Bao giờ cước di động Việt Nam rẻ như nước ngoài?

Bao giờ cước di động Việt Nam rẻ như nước ngoài? ảnh 1

Ảnh: Minh họa

“Cơm bình dân”

Hồi tưởng lại hơn mười năm trước khi người viết bài này phải tốn 400.000đ cước thuê bao mỗi tháng cho nhà mạng MobiFone, so với hiện nay khoản cước này đã giảm xuống còn 49.000đ/tháng, và cước hòa mạng cũng vừa giảm đến 49,5% (còn 50.000đ/tháng), đã cho thấy một sự thay đổi rất lớn về giá cước trên thị trường TTDĐ. Ngày trước việc sử dụng ĐTDĐ (chỉ có thuê bao trả sau) dường như là “đặc quyền” của dân nhà giàu, thu nhập cao, thì nay việc sử dụng ĐTDĐ đã trở thành “cơm bình dân”.

Món “cơm bình dân” này không chỉ mang đến lợi ích tiêu dùng cho đông đảo người tiêu dùng trong xã hội, mà còn len vào từng lớp khách hàng để kích cầu. Sau khi thực hiện đợt giảm cước từ 10%-15% mới đây, các nhà mạng lớn như MobiFone, Vinaphone, Viettel vốn chiếm hơn 90% thị phần đã nắm thế chủ động xác lập một mặt bằng giá cước mới. Trong trường hợp MobiFone, cước gọi nội mạng chỉ còn 880đ/phút (giảm 10,24%), gọi liên mạng còn 980đ/phút (giảm 9,28%). Có thể thấy, sự chênh lệch giữa gọi nội mạng và liên mạng đã ngày càng thu hẹp chứ không cách biệt như trước.

Với tốc độ giảm cước hàng năm “đến hẹn lại lên” từ 15%-20% trong hơn mười năm qua, các nhà mạng đã thúc đẩy lượng thuê bao di động bùng nổ tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2010, VN đã có đến 144,4 triệu thuê bao ĐTDĐ. Bên cạnh đó, khuyến mãi “khủng” hòa mạng mới một thời, và khuyến mãi nhân đôi giá trị thẻ cào…, đã khiến cho thuê bao trả trước (TBTT) phát triển với tốc độ phi mã. Nhìn vào bảng giảm cước vừa qua, mức giảm MobiFone dành cho TBTT cũng chạm ngưỡng mức giảm cho phép: Gói Mobi365 giảm 10,7%; MobiZone giảm 11,15%; Mobi4U giảm 14,06%; Q-Student được giảm tới 14,52%, và Q-Teen được giảm 15%. Chính vì thế, thị trường TTDĐ VN có một đặc trưng là TBTT chiếm đến 90%.

Và sẽ bình dân hơn nữa…

Ở các nước như Mỹ, Anh, Singapore, mức cước nếu tính về giá trị tuyệt đối đồng tiền khách hàng chi ra cho mỗi phút gọi vẫn cao hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì thu nhập bình quân/đầu người ở các nước này cao hơn thu nhập tại VN rất nhiều lần, vì thế tính ra giá cước TTDĐ/thu nhập của họ rẻ hơn Việt Nam nhiều.

Trong khu vực Châu Á, lấy mức cước cuộc gọi rẻ nhất tại VN hiện nay khoảng 800đ/phút, nếu so với cước di động ở Indonesia thì VN còn cao hơn, và cao hơn nhiều so với mức cước di động tại Ấn Độ-theo khảo sát của Cty Frost & Sullivan-chỉ tương đương khoảng 200đ/phút (1 cent/phút). Có lẽ vì mức cước rẻ nên số phút gọi bình quân của thuê bao tại Indonesia cao hơn gấp đôi VN, vào khoảng 250 phút/tháng (của VN từ 120-150 phút/tháng), còn tại Ấn Độ lên đến 400 phút/tháng.

Theo định cước điều hành cước viễn thông trong những năm tới, mỗi năm cước di động sẽ được giảm bình quân từ 10%-15%. Nghĩa là, “cơm bình dân” sẽ còn “bình dân” hơn nữa nhưng theo lộ trình chứ không ào ạt gây ra cạnh tranh không lành mạnh làm hỗn loạn thị trường. Bởi có một điều cần phải nhấn mạnh là: Mang thêm nhiều lợi ích tới cho người tiêu dùng nhưng nhà mạng cũng cần phát triển bền vững thì mới duy trì được các lợi ích cho khách hàng một cách dài lâu.

Một trong những minh chứng cho xu hướng ngày càng “bình dân” hơn thể hiện qua giá cước dữ liệu 3G. Cả MobiFone và Vinaphone vừa qua đã giảm mạnh cước dịch vụ này. Cụ thể, dịch vụ Mobile Internet được MobiFone giảm 80% cước, còn Fast Connect giảm 94%, người dùng chỉ còn phải trả 10đ cho mỗi 10Kb trong dịch vụ Mobile Internet và 65đ cho mỗi 1Mb trong dịch vụ FastConnect. Tuy nhiên, ngay trong mảng dịch vụ 3G này cũng đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa Viettel và VNPT, vì thế khả năng khuyến mãi lớn hơn nữa đang được dự báo sẽ sớm xảy ra trong thời gian tới.

Theo Phương Thu (ICTnews)

Đọc thêm