“Bão” sắp nổi ở Nokia?

“Bão” sắp nổi ở Nokia? ảnh 1

Ảnh minh họa

Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Olli-Pekka Kallasvuo – TGĐ Nokia, trong phiên họp cổ đông thường niên diễn ra ngày 5/5 tại Phần Lan là phải thuyết phục được các nhà đầu tư rằng Nokia sẽ sớm có một mẫu smartphone “đình đám” và đủ sức đối đầu với iPhone của Apple, BlackBerry của RIM hay những mẫu máy Android. “Sự kiên nhẫn đã hết và đã đến lúc chúng tôi phải bắt đầu lo lắng về sự xói mòn của giá trị thương hiệu”, Max Jul Pedersen, người đang quản lý quỹ đầu tư Danske Capital trị giá 95 tỷ USD tại Copenhagen (Đan Mạch) nói và cho biết thêm rằng hãng này đã có dự đính bán tháo cổ phiếu của Nokia.

Trong năm ngoái, hãng di động Phần Lan đã chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều gấp 6 lần so với Apple nhưng kết quả chỉ là những thứ “vặt vãnh”. Giá cổ phiếu của hãng đã sụt gần 20% và khiến họ mất khoảng 10,5 triệu USD giá trị thị trường chỉ trong 2 tuần sau khi Nokia công bố kết quả kinh doanh quý I với mức thu nhập thấp hơn hẳn so với dự đoán của các nhà phân tích. Hiện tại, với khả năng vốn hóa trên thị trường đạt khoảng 34 tỷ euro (44 tỷ USD), Nokia chỉ là quá nhỏ nhoi nếu so với mức 230 tỷ USD của Apple hay thậm chí họ cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình nếu so với đỉnh cao 203 tỷ euro mà họ đạt được hồi năm 1999.

Tính đến cuối năm 2009, Nokia có 156.000 cổ đông nhưng quan trọng nhất là họ có đến 38% cổ đông tại thị trường Mỹ - nơi mà Nokia đã “húc đến bể đầu” vẫn không thể phá vỡ bức tường để mở cửa vào thị trường này. Trong khi đó, các nhà đầu tư có lý do để lo lắng khi hầu hết các cửa hàng di động tại Mỹ chỉ thấy bán iPhone, BlackBerry hay LG, Samsung còn Nokia thì hoàn toàn vắng bóng. Để thúc đẩy doanh số tiêu thụ smartphone, trong vòng 9 tháng qua Nokia đã giảm 18% giá bán - một bước đi táo bạo chấp nhận hy sinh lợi nhuận. Nhưng cái mà họ nhận được là gì? Là việc để mất thêm tới 2% thị phần toàn cầu ngay trong quý I/2010 (số liệu của IDC công bố hôm 30/4/2010).

Và “bão” đã nổi. Khi tài sản của mình cứ ngày một chìm dần cùng với Nokia, các nhà đầu tư đang kêu gọi thay đổi bộ máy lãnh đạo và quản lý hãng. “Nếu có một bộ máy quản lý mới, mọi người sẽ có ấn tượng mới theo chiều hướng lạc quan hơn”, Leon Cappaert, người đứng đầu quỹ đầu tư KBC Asset Management trị giá 360 triệu euro ở Brussels (Bỉ) nói. Và chỉ vài ngày sau khi Nokia công bố kết quả kinh doanh quý, ông này đã bán toàn bộ số cổ phiếu mang tên hãng di động này của mình.

Nokia hiểu điều đó và họ đang “tăng tốc”. Tháng trước, ông Kallasvuo đã tuyên thệ sẽ phản công với những sản phẩm “nhanh hơn, thú vị hơn”. Hôm 27/4, Nokia ra mắt mẫu smartphone N8 sử dụng nền tảng Symbian mà họ đã cải biến. Họ ký thỏa thuận hợp tác với Intel, với Microsoft để gia tăng sức mạnh nhằm đối đầu với RIM hay Apple. Nhưng Nokia cần phải “nhanh nhẹn và hoạt bát” hơn nữa mới có thể bắt kịp đối thủ, các nhà đầu tư nói. Hiện nay, ngân sách dành cho R&D của Nokia là 7,7 tỷ USD (chiếm 14% tổng doanh thu) cao hơn nhiều so với mức 1,3 tỷ USD (3% doanh thu) của Apple và họ cần phải thể hiện sự vượt trội ấy bằng các sản phẩm thực tế.

Nhưng nhiều người cho rằng đã quá muộn đối với Nokia. “Nokia đã đánh mất những khách hàng cao cấp vào tay iPhone và gần như không thể nào “đòi lại” được nữa. Trên thị trường smartphone hiện nay, nhiệm vụ của Nokia là chạy nhanh hết sức để… đứng yên chứ đuổi theo đối thủ là quá muộn”, Stuart O’Gorman của hãng Henderson Investors ở Edinburgh, người đã thẳng tay bán hết số cổ phiếu của Nokia mà ông nắm giữ ngay trong ngày hãng công bố kết quả kinh doanh quý.

“Nokia đang giảm giá chỉ để cố duy trì thị phần”, Francisco Jeronimo – chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường IDC nói và nhận định rằng giá cổ phiếu cũng như thị phần của Nokia sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới để rồi sẽ đánh mất thế dẫn đầu ở thị trường châu Âu vào tay Samsung – hãng điện tử Hàn Quốc.

Theo Lương Hương (ICTnews / Business Week)

Đọc thêm