7 sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật năm 2009

7 sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật năm 2009 ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cam kết đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT tại Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR 2009) diễn ra Hà Nội từ 26-28/8/2009. Ảnh: Thanh Hải (tư liệu)

1. Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên tuyên bố đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trong buổi làm việc với Viettel vào ngày 13/3/2009. Từ chủ trương này, Bộ TT&TT đã soạn thảo Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT. Đề án đặt mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong 70 quốc gia hàng đầu về CNTT vào năm 2015 và trong số 60 quốc gia vào năm 2020. Đề án đã được trình Thủ tướng ký quyết định ban hành.

Năm 2009, vị thế CNTT-VT Việt Nam cải thiện mạnh mẽ trên trường quốc tế với việc được xếp hạng là một trong 10 quốc gia phát triển CNTT nhanh nhất thế giới, lọt vào top 10 quốc gia gia công phần mềm hàng đầu châu Á, được World Bank đánh giá là một điển hình về thành quả ứng dụng ICT tốt hơn so với thu nhập thực tế.

2. Việt Nam chính thức cung cấp dịch vụ 3G

7 sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật năm 2009 ảnh 2
VinaPhone là mạng di động đầu tiên cung cấp 3G tại Việt Nam.

Việc cấp phép và triển khai mạng di động băng rộng tốc độ cao 3G là một bước ngoặt của ngành viễn thông Việt Nam. Việt Nam chỉ cấp 4 giấy phép 3G và VinaPhone là chủ sở hữu giấy phép đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G vào ngày 12/10. Các dịch vụ 3G chính là thoại thấy hình (video call), truy cập Internet băng rộng di động (trực tiếp trên di động và truy cập trên máy tính qua sóng di động) và truyền hình di động. Với băng thông rộng tốc độ cao, 3G được các mạng di động coi là giải pháp chống nghẽn mạng, tăng doanh thu, đồng thời mở ra cơ hội cho sự phát triển của ngành nội dung trên di động, góp phần kích thích phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, để được mang dấu ấn đầu tiên, VinaPhone cũng phải trả giá là trong một thời gian chuyển giao 2G-3G, nhiều thuê bao của VinaPhone thường xuyên gặp tình trạng nghẽn mạng, rớt sóng, sóng 3G “nuốt” sóng 2G. Những người đi sau đã ngay lập tức rút ra được bài học này và xử lý vấn đề dường như tốt hơn. Sau VinaPhone, đến lượt MobiFone chính thức công bố cung cấp dịch vụ 3G nhưng hầu như không có phàn nàn về rớt sóng, nghẽn mạng, nuốt sóng.   

3. Yahoo!360 đóng cửa

Yahoo tuyên bố xóa sổ Yahoo! 360 vào ngày 13/7 trên toàn thế giới và người dùng Yahoo!360 Việt Nam có thể chuyển sang dịch vụ blog Yahoo! 360 Plus dành cho người dùng Việt Nam. Việc đóng cửa dịch vụ này là sự kiện chấn động với cư dân mạng Việt Nam, bởi đây là dịch vụ khai sinh ra phong trào viết blog ở Việt Nam với số người dùng lên đến hàng triệu. Yahoo! 360 đóng cửa, hàng loạt mạng xã hội Việt Nam như Tamtay.vn hay Zingme.vn đã mở dịch vụ mời gọi các blogger Yahoo 360 “chuyển nhà”, gồm bài viết, hình ảnh và bình luận. Tuy nhiên, sự ra đi của Yahoo! 360 vẫn chưa phải là cơ hội thực sự cho mạng xã hội trong nước trong khi các mạng xã hội nước ngoài như Facebook đã có lượng người dùng từ Việt Nam tăng chóng mặt.

