Bài học lớn đưa Internet về nông thôn

Bài học lớn đưa Internet về nông thôn ảnh 1

Tuyên truyền để người dân hiểu vào Internet họ sẽ được gì, chắc chắn họ sẽ sử dụng và điều đó cũng giúp tăng tính bền vững cho dự án.

Dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) tài trợ, được Quỹ DVVTCI Việt Nam (VTF) thuộc Bộ TT&TT thực hiện tại 3 tỉnh Nghệ An, Trà Vinh và Thái Nguyên. Dự án đã được Bộ TT&TT, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, các tỉnh thí điểm, các cơ quan liên quan và BMGF đánh giá là thành công và hiệu quả. Dự án đã tạo môi trường thân thiện hữu ích cho người dân sử dụng dịch vụ máy tính và Internet tại các điểm truy cập của dự án. Đánh giá đã cho thấy người dân tiếp cận thông tin dễ dàng, hiệu quả hơn nhờ các hoạt động như tuyên truyền, đào tạo của dự án. Dự án thí điểm cũng mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho công tác phổ cập và đưa Internet về nông thôn.

 Ngày 20/7, Hội thảo về bài học kinh nghiệm rút ra từ Dự án thí điểm đã diễn ra tại Hà Nội, với nhiều ý kiến cụ thể được đại diện các Bộ, ngành, địa phương liên quan nêu ra, nhằm tiến tới xây dựng một dự án mở rộng thành công và hiệu quả hơn.

Vai trò lớn của sự hợp tác Bộ, ngành

Đại diện BMGF, ông Sam Sternin - cán bộ chương trình Thư viện toàn cầu của BMGF cho biết, dự án thí điểm đã tạo cơ hội cho tất cả các bên liên quan học được bài học kinh nghiệm lớn. “Thứ nhất là kinh nghiệm thực hiện một dự án có rất nhiều ban ngành, rất nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, lắp đặt máy móc, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, vận động, đánh giá tác động…”, ông Sam Sternin nói. “Chúng ta thực hiện Dự án thí điểm là muốn học hỏi kinh nghiệm để sau đó có một dự án tiếp theo tốt hơn, mạnh hơn, và chúng ta đã đạt được bài học đó”.

Rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ Dự án thí điểm, song theo ông Sam Sternin, bài học lớn thứ nhất chính là sự hợp tác chặt chẽ giữa liên bộ, liên ngành, cấp. “Chúng ta thấy rõ trong Dự án thí điểm, sự phối hợp rất mạnh mẽ và nếu muốn thành công lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo, phải có sự hợp tác mạnh mẽ hơn”.

Ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban quản lý Dự án thí điểm cũng cho rằng, bài học lớn nhất mà Dự án thí điểm để lại là sự quyết tâm cao giữa những người thực hiện và các bên liên quan. Ngoài ra, là đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án, theo ông Phong, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là đảm bảo yêu cầu tiến độ của dự án. “Vì các dự án nước ngoài luôn có khung thời gian rất chặt chẽ. Dự án liên quan đến nhiều Bộ, ngành nên việc đảm bảo thời gian, các thủ tục hành chính cũng là một thách thức lớn”.

Một bài học lớn được nhiều người đề cập là phải hiểu sâu nhu cầu của người dân. Điều này quan trọng và cần thiết trong mỗi khâu thiết kế các thành phần dự án, từ lắp đặt máy móc, đào tạo, tập huấn cho nhân viên ở BĐVHX hay thư viện. Ông Sam Sternin nhận xét Việt Nam là một quốc gia đa dạng, người dân ở các vùng miền khác nhau có đặc điểm, nhu cầu khác nhau. Các đối tượng học sinh, người lao động, người lớn tuổi cũng có những nhu cầu khác nhau. “Khi hiểu rõ nhu cầu của từng đối tượng dân cư, sẽ có cơ hội thiết kế các dịch vụ phù hợp và như thế mới đạt kết quả mong đợi của dự án”, ông nói. “Dự án mở rộng tiếp theo triển khai ở 40 tỉnh, sự phức tạp sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với 3 tỉnh ban đầu”.

Bài học xây dựng tính bền vững cho dự án

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng công tác truyền thông, đào tạo rất quan trọng. Ông Bùi Chí Hùng, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần đào tạo để người dân hiểu vào Internet họ sẽ được gì, chắc chắn họ sẽ sử dụng và điều đó cũng giúp tăng tính bền vững cho dự án. Tên trang web của dự án (www.i4ra.vn) còn khó nhớ, và nội dung cần phong phú hơn, đa dạng hơn. “Làm sao để người dân vào trang web dự án là họ có sẵn thông tin, dữ liệu cần thiết chứ không phải lang thang trên mạng để tìm kiếm”, ông Hùng nói.

Nhiều đại biểu đến từ 3 tỉnh cho rằng chất lượng máy móc, đường truyền rất quan trọng để thu hút người dân tham gia và sử dụng dịch vụ. Vì thế, các kỹ năng quản trị, bảo trì máy cần được nhấn mạnh. Nếu máy móc gặp sự cố và phải chờ đơn vị bảo trì sửa chữa sẽ rất mất thời gian, trong khi đó có thể là những lỗi rất sơ đẳng. Học kỹ năng bảo trì sẽ giúp các cán bộ thư viện và BĐVHX nắm được công nghệ, tự biết bảo trì sửa chữa, nhờ đó tỷ lệ máy hỏng hóc thấp.

Ngoài các bài học trên, Dự án thí điểm cũng để lại kinh nghiệm để đảm bảo tính bền vững khi triển khai Dự án mở rộng. Ông Sam Sternin khẳng định Dự án này không phải là Dự án của BMGF, mà là của Chính phủ Việt Nam. Với sự đầu tư lớn như vậy, không thể chỉ tính kết quả trong 5 năm, mà phải mang lại kết quả lâu dài sau này. Vì thế việc đảm bảo tính bền vững của dự án rất quan trọng, phải có sự đóng góp của nhiều Bộ, ngành khác nhau. Thông qua Dự án thí điểm, các bên liên quan cũng học được bài học kinh nghiệm để thiết kế dự án mở rộng, sao cho đảm bảo tính bền vững lâu dài, “máy móc, dịch vụ sẽ tồn tại không chỉ trong 5 năm mà là 10 năm và lâu hơn nữa”.

Ông Sam cho biết Việt Nam là nước nghèo nhất trong số các quốc gia mà BMGF đã hỗ trợ theo chương trình Thư viện toàn cầu. Ngoài ra, ở các quốc gia khác, chỉ có hệ thống thư viện tham gia vào chương trình, song với đặc điểm riêng của Việt Nam, hệ thống điểm BĐVHX cũng tham gia vào chương trình này. “Đó là một điểm khác, và hy vọng nó cũng mang đến kinh nghiệm mới cho BMGF”, ông Sam Sternin nói.

Nếu thực hiện Dự án mở rộng, đây sẽ là dự án duy nhất của BMGF tại châu Á tính đến thời điểm này và là dự án lớn nhất trong lịch sử của Chương trình Thư viện toàn cầu của BMGF.

Theo Mạnh Hùng (ICTnews)

Đọc thêm