Bi hài săn vé giá rẻ qua mạng

Mua = Giành giật

Biết được thông tin một hãng máy bay giá rẻ sẽ tung ra chương trình khuyến mại đặc biệt "Mua 1 vé, miễn phí 1 người đi cùng" từ 6h sáng ngày thứ bảy cuối tuần, chị Huyền cẩn thận đặt chuông báo thức từ đêm trước, không quên nhắc chồng nhớ đánh thức mình trong trường hợp... ngủ quên.

6h5 phút sáng hôm sau, mắt nhắm mắt mở, chị với ngay chiếc laptop dưới chân giường. Kết nối Internet, mở trang web có chương trình khuyến mại và "chiến đấu". "Tôi phải giành giật từng vé một đấy. Đúng là giành giật chứ không ngoa đâu. Với giá siêu bèo này, vé không được đổi ngày, đổi tên, không được hoàn lại nên tính toán phải hết sức cẩn thận. Nhưng cứ mỗi lần mình lẩm nhẩm đắn đo, tính toán xong là đã thấy số lượng vé vơi đi đáng kể.

Nhìn số vé còn lại (đếm ngược) mà sốt hết cả ruột. Điền thêm được đầy đủ thông tin hành khách nữa, quay lại đã thấy vé sắp hết. Toát hết mồ hôi hột mới mua đủ vé cho 8 người lớn và 4 đứa trẻ con trong đoàn. Vừa lúc ý thì thấy toàn bộ số vé giá thấp nhất đã bị vét hết sạch. Nhìn đồng hồ mới có chưa đến 7h sáng thôi nhé", chị Huyền hồ hởi kể lại.

Hồ hởi cũng phải, vì tính ra cả đoàn chỉ phải mua tổng cộng 6 vé, thay cho 12 vé như bình thường. Số tiền tiết kiệm được lên tới vài triệu, đủ để cả nhà ăn tiêu xả láng cho chuyến du lịch vào Nam sắp tới.

"Cuộc chiến đặt vé" cam go là vậy nên thường nhiệm vụ đặt vé luôn được giao cho người tháo vát nhất và thạo công nghệ nhất trong đoàn. Chị Ly (nhân viên một hãng thời trang trên phố Bà Triệu) cho biết, đoàn nhà chị rất đông, lên tới 24 người nên một người đặt vé là không xuể. Đoàn phải phân công cho 2 người thao tác song song để tăng "khả năng tranh đua".

"Ấy thế mà cũng không mua được toàn vé giá rẻ nhất đâu. Tụi mình phải giành giật từng vé cho từng chiều một. Cái nào giá rẻ nhất, rẻ nhì, rẻ ba cho cùng giờ bay là phải quyết định cực nhanh. Vì sao á? Trước sau 10 phút là khác hẳn nhau về giá rồi", chị Ly chia sẻ. "Chỉ tiếc là bà chị dâu mình do vội quá nên báo sai tên cho một người trong đoàn. Kết quả là phải chịu phí phạt đổi tên. Nhưng dù sao cũng rẻ hơn được 7 triệu so với giá bình thường".

Theo chị Ly, kể từ hôm cả nhà nảy ra ý định đi du lịch, chị đã liên tục lướt web để săn vé giá rẻ. "Đầu giờ sáng, giờ ăn trưa, trước giờ về, bao giờ tôi cũng tranh thủ kiểm tra một vòng. Biết được thông tin ngày đó, giờ đó sẽ bắt đầu bán loạt vé đặc biệt, tôi thậm chí phải xin nghỉ một buổi làm để có thể toàn tâm toàn ý chạy đua đấy chứ".

Bỗng dưng... muốn đi vì rẻ quá!

