Amazon và tham vọng “thống trị” thế giới

Amazon và tham vọng “thống trị” thế giới ảnh 1

Jeff Bezos – ông chủ Amazon.com

Không giống như làn sóng máy tính bảng khác đã nổi lên như một sự hi vọng để rồi thất bại Kindle Fire có phát súng khởi đầu ấn tượng khi biến cuộc chiến máy tính bảng trở thành cuộc chiến của riêng Kindle Fire và Apple iPad. Với màn hình 7-inch, Fire chỉ nhỏ bằng một nửa iPad; với mức giá 199 USD, Fire cũng chỉ bằng một nửa giá bán iPad rẻ nhất. Amazon đã vẽ lại khuôn mặt mới cho hệ điều hành Google Android thô ráp bằng vẻ ngoài tươi trẻ và thân thiện với người dùng, cũng như gắn chặt thiết bị với kho thư viện và nội dung trực tuyến khổng lồ.

Jeff Bezos tuyên bố: “Những gì chúng tôi đang làm là cung cấp sản phẩm cao cấp với mức giá bình dân. Chúng tôi không nghĩ Kindle Fire là máy tính bảng. Chúng tôi nghĩ về nó như một dịch vụ”.

Fire vẫn còn nhiều điểm hạn chế so với iPad 2. Để so sánh, có thể xem iPad 2 như món hàng xa xỉ, là thứ trang sức nhằm xác định đẳng cấp và phong cách người dùng; trong khi đó, Fire là món hàng bình dân chỉ cần “ngồi trên ghế sofa và chọn mua”. Máy tính bảng này chính là biểu tượng cho khả năng thích ứng đáng nể của Amazon, luôn khởi đầu ở mức thấp để cạnh tranh giành thị trường với các đối thủ lớn hơn. Nếu Kindle Fire và ý định của Amazon thành công, “vua bán lẻ” sẽ bổ sung thêm thứ vũ khí đáng sợ mới vào một trong những hoạt động kinh doanh được xem là phát triển nhanh nhất thế giới của mình.

Amazon.com – Sản phẩm của “chọn lọc tự nhiên”

“Cửa hàng sách lớn nhất trái đất” là khẩu hiệu của Amazon những năm 1990 – đại diện cho tham vọng khá… “dễ thương”. Amazon ngày ấy tự hào với danh mục sách khổng lồ, vô hạn, dù trong nhiều trường hợp, người mua chỉ có thể nhận hàng trực tiếp từ nhà phân phối. Ngày nay, Amazon bán hàng triệu hàng hóa và dịch vụ trên trời dưới đất, từ đồ chơi cho tới tivi công nghệ cao, và máy đọc sách. Các nhà bán lẻ truyền thống hàng đầu như Best Buy, Walmart đều chứng kiến thị phần bị cắt xén, ăn mòn, và buộc phải thu nhỏ quy mô kinh doanh. Các trang web có mô hình tương tự Amazon như Zappos, Diapers.com nhanh chóng bị Amazon thâu tóm.

Khi các đối thủ lao đao, lợi nhuận hàng quý của Amazon vẫn tăng trưởng 50%, và có thể đạt tới 50 tỉ USD doanh số bán lẻ năm nay, trong khi đó, Walmart cần tới 33 năm để vượt qua ngưỡng này. Nancy F. Koehn, Giáo sư khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Havard xem Amazon như một “sinh vật thông qua chọn lọc tự nhiên, không ngừng học tập và phát triển”.

Nếu Kindle Fire chỉ cần tốt bằng nửa những gì Jeff Bezos nói tại lễ ra mắt, nó sẽ thổi bùng mối lo ngại về vị thế thống trị ngày càng tăng của Amazon. Fire đưa người dùng vào thế giới nội dung, thương mại, điện toán đám mây vô cùng đồ sộ của Amazon. Cũng như những chủ nhân của máy đọc sách Kindle có xu hướng mua sách từ Amazon, người dùng Kindle Fire nhiều khả năng sẽ chuyển phần lớn ngân sách giải trí sang cho Jeff Bezos.

