám đốc của các hãng Adobe, Yahoo, Facebook, RIM, Google hay Zynga… nhưng cuối cùng những đại diện của thung lũng Silicon đã không đưa ra được một thông điệp nào đáng kể nhưng điều rõ ràng nhất mà những người tham dự có thể cảm nhận được đó là: Ngày càng khó có một lính mới nào đó mang trong mình một ý tưởng xuất sắc, nổi lên mạnh mẽ và đe dọa được tương lai của Google hay chí ít cũng là trở thành một kẻ khổng lồ như Google.

Trong ngày khai mạc Hội nghị (15/11), chuyên gia phân tích Mary Meeker của hãng Morgan Stanley đã công bố những số liệu về 15 hãng Internet lớn nhất toàn cầu trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2010. Theo báo cáo của Mary Meeker, trong vòng 6 năm qua, giá trị thị trường của nhóm 15 công ty này đã tăng từ 304 tỷ USD lên 809 tỷ USD và doanh thu hàng năm từ mức 33 tỷ USD lên 126 tỷ USD.

Những con số này gợi cho người ta điều gì? Nước chảy chỗ trũng hay những gã khổng lồ ngày càng giàu có hơn. Một dấu hiệu đáng báo động của thế giới công nghệ.

Nhưng không phải ai cũng coi đó là một vấn đề “đáng báo động”. Trong một cuộc phỏng vấn ngay sau bài phát biểu, tổng giám đốc Google Eric Schmidt đã phủ nhận việc này: “Mọi người đang chú ý quá nhiều đến yếu tố cạnh tranh mà quên mất rằng thị trường ngày nay đã lớn đến mức nào (và còn nhiều đất cho các hãng khác)”. Trong khi đó, CEO của Adobe tỏ ra “thực tế” hơn khi bày tỏ những sự bức xúc của mình quanh mối xung đột giữa họ với Apple: “Tất cả những điều này cho thấy họ đang kiểm soát nền kinh tế số như thế nào”.

Ở một thái cực trung gian và góc nhìn lạc quan hơn, một số ý kiến khác lại cho rằng đây thực ra chỉ là một giai đoạn yên bình của lĩnh vực công nghệ, là lúc người ta cho phép mình “xả hơi” nhau nhiều năm ròng hối hả chạy theo những vòng quay và sự thay đổi đến chóng mặt của thế giới công nghệ.

“Tôi nghĩ đây là một khoảnh khắc của sự ổn định”, Charlene Li, nhà sáng lập hãng nghiên cứu và tư vấn công nghệ Altimeter Group nói, "Đây là lúc họ cho phép mình lùi lại một chút, hít một hơi thật dài và thư giãn sau những tháng ngày vất vả”.

Trong lúc này, cuộc chiến giữa những gã khổng lồ cũng làm thay đổi cơ hội của những “chàng David”. Khi những ý tưởng xuất sắc như Twitter hay Zynga chưa thể trở thành kẻ thay thế, những hãng công nghệ nhỏ vẫn không ngừng tập trung vào những “ý tưởng nhỏ bé” hơn như ứng dụng hay thiết kế ra những tính năng mới và nuôi hy vọng một ngày nào đó họ sẽ được những gã khổng lồ… thâu tóm.

Trong phần bế mạc Hội nghị, ông Tim O'Reilly đã phát biểu: “Tôi cũng muốn nhắc lại với tất cả những ai đang ở trong phòng này, đặc biệt là những người có trách nhiệm đưa ra những chiến lược quyết định, rằng đến nay chúng ta đã đạt được những giá trị lớn thế nào từ việc hợp tác. Và tôi cũng hy vọng rằng chúng ta sẽ không lâm vào cảnh cạnh tranh để bị hủy diệt”.

Sau câu nói này của ông Tim O'Reilly, khán phòng đã rộ lên những tiếng vỗ tay nhưng có lẽ những tiếng vỗ tay ấy chưa đủ lớn để lãnh đạo của những gã khổng lồ thôi vạch ra những kế hoạch “chiến tranh giữa các vì sao”.

Theo Lương Hương (ICTnews / Mercury News)

Đọc thêm