Giá vé quá hời khiến cho nhiều người vốn chưa có kế hoạch đi du lịch cũng phải đổi ý. Nguồn: Consumerist
Giá vé quá hời khiến cho nhiều người vốn chưa có kế hoạch đi du lịch cũng phải đổi ý. Nguồn: Consumerist

Thời đại Internet, thông tin khuyến mại của các hãng hàng không được công bố trên rất nhiều nguồn: báo điện tử, trang web chính thức của hãng, các diễn đàn xã hội. Chỉ cần có thời gian và chịu khó lọ mọ tìm tòi trên mạng, nhiều người dùng Internet đã săn được những mức giá vé máy bay "hời như mơ".

Mức giá đó thậm chí có thể chỉ là 0 USD cho các chuyến bay ra nước ngoài (Singapore, Thái Lan, Kuala Lumpur). Thế nên nhiều người vốn chưa có ý định đi du lịch nhưng do ham vé rẻ đã lên luôn kế hoạch đi chơi đột xuất.

3h chiều một ngày làm việc. Bỗng dưng giữa văn phòng vang lên tiếng "Hura!" rất to. Cả phòng dáo dác quay lại thì thấy Tuấn, nhân viên một hãng công nghệ trên đường Giảng Võ đang nhảy lên tưng tưng, khuôn mặt hớn hở và nụ cười ngoác ra tận mang tai. Hỏi ra mới biết, Tuấn vừa chộp được 1 vé giá 0 USD sang Singapore vào tháng 7 tới. Cộng thêm cả thuế và lệ phí các kiểu, số tiền mà Tuấn phải trả cho chuyến xuất ngoại này cũng chỉ dừng lại ở 80 USD, rẻ hơn cả đi du lịch trong nước.

Nào đã hết. Tuấn quay sang rủ rê các đồng nghiệp tham gia chuyến đi cho vui. Anh chàng còn nhấc luôn điện thoại gọi cho mấy người bạn chí cốt để thông báo "thông tin sốt dẻo" với tốc độ "bắn như tên lửa". "Máu không? Đi nhé? Đồng ý để tôi đặt luôn". Tổng kết lại, chiều hôm đó, Tuấn đã đặt thêm vé cho 5 người nữa, và họ sẽ họp offline một buổi vào cuối tuần để lên kế hoạch cho chuyến "phượt" Singapore sắp tới.

Tuấn cho biết, đặt vé giá rẻ ra nước ngoài khó nhất là khâu chọn ngày. Không phải ngày nào cũng được hưởng mức giá gây sốc mà các hãng hàng không quảng cáo. Ngày cuối tuần và các giờ "cao điểm" rất ít khi có vé bèo. Thế nên việc giá vé đi một kiểu, giá vé về một kiểu là chuyện rất thường gặp.

"Đi hàng không giá rẻ thì tất nhiên là không sướng bằng hàng không truyền thống rồi. Các điều kiện đổi tên, đổi ngày đều rất hạn chế. Quy định về hành lý thì ngặt nghèo, lại không được phục vụ đồ ăn trên máy bay. Một số hãng không cho giữ chỗ trước nên phải chuẩn bị tâm lý giành ghế như đi xe buýt nữa chứ. Nhưng bù lại, nó rẻ. Rẻ vô đối. Với công chức nghèo như tớ, thế là đủ", Tuấn hỉ hả.

Kỳ công để tiết kiệm tiền

Lượn một vòng qua các diễn đàn "xôm tụ" trên mạng như ttvnonline, webtretho, diendandulich... không khó để tìm thấy những thông tin liên quan đến vé giá rẻ, tour giá rẻ và các chương trình khuyến mại mới nhất của hàng không. Thôi thì đủ cả, vé máy bay trong nước, vé máy bay nước ngoài, gói tour Free and Easy (chỉ bao gồm tiền vé và khách sạn).

"Cũng nhờ các mẹ trong webtretho bật mí mà vợ chồng mình chộp được chương trình khuyến mại cực hời sang Hồng Kông. Để kỷ niệm sinh nhật hãng, HongKong Airlines đã tổ chức chương trình "Mua 1 tặng 1".