Máy tính bảng đại diện cho cơ hội lớn của Jeff Bezos, không chỉ bán thiết bị mới, mà còn lôi kéo mọi người mua thêm nhiều nội dung sẵn có. Với 28,7 triệu iPad bán ra, các trang web TMĐT đã chứng kiến lượng truy cập tăng đột biến từ máy tính bảng. Hãng nghiên cứu Forrester Research thông báo mùa hè năm 2011, lượng giao dịch mua bán trực tuyến từ máy tính bảng đã chiếm 20% doanh số TMĐT trên các thiết bị di động, và gần 60% chủ nhân máy tính bảng dùng chúng để mua hàng. Theo Bezos, máy tính bảng là “con gió xuôi đẩy việc kinh doanh” của công ty.

Amazon và tham vọng “thống trị” thế giới ảnh 2

Máy tính bảng Kindle Fire – vũ khí mới của Amazon

Kindle Fire – “Vũ khí” mới

Kindle Fire được thiết kế để đảm bảo nhiều người mua bán trên Amazon hơn. Công ty đã xây dựng ứng dụng mua sắm tối ưu hóa cho máy tính bảng, với các trang đơn giản và sắp xếp hợp lí. Ứng dụng cài đặt sẵn và nằm phía dưới màn hình chính của Fire (có thể bỏ đi nếu muốn). Thiết bị cũng đi kèm với gói miễn phí 30 ngày phiên bản Amazon Prime thử nghiệm – là chương trình chuyển phát hàng trong 2 ngày kéo dài 1 năm trị giá 79 USD, cho các “con nghiện Amazon”. Từ tháng 3, Amazon cũng quản lí ứng dụng riêng cho thiết bị Android, chọn lọc và loại bỏ các yếu tố thiếu tin cậy. Các đối thủ khác cũng có thể đưa vào các ứng dụng, nhưng tất nhiên, nội dung riêng của Amazon sẽ dễ dàng tìm thấy hơn trên thiết bị.

Đó là lí do vì sao Amazon có cơ hội để biến cuộc chiến máy tính bảng thành cuộc chiến song phương. Bên cạnh đó là giá bán. Những máy tính bảng khác đều có giá bán từ 250 – 300 USD hoặc hơn, nhưng Bezos có quyền hạ thấp mức giá hơn do thu được lợi nhuận từ nội dung truyền thông hay qua Amazon Prime, “lái” người dùng mua thêm sản phẩm từ Amazon. Bezos cũng khai thác triệt để công nghệ đám mây Amazon Web Service. Amazon tiết kiệm tiền trên Fire nhờ bộ nhớ 8GB (phiên bản đắt nhất của iPad là bản 64GB), nhưng chủ nhân thiết bị vẫn có thể lưu trữ miễn phí nhiều sách, bài hát, âm nhạc, tài liệu cá nhân nhờ vào máy chủ đám mây của Amazon.

Dù quyết định tự mình sản xuất phần cứng được xem là khá mạo hiểm, Bezos không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gia nhập thị trường máy tính bảng. Khoảng 40% lợi nhuận của Amazon tới từ truyền thông – sách, âm nhạc, phim ảnh – và các định dạng này đang chuyển dần sang dạng kĩ thuật số. Amazon đã chậm chân khi hiểu ra tốc độ chuyển dịch này, nhưng Apple – từng tung iPod năm 2001 và iTunes 2 năm sau – thì không. iPad chỉ gia cố sức mạnh Apple nắm giữ trong truyền thông số.

Apple và Amazon

Bezos tuyên bố ông không muốn phòng thủ: “Mọi thứ chúng tôi làm đều dựa vào việc nhìn thấy cơ hội, hơn là lo lắng phải phòng vệ”. Bezos đánh giá Amazon và Apple có những điểm tương đồng: “Cả hai công ty đều ưa thích sáng tạo, tiên phong, hai công ty đều khởi đầu từ khách hàng… Liệu hai công ty như Amazon và Apple có khi nào dẫm lên chân nhau để bước đi? Có”.

Amazon đã vượt nhanh hơn bất cứ công ty công nghệ nào khác trong cuộc đua bắt kịp Apple ở mảng nội dung số. Amazon giới thiệu kho phim và chương trình ti-vi trực tuyến năm 2006, thư viện sách điện tử Kindle năm 2007, kho nhạc MP3 năm 2008. Đầu năm nay, Amazon lại hướng tầm nhìn vào Netflix với dịch vụ truyền Video tức thời miễn phí cho người dùng Amazon Prime. Kho âm nhạc và video không có nhiều thành công nổi bật, nhưng điều này có thể thay đổi với Kindle Fire. Trên máy tính bảng này, các ứng dụng sẽ mang lại ấn tượng mạnh cho người dùng về các bài hát, chương trình truyền hình, phim ảnh có được chỉ nhờ một cú nhấp chuột.

