Bạn dùng hết bao nhiêu dữ liệu di động?

Bạn dùng hết bao nhiêu dữ liệu di động? ảnh 1

Tin buồn cho người dùng là các nhà mạng cứ lần lượt bỏ các gói cước không giới hạn và điều đó sẽ rất dễ đẩy khách hàng vào cảnh “sốc với hóa đơn cước” mỗi tháng.

Nhiều khách hàng đã đặt câu hỏi: Làm thế nào để họ có thể theo dõi hay tính toán được mức dung lượng dữ liệu mà họ đã sử dụng để “điều tiết”? Thường xuyên truy cập vào trang web của nhà mạng cũng là một giải pháp nhưng trong nhiều trường hợp, điều đó cũng không có mấy tác dụng.

Mới đây, Fierce Broadband Wireless – công ty nghiên cứu và phân tích thị trường viễn thông đã công bố một bảng kê chi tiết những hoạt động và mức dung lượng tiêu tốn khi người dùng truy cập Internet qua smartphone. Theo tính toán, một người dùng gửi hay nhận trung bình khoảng 20 e-mail (không có file đính kèm) mỗi ngày, họ sẽ tiêu tốn hết 0,01 GB dữ liệu/tháng và nếu lượng email tăng lên tới 70 bức/ngày thì người dùng đó cũng chỉ mất 0,04 GB/tháng.

Nhưng nếu họ xem khoảng 20 trang web (web page) mỗi ngày, mức dung lượng dữ liệu tiêu tốn ngay lập tức bị đẩy lên 0,11 GB, xem video 20 phút/ngày tốn 1,14 GB dữ liệu/tháng hay mỗi ngày nghe nhạc trên mạng 1 giờ, họ sẽ mất 0,86 GB/tháng.

Dưới đây là danh sách một số hoạt động phổ biến nhất và lượng dữ liệu tiêu tốn để các khách hàng có thể “soi” vào mức sử dụng của mình và ước lượng số tiền mà họ sẽ phải trả. Lưu ý đây là mức sử dụng trong 1 ngày và tổng mức dữ liệu sẽ tiêu thụ trong mỗi tháng.

-Gửi/nhận ít hơn 10 e-mail (không có file đính kèm): 2,5 MB

- Gửi/nhận 1 e-mail với file đính kèm là hình ảnh: 10 MB

- Gửi/nhận 3 e-mail (một số có file đính kèm): 12 MB

- Nghe nhạc trực tuyến 5 phút/ngày (khoảng 2,5 giờ/tháng): 72 MB

- Ghé qua 5 trang web (web page): 25 MB

- Tải 1 ứng dụng di động (kể cả game hay 1 bài hát): 60 MB

- Đăng 10 tin lên các mạng xã hội: 14 MB

- Xem video 1 phút (30 phút/tháng): 60 MB

Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức dung lượng dành cho các nội dung trên di động và mỗi lần truy cập, người dùng sẽ còn phải tải về những mức dữ liệu “phụ trợ” như đầu trang web, hình ảnh minh họa… nên tổng mức dữ liệu sẽ còn cao hơn nữa.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực di động, vẫn còn rất nhiều yếu tố khác quyết định đến mức dung lượng dữ liệu của người dùng và có thể với cùng một số hoạt động như nhau, thời gian như nhau nhưng hóa đơn cước của mọi người sẽ khác nhau. Ví dụ, khi di chuyển và truy cập Internet không dây, một người dùng sẽ còn phải gánh thêm mức dữ liệu “chuyển đổi giữa các cell”. Nói một cách dễ hiểu hơn, điều này giống như người dùng bước từ ô này sang ô kia nhưng họ sẽ phải mất thêm một lượng dữ liệu nhất định để làm “gốc” tạo điều kiện cho quá trình liên lạc được liên tục.

Vấn đề là người dùng gần như không có giải pháp nào để kiểm soát “khoản dữ liệu phụ trội” này ngoại trừ cách tắt máy hoặc chuyển sang chế độ “Trên máy bay”.

Theo Trường Sơn (ICTnews / CNN)

Đọc thêm