Tính ra, 2 vợ chồng mất có hơn 300 USD tiền vé sang Hồng Kông, một mức giá không thể tưởng tượng nổi. (Bình thường, giá vé sang Hồng Kông lên tới hơn 400 USD/người nếu đi từ Hà Nội). Thế là hai đứa đã có một tuần trăng mật tuyệt vời", một thành viên trên webtretho - diễn đàn "lừng danh" trong giới các ông bố - bà mẹ thời @ chia sẻ.

Hành trình đi Hồng Kông của gia đình chị Minh có phần phức tạp hơn. Rất máu shopping nên vợ chồng chị xác định "Sống chết gì cũng phải sang được thiên đường mua sắm này". Chỉ có điều giá vé máy bay từ Hà Nội đi Hồng Kông quá đắt. Trong khi đó, nhờ người bạn trong ngành, chị Minh biết được United Airlines thường xuyên có vé giá rẻ. Chỉ có điều, United Airlines chỉ xuất phát từ Sài Gòn chứ chưa có chuyến bay từ Hà Nội.

Rất may cho chị, đúng dịp đó, tuyến bay trong nước lại có chương trình khuyến mại. Cộng cả giá vé khuyến mại từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh và giá vé United Airlines từ Thành phố đi Hồng Kông cũng chỉ bằng 2/3 so với các option (lựa chọn) từ Hà Nội, chị Minh quyết định đi đường vòng.

"Mất công một tí nhưng tiết kiệm được tiền. Cũng biết mấy hãng trong nước hay bị chậm giờ, hoãn chuyến nên vợ chồng tôi cẩn thận, đặt vé vào Sài Gòn sớm trước một ngày. Sau đó về chơi, ngủ lại ở nhà một người bạn. Đến hôm sau mới đáp máy bay sang Hồng Kông. Vừa rẻ, lại vừa có cơ hội thăm người quen và tranh thủ ăn món ốc xào khoái khẩu ở gần sân bay Tân Sơn Nhất - tính ra một mũi tên trúng mấy chục cái đích ý chứ", chị Minh kể lại.

Bỗng dưng muốn khóc!

Tuy nhiên, đi bằng vé giá rẻ cũng tiềm ẩn những rủi ro đặc trưng. Nguồn: Customerist.
Tuy nhiên, đi bằng vé giá rẻ cũng tiềm ẩn những rủi ro đặc trưng. Nguồn: Customerist.

Tuy nhiên không phải ai cũng có trải nghiệm vui vẻ, ngọt ngào với vé giá rẻ như vậy. Một thành viên có nickname "hungvd" trên diễn đàn webtretho vô cùng bức xúc với chuyến du lịch hồi đầu tháng 5 vừa qua, khi anh mua vé của một hãng máy bay giá rẻ nội địa.

"Giờ in trên vé là 8h15 sáng. Cả nhà tôi (gồm có 2 thằng bé) vốn tính cẩn thận nên lóc cóc dậy từ 5 giờ, đi lên sân bay lúc 7h15. Đến quầy làm thủ tục, tự dưng người ta hỏi giấy khai sinh các cháu. Cha mẹ ơi, trên vé hay nơi bán vé có nhắc dòng nào tới vụ này đâu, đào đâu ra được mớ giấy tờ ấy cơ chứ?

Chúng tôi phải kéo hơi ra trình bày, cam kết các kiểu rằng hai thằng bé đúng là con tôi chứ không phải của ông ABCD nào đó đi lạc. Mãi rồi cũng lấy được vé ra máy bay, sau khi nhân viên sân bay cắm cảu nói với thêm một câu: "Nhân nhượng lắm đấy nhé!"

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đấy. Lên được máy bay rồi, ngồi được một lúc rồi thì... máy bay tắt điện và báo có trục trặc kỹ thuật, mời khách rời máy bay. Trời thì mưa, đoàn thì đông, người lớn, trẻ con chạy nháo nhác. Mà máy bay thì đỗ tít ngoài xa.

