Bảo mật vân tay chưa chắc hay!

Cơ quan Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) cho biết chỉ trong vòng tháng đầu tiên sau khi triển khai hệ thống Bioscreen này tại các cửa khẩu (từ ngày 20-4 tới 19-5-2016), có hơn nửa triệu khách nước ngoài đã được kiểm tra bằng dấu vân tay. Công nghệ này giúp loại bỏ tình trạng khách nước ngoài nhập cảnh Singapore bằng các giấy tờ giả.

Hình thức bảo mật mới

Từ trung tuần tháng 2-2017, Trung Quốc cũng bắt đầu triển khai công nghệ quét dấu vân tay khách nước ngoài khi nhập cảnh. Sân bay quốc tế Shenzhen Bao’an (tỉnh Quảng Đông) là nơi áp dụng đầu tiên và thủ tục quét dấu vân tay này sẽ được mở rộng dần khắp Trung Quốc từ nay tới cuối năm 2017. Theo quy định, tất cả khách nước ngoài từ 14 tới 70 tuổi, ngoại trừ người mang hộ chiếu ngoại giao, đều phải kiểm tra dấu vân tay khi nhập cảnh Trung Quốc.

Trước đó Mỹ đã bắt đầu áp dụng biện pháp quét dấu vân tay khách nước ngoài từ sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố đẫm máu do bọn khủng bố Hồi giáo từ nước ngoài vào tiến hành ngay tại TP New York ngày 11-9-2001, giết chết 2.977 người.

Việc kiểm soát người nhập cảnh bằng dấu vân tay đã chứng tỏ được tính hữu hiệu trong nỗ lực ngăn chặn những phần tử xấu đã được lưu hồ sơ trong cơ sở dữ liệu. Bởi mỗi người sinh ra với một dấu vân tay khác nhau, trên khắp thế giới không có hai người trùng dấu vân tay, thậm chí cả người sinh đôi. Và dấu vân tay không thay đổi theo thời gian. Vì thế người ta có thể làm giả được bất cứ giấy tờ nào nhưng với dấu vân tay thì đành chịu.

Có thể nói bây giờ là thời của bảo mật nhân trắc học chứ không còn phụ thuộc vào những mật khẩu chữ/số cho dù phức tạp tới đâu thì bọn tin tặc cũng có thể quét ra. Các ổ khóa cửa thông minh cũng sử dụng dấu vân tay. Thậm chí để an toàn hơn, người ta kết hợp các hệ thống bảo mật đa lớp gồm dấu vân tay, mật khẩu, mã token qua SMS… Càng cực, càng phiền toái thì càng an toàn.

Chỉ cần kiểm soát được dấu vân tay là hacker có thể bẻ khóa được điện thoại và nhiều thứ khác. Ảnh: INTERNET

Phiền phức và cũng nguy hiểm

Trong một số bộ phim Mỹ, người xem có thể thấy cảnh người ta lấy dấu vân tay của ai đó để đúc thành dấu vân tay giả phục vụ cho việc mở khóa. Nhưng đó là chuyện công nghệ cũ. Còn với công nghệ hiện đại ngày nay, cảm biến vân tay đòi hỏi phải là dấu vân tay “sống” (live fingerprint). Bởi nó không chỉ quét dấu vân tay mà còn dùng tia hồng ngoại cảm nhận được hoạt động của các mô, các mao mạch bên dưới da ngón tay hay nhịp đập của mạch máu.

Do ngày nay có quá nhiều ứng dụng được bảo mật và khóa bằng dấu vân tay, các chuyên gia khuyên người ta phải cẩn thận giữ gìn dấu vân tay của mình. Nhưng chẳng lẽ lúc nào cũng phải mang bao tay hay thủ sẵn chiếc khăn tay để hễ chạm tay tới đâu thì xóa ngay tới đó? Mệt mỏi lắm.

Hồi tháng 1-2017, một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Viện Tin học Quốc gia (NII) của Nhật Bản cảnh báo rằng việc người ta có thói quen chụp ảnh selfie phong cách “xì tin” giơ hai ngón tay hình chữ V ra cũng có thể làm lộ dấu vân tay. Họ giải thích là với máy ảnh có độ phân giải cực nét hiện nay, kẻ xấu có thể dễ dàng phóng to ảnh chụp lên để dùng những phần mềm chuyên dụng thu thập dấu vân tay của những người trong ảnh. Hồi năm 2015, trong một thử nghiệm, tin tặc Jan “Starbug” Krissler từng lấy dấu mống mắt của nữ Thủ tướng Angela Merkel từ một tấm ảnh chụp cận cảnh bà để mở khóa thành công. Các chuyên gia lo ngại rằng tới lúc nào đó, trên Dark Web sẽ không chỉ rao bán những mật khẩu ăn cắp được mà còn bắt đầu có cả những thông tin sinh trắc học của nạn nhân.

Ngoài việc bẻ khóa không công khai thì không loại trừ khả năng một số nơi có thể thu thập dấu vân tay của một số người để thực hiện mục đích xấu theo ý đồ của họ. Có dấu vân tay, họ có thể mở khóa iPhone và rồi hàng tá thứ khác mà chúng ta không thể mường tượng hết.

Hiện nay với những cảm biến hiện đại, người ta vẫn có thể mở khóa khi ngón tay bám bụi, bị ướt hay chỉ cần chạm một phần ngón tay. Chỉ có điều trong bảo mật, càng thuận lợi cho người dùng bao nhiêu càng bất lợi về bảo mật bấy nhiêu.

Mọi thứ sẽ được mở khóa bằng vân tay

Dấu vân tay được dùng để mở khóa tủ, cửa nhà, các thiết bị điện tử, các ứng dụng... Tại một số khu trò chơi trong Công viên văn hóa Universal Studios Singapore, các tủ dành cho khách gửi đồ (locker) giờ đây được khóa bằng dấu vân tay. Thậm chí vào năm 2016, Nhật Bản đã đưa ra một hệ thống thanh toán mới bằng dấu vân tay. Thế nhưng rõ nhất là những chiếc smartphone đời mới của nhiều người dùng thực tế đang mở khóa bằng dấu vân tay và cả mống mắt.

Đọc thêm