4. Bkis phát hiện “đầu não” tấn công website Mỹ, Hàn

Giữa tháng 7, Trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (Bkis) đã gây sự chú ý của báo chí quốc tế khi tuyên bố phát hiện ra đầu não thực hiện các cuộc tấn công vào website chính phủ Mỹ và Hàn Quốc. Qua phân tích mã độc, Bkis phát hiện một máy tính ở Anh đã điều khiển mạng botnet tấn công vào các website chính phủ Mỹ, Hàn. Thế nhưng phát hiện của Bkis đã gây sự chú ý theo chiều hướng khác ở Việt Nam sau khi công văn nhắc nhở Bkis của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính quốc gia (VNCERT) được phát tán trên các diễn đàn mạng. Công văn của VNCERT cho rằng Bkis đã phạm luật khi thừa nhận tấn công vào các máy chủ tấn công website Mỹ, Hàn; Bkis có thể làm tội phạm chuyển hướng tấn công Việt Nam hay đây là sự kiện nhạy cảm không nên công bố rộng rãi… Sau đó, hàng loạt diễn đàn mạng bàn luận “công và tội” của Bkis trong phát hiện này. Sự việc này chỉ chấm dứt sau khi Bộ TT&TT lên tiếng chính thức cho rằng cả Bkis, VNCERT đều có thiếu sót và cần rút kinh nghiệm.

5. Game do Việt Nam phát triển đầu tiên ra mắt

Sau ba năm phát triển, game trực tuyến Thuận Thiên Kiếm của VinaGame đã trở thành game trực tuyến “Made in Vietnam” đầu tiên ra mắt. Mặc dù nhà phát triển thừa nhận Thuận Thiên Kiếm “có sự vay mượn” mã nguồn nước ngoài nhưng đây vẫn được đánh giá là bước khởi đầu cho sự phát triển của game thuần Việt. Ngoài VinaGame, một số nhà phát hành game khác như VTC Intecom cũng đang ấp ủ dự án phát triển game bắn súng. Tính đến nay, các nhà phát hành game Việt Nam đã nhập khẩu hơn 40 tựa game nước ngoài về phát hành tại Việt Nam.

6. Điện lực đột ngột tăng giá thuê cột điện, viễn thông kêu cứu 

7 sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật năm 2009 ảnh 3

Các mạng viễn thông vẫn bất bình với việc EVN tăng giá cột điện.

Tháng 3/2009, các công ty viễn thông VNPT, Viettel và SPT đồng loạt kiến nghị lên Bộ TT&TT có “tiếng nói” về việc EVN bất ngờ tăng giá thuê cột điện để treo cáp viễn thông từ 4-8 lần.

EVN vẫn giữ quan điểm tăng giá thuê cột điện với các mạng viễn thông. Chi nhánh điện lực ở các địa phương liên tục gây sức ép, yêu cầu các mạng viễn thông làm hợp đồng thuê cột theo giá mới. Không chấp nhận giá thuê cột mới, VNPT bắt đầu dựng cột riêng ở một số địa phương. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó, EVN ở nhiều địa phương tiến hành cắt dọn cáp và cắt luôn cả cáp viễn thông đang sử dụng. Cuối cùng, VNPT phải ‘kêu cứu’ lên Bộ Công thương và Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN ngừng cắt dọn cáp và giải trình cơ sở tăng giá trước ngày 5/1.

Tăng giá thuê cột điện không chỉ đơn thuần là quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp mà liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Sự can thiệp của Bộ Công Thương tuy muộn nhưng cần thiết để thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác quản lý điều hành của nhà nước và nhu cầu sử dụng của người dân.

7. Viettel khai trương dịch vụ ở Lào, Campuchia

Năm 2009, Viettel đã khai trương dịch vụ di động tại Campuchia (tháng 2) và Lào (tháng 11) thông qua hợp tác liên doanh với công ty viễn thông bản địa. Viettel cho biết sẽ đầu tư khoảng 83 triệu USD cho thị trường Lào trong giai đoạn đầu. Trong tháng 8, Công ty Viettel Cambodia Pte (VTC) đã ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng đầu tư phát triển vay 40 triệu USD để đầu tư mở rộng kinh doanh tại Campuchia. Báo chí loan tin Viettel đã đánh tiếng sẽ đầu tư 300 triệu USD vào một mạng di động ở Bangladesh. Năm 2009 cũng là năm đánh dấu đầu tư ra nước ngoài của VTC. Trong năm 2009, VTC đã phát hành game tại Campuchia, Hàn Quốc và Lào.

Theo ICTnews

Đọc thêm