7 sự kiện TT-TT dưới góc nhìn của Sở TT&TT TP.HCM

7 sự kiện TT-TT dưới góc nhìn của Sở TT&TT TP.HCM ảnh 1

Sở TT&TT tổ chức hội nghị về trò chơi trực tuyến và công bố 7 sự kiện TT&TT tiêu biểu của năm 2010.

Sáng hôm qua (5/1), trong khuôn khổ Hội nghị quản lý trò chơi trực tuyến do Sở TT&TT TPHCM tổ chức, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT&TT công bố 7 sự kiện TT-TT nổi bật do Sở này bình chọn trong năm qua.

1. Các sự kiện nóng trên mặt báo, đồng thời làm sôi động nghị trường

Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Vinashin chao đảo, thủy điện gắn với lũ chồng lũ ở miền Trung tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng và được các đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ.

Hố tử thần – danh từ mới được báo chí dùng để đặt tên cho các hố sâu đột nhiên xuất hiện với số lượng lớn chưa từng có trên các con đường ở thành phố Hồ Chí Minh cũng được các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đốt nóng ghế ngồi của lãnh đạo ngành giao thông.

2. Siết chặt quản lý trò chơi trực tuyến bạo lực

Mặt trái của của trò chơi trực tuyến đã tác động xấu đến xã hội, gây bức xúc cho cử tri trong cả nước. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII (tháng 6/2010), các đại biểu Quốc hội đã đưa vấn đề trò chơi trực tuyến ra chất vấn các thành viên Chính phủ. Tiếp theo đó, tại rất nhiều tỉnh/thành, lần đầu tiên Hội đồng nhân dân chất vấn giám đốc Sở TT&TT về quản lý trò chơi trực tuyến bạo lực.

Thành phố Hồ Chí Minh đã hành động kiên quyết để loại bỏ game bạo lực. Đã có 20 trò chơi ngừng hoạt động, trong đó có 18 trò chơi có nội dung bạo lực. Gần 30 trò chơi khác đã được Sở TTTT TP.HCM yêu cầu cắt bỏ các yếu tố bạo lực trước ngày 01/4/2011. Các đại lý Internet không được cung cấp trò chơi trực tuyến trong 10 giờ/ngày (từ 10 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau). 

3. Bùng phát video clip bạo lực trên mạng

Các clip quay cảnh nữ sinh đánh nhau, nữ sinh hành hạ nữ sinh tràn ngập trên mạng. Cảnh quay bảo mẫu hành hạ trẻ em gây phẫn nộ trong xã hội. Ngoài các clip về các hành vi bạo lực, các đoạn băng ghi hình công an bắt mại dâm, đột kích vũ trường cũng gây xôn xao dư luận.

4. Nghịch lý trong phát triển viễn thông

Ứng dụng công nghệ mới (công nghệ 3G) nhưng giá cước vẫn liên tục giảm. Trong khi các ngành như điện, nước xin tăng giá thì các doanh nghiệp viễn thông lại xin … giảm giá. Giảm giá nhưng doanh nghiệp viễn thông lại là đơn vị nộp thuế nhiều nhất mà không phải là doanh nghiệp dầu khí hay kinh doanh bất động sản. Giá cước giảm, thị trường có dấu hiệu bão hòa nhưng doanh số của ngành viễn thông lại tăng mạnh trong năm 2010. Đây thực sự là một nghịch lý của lĩnh vực viễn thông trong thị trường hiện nay.

Rút vốn, mua lại cổ phần cũng là những động thái mới trong ngành viễn thông. Trong khi SK rút khỏi S-Fone thì FPT mua lại trên 50% cổ phần của EVN Telecom.

5. Bản quyền truyền hình: nóng K+, lạ AVG

Mặc dù kinh doanh đúng luật với phân khúc thị trường hàng cao cấp là truyền hình trực tiếp Super Sunday của giải bóng đá Anh, giải vô địch quốc gia Ý… nhưng K+ vẫn bị nhiều người, nhiều cơ quan báo chí phản đối. Thật khó cho người tiêu dùng bình dân trả tiền giá cao cho món hàng “xa xỉ” nhưng lại quá quen thuộc và đã từng được dùng hầu như miễn phí.

Độc quyền bán hàng cao cấp là việc rất bình thường nhưng độc quyền cung cấp món ăn dùng cho mọi người thì mới là sự lạ. Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã ký hợp đồng về bản quyền truyền hình với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thời hạn đến 20 năm. Bản quyền 20 năm cũng là điều rất không bình thường.

Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam vận động ký tên và có Thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự bất bình và phản đối trước sự độc quyền phát sóng của kênh truyền hình K+ nhưng vẫn chưa lo ngại về bản quyền giải bóng đá Việt Nam của AVG.

6. Tin tặc tấn công báo điện tử

Báo điện tử VietnamNet bị tin tặc tấn công liên tiếp trong 3 lần, ngày 06/11, 22/11 và 06/12. Kẻ xấu đã xâm nhập hệ thống, thay đổi giao diện, kiểm soát được hệ thống máy chủ và xóa đi nhiều dữ liệu. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chuyên môn vẫn chưa tìm ra được đầu mối gây ra vụ tấn công trên.

7. Hội sách, sách lậu và lịch bloc

Lĩnh vực xuất bản cũng không kém phần sôi động trong năm 2010. Hội sách thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thành công với những kỷ lục mới về số sách được bán, lượt người tham gia và doanh thu. Các cơ quan chức năng đã xử lý vụ in gần 1 triệu sách lậu tại thành phố Hồ Chí Minh. Vụ này cũng lập kỷ lục mới về số sách in lậu bị thu giữ, về độ phức tạp của vụ án.

Thị trường lịch bloc năm 2011 xuất hiện yếu tố bất ngờ khi Hội Xuất bản Việt Nam muốn quay trở lại thời “độc quyền” bằng việc đặt ra định mức 16,2 triệu bloc lịch cho cả nước và áp đặt mỗi NXB không được làm ra quá 270.000 bloc lịch. Sở TT&TT thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Cục Xuất bản xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản lịch bloc năm 2011 cho các NXB theo số lượng định mức (do Hội Xuất bản đưa ra) là “không đúng pháp luật và có biểu hiện tùy tiện”.

Theo Lê Mỹ (ICTnews)

Đọc thêm