Bỏ túi 7.000 tỉ đồng từ tin nhắn rác

Bỏ túi 7.000 tỉ đồng từ tin nhắn rác ảnh 1

Đồ họa: V. CƯỜNG - Ảnh: MINH ĐỨC

Để đạt được doanh thu này, nhiều CSP, thậm chí cả nhà mạng, làm lơ cho việc phát tán tin nhắn rác để quảng cáo nhằm quảng bá dịch vụ, hút tiền của khách hàng về chia nhau.

Phát tán 10.000 tin nhắn rác/giờ

Chủ thuê bao 0986117xxx cùng nhiều thuê bao di động khác phản ảnh thuê bao này thường xuyên nhận được tin nhắn với nội dung “Chuc mung TB 0986117xxx nhan duoc qua tang tinh yeu la bai hat “NOI TINH YEU BAT DAU” tu một ban ten H., de nghe ca khuc cung loi chuc duoc “ghi am” soan TM gui 7797”. Khi thuê bao nhắn tin lại đều bị trừ tiền. Tương tự, nhiều thuê bao nhận được tin nhắn quảng cáo cho dịch vụ soi cầu lô đề như đầu số 7x27, 6x66...

Chỉ cần khách hàng nhắn tin là đã bị trừ tiền trong tài khoản chính. Thậm chí, ngay cả nhà mạng cũng sử dụng chính tổng đài của mình để quảng bá cho dịch vụ nội dung số của mình như MobiFone quảng bá cho đầu số 9011. Khi bị mất tiền, chủ thuê bao không biết khiếu nại đến đâu vì hỏi nhà mạng thì chỉ nhận được giải thích do anh nhắn tin đến đầu số nên bị trừ mức tiền tương ứng.

Đáng chú ý, thời điểm nhắn tin quảng cáo, tin rác này thường nằm trong khoảng các dịp lễ, tết, các đợt khuyến mãi của nhà mạng khi chi phí gửi tin nhắn rác chỉ khoảng 10-30 đồng. Thậm chí, nhiều cá nhân, đơn vị phát tán tin nhắn rác còn lợi dụng gói cước ưu đãi của nhà mạng để phát tán tin nhắn rác quảng cáo cho mình.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - chánh thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông, số lượng thuê bao tăng nhanh trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi để các dịch vụ giá trị gia tăng không ngừng phát triển. Các công ty thông tin di động đã trực tiếp hoặc cùng liên kết với các CSP để triển khai cung cấp dịch vụ nội dung. Mô hình hiện nay được các nhà mạng thực hiện là cấp đầu số xxxx hoặc 1900xxxx cho các CSP để triển khai thực hiện dịch vụ nội dung số.

 Theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, hiện nay có 347 CSP cung cấp dịch vụ được các nhà mạng di động cấp tới 766 đầu số xxxx. Đối với đầu số 1900xxxx, các doanh nghiệp như VTN thuộc VNPT, Viettel, FPT, HTC, SPT đã cấp 1.411 đầu số. Tuy nhiên, các CSP thường không trực tiếp thực hiện dịch vụ mà tiếp tục ký với hàng chục CP (doanh nghiệp làm nội dung số không có đầu số) để những đơn vị này soạn thảo nội dung cung cấp dịch vụ lên mạng di động.

Để quảng bá cho dịch vụ của mình, các CSP/CP sử dụng modem GSM/CDMA hoặc USB 3G có lắp sim thuê bao di động trả trước, được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đến người dùng. Với mỗi thiết bị này, trong một giờ có thể phát tán được 10.000 tin nhắn rác. Các tin nhắn rác này có thể mang nội dung quảng cáo tải game, truy cập vào trang web rồi trừ ngay cước của khách hàng lên đến 15.000 đồng. Nhiều tin nhắn giả tặng quà, trúng thưởng, được tặng bài hát để câu nhử khách hàng soạn tin theo cú pháp gửi đến tổng đài và trừ tiền.

Nhà mạng gây sức ép về doanh thu

Lý giải về việc phát tán tin nhắn rác để quảng cáo, ông Hùng cho rằng nguyên nhân chính là lợi ích về kinh tế, nếu sử dụng hình thức phát tán tin nhắn rác để quảng cáo, doanh thu sẽ tăng hẳn lên, thậm chí đột biến. Mặt khác, các nhà mạng gây sức ép về doanh thu tối thiểu lên toàn bộ số truy nhập của CSP ở mức 30 triệu đồng/tháng, nếu không sẽ bị chấm dứt hợp đồng nên buộc các CSP phải làm liều.

Ông Vũ Quốc Khánh, giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCert), cho biết có trên 60% các CSP cung cấp dịch vụ qua đầu số 8xxx, 7xxx, 6xxx và khoảng 140 đầu số 1900xxxx có liên quan đến tin nhắn rác. Ông Khánh cũng cho biết hằng năm có hàng chục tỉ tin nhắn quảng cáo nhưng lượng tin nhắn quảng cáo hợp pháp từ các doanh nghiệp cung cấp nội dung thời gian qua chỉ chiếm khoảng 3%. Như vậy còn hàng chục tỉ tin nhắn bị coi là tin nhắn rác, có nội dung lừa đảo...

Nhìn nhận được thực trạng như vậy, từ năm 2009 đến nay VNCert đã xử lý khoảng 300 doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác trên các đầu số 8xxx, 7xxx, 6xxx và 1900xxxx; thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông cũng xử phạt hơn 50 doanh nghiệp nội dung có phát tán tin nhắn rác với số tiền hơn 2,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, tin nhắn rác vẫn phát triển, chưa bị ngăn chặn bởi lẽ nó mang lại doanh số khổng lồ cho các nhà mạng và CSP, không loại trừ có sự lơi lỏng của nhà mạng để thu hút doanh số.

Ăn chia

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, doanh thu từ dịch vụ tin nhắn giải trí của Viettel năm 2011 là 4.376 tỉ đồng; MobiFone là 1.457 tỉ đồng và Vinaphone là 1.222 tỉ đồng. Trong khi đó, tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa các nhà mạng và CSP tương ứng từ mức 79%-21% đến

55%-45% (đối với đầu bốn số) và từ mức 66%-34% đến 58%-42% đối với đầu 1900xxxx. Ông Hùng cho rằng các CSP thu lợi nhuận thấp do chi phí cao nên phải tìm cách phát triển tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ, thu hút người sử dụng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tin nhắn rác phát triển.

Theo một chuyên gia, với mức ăn chia nêu trên, các nhà mạng dù ít cũng thu hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng/năm. Với doanh số như vậy, mức phạt của Bộ Thông tin và truyền thông quá thấp để răn đe khiến các CSP và nhà mạng đều lơ là dẫn đến việc tin nhắn rác lộng hành thời gian qua. Một cán bộ có trách nhiệm của VNCert đã khẳng định nếu nhà mạng bắt tay ngăn chặn thì tin nhắn rác sẽ không thể hoành hành, nhưng do liên quan đến túi tiền của họ nên vẫn có những sự lách luật để tin nhắn rác tồn tại.

Theo MINH QUANG (TTO) 

Đọc thêm