Thành công của Apple với iPod đã dạy cho toàn ngành công nghiệp một bài học lớn: đã có các máy nghe nhạc kĩ thuật số trên thị trường từ những năm 1990, nhưng thiết bị của Apple – được pha trộn giữa phần cứng, phần mềm, và thậm chí và cả dịch vụ trực tuyến iTunes – đã giúp người dùng phi công nghệ trải nghiệm cảm giác đơn giản và thích thú.

Với Kindle Fire, Bezos đang làm điều tương tự Steve Jobs: vấn đề nội dung. Sự đơn giản chính là chìa khóa. Làm thế nào các công ty cho phép khách hàng mua bài hát, phim, hàng hóa số khác một cách dễ dàng? Họ thuyết phục khách hàng tin tưởng mình bằng thẻ tín dụng – cả Amazon và Apple đều làm điều này. Làm thế nào để chắc chắn thiết bị dễ sử dụng? Họ thiết kế và tự mình xây dựng nó.

Amazon đang “bắt nạt” mọi người

Với những người đang cạnh tranh với Amazon, Kindle Fire ra mắt không phải tin tốt lành. Kevin Ryan, đồng chủ sở hữu Green Apple Books – hiệu sách 44 năm tuổi tại San Francisco, cho rằng việc Amazon hạ giá sách vượt ngoài tầm xử lí của ông. Amazon cũng kí hợp đồng xuất bản độc quyền với nhiều tác giả lớn, và dù có được in ra sách truyền thống, các nhà bán lẻ vẫn bị đe dọa. “Họ đang bắt nạt chúng tôi. Tôi nghĩ họ thực sự muốn được độc quyền”, Ryan nói từ cửa hàng rộng 2.400m2 đang chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm lớn trong thập kỉ qua.

Một liên minh các công ty cạnh tranh với Amazon, nhìn thấy Kindle Fire sẽ càng khiến công việc của họ khó khăn hơn: “Nó là một dạng tập trung quyền lực. Nếu chúng tôi đã e ngại vì Amazon trong thế giới web, chúng tôi hoàn toàn sợ họ trong thế giới máy tính bảng”, Fiona Dias, Tổng giám đốc liên minh này cho biết.

Không phải chỉ các đối thủ cạnh tranh đang đánh giá sự thống trị của Amazon, các nhà làm luật, báo chí, và thậm chí cả khách hàng cũng bắt đầu đo đếm sự phát triển của Amazon so với tác động lên cộng đồng, thương mại, thị trường việc làm địa phương. Nancy Koehn cho rằng cuối cùng Amazon đã đủ lớn để mọi người bắt đầu xem xét hậu quả - cho thị trấn, trung tâm mua sắm, việc làm – trong một thế giới thống trị bởi mua sắm trực tuyến. Bà đã thảo luận về Amazon trên sóng phát thanh Wisconsin Public Radio, và vô cùng ngạc nhiên khi phần lớn cuộc gọi từ bạn nghe đài là chỉ trích Amazon: “Người Mỹ vô cùng lo lắng về quyền lực tập trung ảnh hưởng tới cộng đồng của họ. Chúng ta có thể lo lắng về sự lớn mạnh, nhưng không muốn sự thuận tiện, giá cả phải được sự cho phép của sự lớn mạnh ấy”.

Bezos đã đổ nhiều mồ hôi cho từng chi tiết trên Kindle Fire, và rõ ràng ông làm đúng, đặc biệt khi ông chuyển hướng cạnh tranh từ các hãng bán lẻ truyền thống sang gã khổng lồ công nghệ như Apple. Bezos lạc quan: “Tôi tin rằng ngành công nghiệp này sẽ phát triển lớn mạnh, và có nhiều người chiến thắng. Khi nhìn vào một thứ như Kindle Fire, điều tôi muốn là trở thành một trong những nhà vô địch”.

Theo Du Lam (ICTnews / BusinessWeek)

Đọc thêm