Bài toán khó trong ứng dụng CNTT ở Quảng Trị

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc chiến tranh trong lịch sử, Quảng Trị là một trong những địa phương đang gặp nhiều khó khăn trên nhiều mặt của KT -XH, trong đó có vấn đề ứng dụng CNTT…

Thực trạng yếu kém

Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, bà Thái Thị Nga, Phó giám đốc Trung tâm CNTT - TT tỉnh Quảng Trị (Thuộc Sở TT &TT Quảng Trị) cho biết: hiện nay có 11 đơn vị Sở, ngành, ủy ban của tỉnh có cán bộ chuyên trách về CNTT để quản trị hệ thống. Còn lại, 17 đơn vị khác vẫn còn khuyết vị trí này.

Bên cạnh đó, hệ thống máy tính, phần mềm được trang bị từ Đề án 112 đến các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã… đã bị hư hỏng hoặc sử dụng không hiệu quả, chủ yếu chỉ được dùng vào soạn thảo, lưu trữ văn bản… Phần mềm Quản lý hồ sơ công việc của Đề án 112 hiện đang ứng dụng chưa được triển khai rộng vì dung lượng lớn, máy tính của các cơ sở với cấu hình thấp nên tốc độ xử lý còn chậm, tính tương thích chưa cao. Chính thực trạng ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ thông tin trên mạng trong tình hình xã hội mới, để người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu. Việc cho đến thời điểm này, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị vẫn chưa chuyển giao cổng thông tin điện tử của tỉnh và kết quả triển khai Đề án 112 trên địa bàn tỉnh cho Sở TT &TT cũng đang gây không ít khó khăn cho Sở trong việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng Cổng giao dịch điện tử một cách đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh câu chuyện khó khăn tại các đơn vị hành chính Nhà nước, thương mại điện tử của tỉnh Quảng Trị cũng chưa có dấu hiệu phát triển. Theo thống kê, hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhưng chỉ 20 đơn vị lập website riêng. Chính vì lý do này, các doanh nghiệp chưa tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử, khách hàng chưa thể truy cập vào website để tham khảo giá cả…

Rào cản nguồn nhân lực

Theo khảo sát trình độ CNTT cán bộ công chức của Sở TT &TT tỉnh Quảng Trị, số người có trình độ chuyên môn CNTT để ứng dụng trong công việc hiện có 735 (trong tổng số 1.340 cán bộ công chức, chiếm 55%), trong đó trình độ đại học và trên đại học 27 người, cao đẳng 8 người và 24 người trình độ trung cấp, 79 kĩ thuật viên… Giám đốc Sở TT &TT tỉnh Quảng Trị, ông Trần Phương Nam nhận định, theo kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước giai đoạn 2008 - 2009 đã được UBND tỉnh phê duyệt, thực tế đó cho thấy tỉnh còn thiếu trên 60 cán bộ chuyên trách về CNTT (trong đó đại học, cao đẳng là 20 người, kĩ thuật viên 40 người).

Nhận thức về vai trò của ứng dụng CNTT của các cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh Quảng Trị cũng đang là một rào cản rất lớn. Chính vì nhận thức chưa đầy đủ, từ tâm lý “ngại” sử dụng máy vi tính nên việc sử dụng phần mềm dùng chung không hiệu quả, lãnh đạo không điều hành được công việc từ xa qua mạng, chưa đưa ra chế độ ưu tiên đầu tư cho nhân lực, kinh phí cho ứng dụng CNTT... Phần lớn các cơ quan chưa ban hành được quy chế sử dụng và khai thác thông tin trên mạng nội bộ, nhận thức về an ninh thông tin cũng như thiệt hại khi xảy ra sự cố mạng chưa đầy đủ. Kể từ thời điểm Đề án 112 ngừng triển khai, nhiều hệ thống máy tính được trang bị vài chục triệu đồng bị hỏng, mạng LAN không hoạt động do thiếu kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, bảo trì.

Tháo gỡ từng bước

Theo anh Thái Lê Duy Hưng, Tổ trưởng Tổ phần mềm, Trung tâm CNTT -TT tỉnh Quảng Trị, đứng trước những khó khăn, Sở TT &TT tỉnh đã tự xây dựng được một số phần mềm với chi phí rẻ, tính năng đơn giản nhưng đảm bảo sự ổn định của công việc tại một số cơ quan của tỉnh như Sổ quản lý xuất bản báo chí, hệ thống báo cáo tình hình triển khai chỉ tiêu kế hoạch, phần mềm Quản lý nhân sự, hệ thống thông tin kinh tế - xã hội tổng hợp (hiện đang ứng dụng tại Sở KH &ĐT tỉnh Quảng Trị) … Tất cả đều do 7 người trong tổ (gồm 1 thạc sỹ và 6 kỹ sư, kĩ thuật viên) xây dựng. Thậm chí, tại những đơn vị Sở chưa có người quản trị, khi gặp vướng mắc do kết nối bị trục trặc, lỗi phần mềm, máy tính nhiễm virus…, các cán bộ của Sở TT &TT cũng thường xuyên đến hỗ trợ và coi đây là công việc .

Bà Thái Thị Nga cho biết, từ những cố gắng của lãnh đạo, cán bộ Sở TT &TT tỉnh, tính đến đầu năm 2009, các Sở, ban, ngành và huyện, thị xã đều có mạng LAN, kết nối Internet, đã xây dựng nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp như CSDL về tình hình kinh tế - xã hội, CSDL văn bản quy phạm pháp luật, công báo, niên giám thống kê của tỉnh… 100% xã, phường trên địa bàn thị xã Đông Hà và Quảng Trị đã kết nối mạng diện rộng của tỉnh ủy, và sắp tới huyện Cam Lộ sẽ phấn đấu kết nối 100%. Tỉnh đã xây dựng được mạng cáp quang kết nối 19 đơn vị với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của UBND tỉnh. Đáng lưu ý, một số địa phương gặp nhiều khó khăn về kinh tế như xã DKRông, huyện đảo Cồn Cỏ, huyện Vĩnh Linh, Gio Linh… cũng đang tích cực để đưa ứng dụng CNTT vào trong hoạt động hành chính.

Theo ICTNews

Đọc thêm