Được một lúc thì người ta lại gọi ra máy bay. Lúc này đã là 9h15 phút, thời điểm đáng lẽ nhà anh đã phải có mặt ở Đà Nẵng theo như kế hoạch. Xung quanh anh, ai ai cũng kêu ca bức xúc. Người thì muộn họp, người thì không vào kịp với người nhà ốm, người thì rút điện thoại báo lại cho người yêu là: "Máy bay lỡ, chờ lát nữa anh hãy ra đón".

Rồi lại tiếp tục chờ... 1 tiếng trôi qua, anh tranh thủ ngủ được một giấc. Chỉ tội cho 2 thằng bé bắt đầu nghi ngờ những điều mà chúng vẫn được tả trước đây về cái gọi là đi máy bay. Thấy mắt con rưng rưng như kiểu sắp khóc, anh đành nói chữa là "nhà mình ngồi đây chờ máy bay bơm xăng, bơm hơi vào lốp, các cô chú phi công, tiếp viên đánh răng rửa mặt, uống cà phê đọc báo (Lúc này đúng là có một cô tiếp viên đang ăn sáng + đọc báo thật)", anh Hùng kể lại.

Cuối cùng thì máy bay cũng cất cánh, nhưng gần 12h trưa cả đoàn mới vào tới Đà Nẵng. Được biết có nhiều người do không thể chờ máy bay đã chuyển sang mua vé của hãng khác để có thể vào kịp cuộc họp quan trọng. Thế là rẻ lại hóa đắt. Vừa mất thời gian, vừa tốn kém.

Chia sẻ câu chuyện với anh hungvd, một thành viên khác là BeNa2008 cho biết, hai vợ chồng cô đã mua vé đi Hà Nội - Sài Gòn lúc 17h30 nên ra Đào Tấn từ sớm để chờ xe ô tô của hãng đến đón. Chờ mãi đến 16h vẫn chưa thấy xe đâu nên vội vàng bắt taxi đến sân bay vì sợ muộn giờ. Ai ngờ khi đến nơi, họ báo máy bay hoãn đến 21h30.

"Hoãn giờ bay mà không được lấy một cuộc gọi hay tin nhắn thông báo. Vợ chồng em tức không chịu nổi vì phải chờ 4 tiếng đồng hồ ở sân bay, vừa đói vừa rét (em đi hôm 28 tết). Đã thế lúc đó em còn bị nghén nữa chứ. Giờ nghĩ lại cảnh đó mà hãi hùng. Tưởng rẻ mà nào ngờ như tra tấn. Mà tính ra cũng chỉ rẻ hơn được 300.000 VND thôi chứ nhiều nhặn gì", BeNa2008 chia sẻ.

Tất nhiên, những trường hợp nói trên chỉ là không may và không xảy ra thường xuyên. Nhưng một khi đã chấp nhận mua vé giá bèo hay sử dụng dịch vụ của hàng không giá rẻ, bạn cũng nên dành một phần tâm lý để chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Đơn giản, bởi cái gì cũng có giá của nó.

Một kinh nghiệm rút ra khi đặt vé giá rẻ, là bạn luôn phải nắm chắc kế hoạch của mình. Vé càng rẻ, càng khuyến mại nhiều thì càng khó thay đổi lịch bay, giờ bay, tên người. Nhiều trường hợp không đi được đồng nghĩa với việc ném vé vào sọt rác, mất không tiền. Các hãng hàng không truyền thống tuy áp dụng giá vé cao hơn song quy định cũng linh hoạt hơn.

Tùy theo nhu cầu và ngân sách của gia đình, bạn có thể lựa chọn các mức giá phù hợp nhất. Với những gia đình có con nhỏ và người cao tuổi, hàng không giá rẻ không hẳn là một lựa chọn an toàn bởi giờ bay muộn, sự cố chậm giờ... có thể gây ra sự mệt mỏi đáng kể và phá hỏng chuyến đi. Nhưng với những người trẻ tuổi, sẵn sàng đi bụi và muốn tiết kiệm chi phí tối đa có thể, vé giá rẻ vẫn luôn là một món hàng hấp dẫn, đáng để săn lùng.

Theo Trọng Cầm (VNN)

Đọc thêm