Biến smartphone thành bộ điều khiển

Giới mê công nghệ bắt đầu hướng đến thói quen dùng điện thoại làm điều khiển cho nhiều thiết bị công nghệ khác. Bên cạnh những thiết bị có tích hợp sẵn, nhiều người dùng còn tự thiết kế, tận dụng thế mạnh của điện thoại kết nối với các vật dụng thường ngày.

Điều khiển xe máy

Anh Hưng, một dân mê công nghệ ở quận Tân Phú, cho biết anh gắn một thiết bị điều khiển xe máy bằng smartphone vào chiếc Air Blade mới mua, thiết bị mới làm anh cảm thấy rất thích thú. Theo đó, anh Hưng chỉ cần mở điện thoại gọi vào xe là có thể tìm xe trong bãi xe một cách dễ dàng. Thậm chí có thể thực hiện hàng loạt thao tác khác như chống trộm, khóa xe từ xa thông qua tin nhắn hay tìm xe thất lạc. “Việc kết nối xe với điện thoại khá lợi hại, do tôi ở chung cư nên thường việc tìm xe trong bãi mỗi ngày khá vất vả. Với chiếc điều khiển điện thoại, tôi có thể tìm xe ở bất cứ nơi đâu, thậm chí là không bị giới hạn về khoảng cách, chỉ cần một cuộc gọi điện thoại. Đặc biệt là mức giá kết nối chiếc điện thoại với xe rẻ hơn mua một chiếc xe có định vị và không phải mang theo một chiếc chìa khá rườm rà” - anh Hưng cho biết.

Biến smartphone thành bộ điều khiển ảnh 1

Người dùng đang sử dụng điện thoại kết nối với các phương tiện đi lại khá tốt.

Còn theo anh Nhựt ở quận 4, thành viên của một diễn đàn công nghệ, cho biết chiếc ô tô Ford Everest của anh không có nhiều kết nối tự động, bản đồ thì không phù hợp với địa hình Việt Nam. Thế nhưng anh tận dụng các kết nối thủ công, biến điện thoại thành máy nghe nhạc, thiết bị dẫn đường, camera hành trình, thậm chí là kết nối đàm thoại trong xe. Cũng theo anh Nhựt, nhiều bạn bè đi xe ô tô như anh cũng đang hướng đến những dòng xe có kết nối bằng điện thoại mà hãng sản xuất tích hợp sẵn.

Một chuyên gia công nghệ ở Hà Nội cho biết thông qua sản phẩm có kết nối điện thoại, hiện căn nhà của anh đều có kết nối thông minh qua hệ thống smarthome. Thông qua đó anh có thể dùng điện thoại kiểm tra nhà, khóa cửa và sử dụng mọi thiết bị trong nhà. Chuyên gia trên cho biết: “Mặc dù chi phí đầu tư khá cao, thế nhưng tôi cảm thấy rất thích. Nhiều lúc đi làm và cảm thấy hơi lo âu, tôi mở điện thoại và kiểm tra qua hệ thống camera, những thiết bị nào chưa tắt thì tôi có thể tắt bằng điện thoại”.

Có thể điều khiển mọi thứ

Hiện nay các hãng sản xuất hàng công nghệ gia dụng cũng đang tìm cách kết hợp điện thoại với máy giặt, máy lạnh, tivi... Thậm chí các hãng xe cũng đang chạy đua tích hợp kết nối các sản phẩm. Đơn cử như hãng sản xuất ô tô cũng đang có xu hướng biến smartphone thành một bộ điều khiển. Chiếc xe đầu tiên sẽ được GM ứng dụng công nghệ điều khiển qua điện thoại là Chevrolet Volt. Thông qua điện thoại, người dùng có thể ứng dụng điều khiển của Volt, theo dõi mức pin, tình trạng pin và hoạt động của động cơ điện. Hay Hyundai, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc nổi tiếng với dòng xe Kia, tuyên bố họ sẽ trang bị công nghệ NFC để người dùng có thể tương tác điện thoại với xe hơi của họ.

Theo ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách phần cứng Bkav, xu hướng người dùng kết nối điện thoại với các thiết bị gia dụng, đặc biệt là xu hướng dùng thiết bị nhà thông minh là giải pháp hết sức thú vị. Thế nhưng hiện nay rào cản duy nhất của các thiết bị là giá thành cao so với các thiết bị thông thường và những người đam mê công nghệ mới thực sự dám sở hữu những thiết bị này. Tuy nhiên, trong tương lai gần, với tính tiện lợi của chúng mang lại các thiết bị kết nối thông minh sẽ phát triển mạnh.

Mọi thứ sẽ được kết nối trong tương lai

Với hàng loạt công nghệ và giải pháp mới như Home Plug Green của Qualcomm hay Cisco Connect Cloud, tính năng không dây ngày càng dễ dàng tích hợp trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng và tivi thông minh. Theo đó, các thiết bị thông minh giờ đây có thể kết nối với nhau tạo thành một hệ thống thông minh khép kín.

TÂM BẢO

Đọc thêm