5 chiêu trò đánh cắp tài khoản Facebook bạn nên biết

1. Quảng cáo độc hại trên Facebook

Ngoài việc gây phiền nhiễu, đôi khi quảng cáo khiến máy tính của bạn bị nhiễm phần mềm độc hại. Trong những năm gần đây, Facebook đã liên tục thắt chặt an ninh trên nền tảng phân phối quảng cáo, tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp kẻ gian lách luật để vượt qua những hạn chế kể trên. 

quang-cao-doc-hai-facebook

Quảng cáo độc hại trên Facebook. Ảnh: Twitter

Đa số các loại phần mềm độc hại sau khi xâm nhập thành công vào hệ thống sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu cá nhân, thông tin đăng nhập, tài khoản ngân hàng… của bạn.

2. Email lừa đảo

Email là một trong những hình thức lừa đảo khá phổ biến bên cạnh tin nhắn. Thông thường, kẻ gian sẽ đặt tiêu đề email và phần nội dung gây tò mò để lừa người dùng tải về tệp đính kèm hoặc nhấp vào liên kết trong email.

Ví dụ như tài khoản Facebook của bạn sẽ bị khóa trong vòng 07 ngày nếu không thực hiện việc kích hoạt lại (yêu cầu nhấp vào liên kết trong email và đăng nhập). 

email-lua-dao

Email là một trong những hình thức phát tán mã độc phổ biến hiện nay. Ảnh: Shutterstock

Bên cạnh đó, kẻ gian còn sử dụng các thông tin trên Facebook của bạn để tăng thêm độ tin cậy. Để hạn chế, người dùng nên hạn chế đăng tải các thông tin riêng tư lên Facebook (ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại…), đồng thời ẩn bớt những dữ liệu không cần thiết bằng cách chuyển mọi thứ về chế độ Only me (chỉ mình tôi) hoặc xóa hoàn toàn. 

3. Liên kết độc hại

Messenger là một trong những ứng dụng nhắn tin có lượng người sử dụng nhiều nhất hiện nay, đó cũng chính là lý do tại sao phần mềm này bị kẻ gian lợi dụng để phát tán liên kết độc hại.

Để hạn chế bị mất tài khoản Facebook, bạn không nên nhấp vào các liên kết đáng ngờ trên Messenger, kể cả khi nó được gửi từ tài khoản của bạn bè (không loại trừ trường hợp tài khoản đó đã bị xâm phạm).

messenger

Liên kết độc hại được gửi qua Messenger. 

Không đăng nhập tài khoản Facebook trên bất kỳ trang web nào ngoại trừ Facebook, chú ý kỹ phần địa chỉ trang web trước khi đăng nhập.

4. Các ứng dụng câu đố và giải trí

Chỉ vài tuần sau khi vụ bê bối Cambridge Analytica nổ ra, các nhà nghiên cứu lại tiếp tục phát hiện ứng dụng myPersonality thu thập thông tin người dùng và để lộ do bảo mật lỏng lẻo.

Ngoài việc thu thập dữ liệu, những ứng dụng này đôi khi còn được sử dụng để phát tán phần mềm độc hại hoặc đánh cắp thông tin đăng nhập. Nhiều người không ngần ngại cho phép các ứng dụng câu đố, trò chơi… sử dụng thông tin cá nhân trên Facebook. 

go-bo-ung-dung-tren-facebook

Gỡ bỏ các ứng dụng không cần thiết trên Facebook. Ảnh: MINH HOÀNG

Để hạn chế, bạn có thể thu hồi quyền hạn của các ứng dụng bằng cách truy cập vào phần Settings & Privacy (cài đặt và quyền riêng tư) - Settings (cài đặt) trên Facebook. Sau đó tìm đến mục Websites & Apps (trang web và ứng dụng), đánh dấu vào các ứng dụng không cần thiết và nhấn Remove (gỡ).

Nếu đang sử dụng Facebook trên điện thoại, người dùng chỉ cần thực hiện tương tự.

5. Các bài đăng lừa đảo trên News Feed (bảng tin)

Facebook là nơi để mọi người chia sẻ thông tin với nhau, tuy nhiên, không phải tất cả nội dung đều thực sự hữu ích.

Thay vì dựa vào quảng cáo trên Facebook, kẻ gian sẽ chia sẻ các bài đăng có chứa liên kết độc hại trên News Feed (bảng tin) hoặc trang cá nhân.

Khi nhấp vào liên kết trong bài đăng, nó sẽ cố gắng chuyển hướng bạn đến các trang web độc hại hoặc trang đăng nhập Facebook giả mạo.

Nếu nhẹ dạ làm theo, tài khoản của bạn sẽ sớm bị mất quyền kiểm soát, trong trường hợp có sử dụng bảo mật hai lớp, kẻ gian vẫn có thể sử dụng thông tin cá nhân của bạn để bán lại cho các bên quảng cáo thứ ba.

dang-nhap-facebook

Hy vọng với những mẹo nhỏ mà Kỷ Nguyên Số vừa nêu trên, bạn đọc có thể tự bảo vệ tài khoản Facebook tốt hơn, hạn chế tình trạng mất quyền kiểm soát và trở thành công cụ phát tán phần mềm độc hại.

Đọc thêm