2011-2020: CNTT-TT sẽ tập trung vào 3 "đột phá"

2011-2020: CNTT-TT sẽ tập trung vào 3 "đột phá" ảnh 1

Ngành CNTT-TT thời gian tới sẽ tập trung vào 3 đột phá để tăng tốc.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị và triển khai Đề án sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT vào ngày 3/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng "Chỉ thị 58 đã đưa vị trí của CNTT Việt Nam trên thế giới 'từ không thành có'.

Theo Phó Thủ tướng, trong 10 năm vừa qua, ngành CNTT cơ bản đã đạt được một số mục tiêu cơ bản của Chỉ thị 58.

CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong xã hội và là ngành có tăng trưởng cao, khoảng 20-25% mỗi năm. Sau 10 năm phát triển, công nghiệp CNTT và viễn thông đã đạt 13 tỷ USD trong năm 2009, tăng gấp 15 lần so với năm 2000 và đóng góp khoảng 6,7% tổng GDP cả nước. Dự kiến trong năm 2010, công nghiệp CNTT và viễn thông sẽ đạt 16 tỷ USD.

Năng lực đào tạo nhân lực ngành CNTT cũng tăng khoảng 5 lần với 50.000 chỉ tiêu sinh ngành CNTT-TT mỗi năm. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng có nhiều tiến bộ với số lượng văn bản pháp luật tương đối đầy đủ.

Ứng dụng chưa đều, công nghiệp lúng túng

Mặc dù phát triển 'từ không thành có' nhưng theo Phó Thủ tướng, ngành này đang tồn tại nhiều hạn chế cần sớm khắc phục để đưa Việt Nam tăng tốc thành nước mạnh về CNTT-TT.

Hạn chế đầu tiên, theo Phó Thủ tướng, là nhận thức và sự quan tâm đối với ứng dụng CNTT chưa đồng đều. Điều này được thể hiện ở sự chênh lệch trong việc trang bị và sử dụng máy tính của các cán bộ công chức ở các cơ quan nhà nước. Ví dụ ở khối các bộ ngành, nhiều bộ như Bộ Tài chính hay Bộ Công thương có 100% công chức được trang bị máy tín trong khi đó có một số bộ như Bộ Y tế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ có 35-60% cán bộ có máy tính.

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở các cơ quan quản lý địa phương. Điện Biên là tỉnh miền núi xa xôi, rất nghèo nhưng tỷ lệ viên chức có máy tính là 100%. Trong khi đó, Lai Châu, sát ngay Điện Biên, lại chỉ có 50% cán bộ có máy tính. Hay vùng đồng bằng sông Hồng, Hải Dương có tỷ lệ cán bộ công chức dùng máy tính đạt 100% nhưng “hàng xóm” của Hải Dương là Nam Định chỉ có 64%, Hà Nam 33%, Thái Bình 6%. Hoặc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 100% cán bộ công chức của Đồng Tháp có máy tính, An Giang 24%, Cà Mau là 6 %.

Việc phát triển công nghiệp CNTT vẫn mang tính tự phát cao, vai trò hỗ trợ dẫn dắt nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển, các chính sách, đánh giá và điều chỉnh chính sách với công nghiệp CNTT còn chậm.

“Trong thời gian tới, chúng ta phải sửa mạnh hạn chế này. Tốc độ sửa càng chậm bao nhiêu thì sẽ càng ảnh hưởng chung đến sự phát triển của ngành CNTT”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành CNTT còn hạn chế mặc dù đã có các hiệp hội. Phát triển công nghiệp phần cứng cũng đang lúng túng, hầu hết giá trị ngành này thuộc về các công ty nước ngoài và chỉ có một công ty Việt Nam duy nhất ở quy mô khá là CMS về sản xuất máy tính. Hơn nữa, ngành CNTT cũng có rất ít những sản phẩm mang tầm cỡ quốc gia.

Việc phát triển phần mềm mã nguồn mở dù nói khá nhiều nhưng tốc độ đạt được còn hạn chế. Đây là hạn chế, theo Phó Thủ tướng, "nếu sắp tới không có sự đầu tư thỏa đáng thì Việt Nam sẽ còn phải chi rất nhiều tiền để mua các phần mềm bản quyền".

Tập trung vào 3 "đột phá"

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT vừa được Chính phủ duyệt đã nêu ra nhiều giải pháp cụ thể để phát triển nhưng chưa nêu được những bước đột phá.

Theo Phó Thủ tướng, ngành CNTT-TT cần phát triển có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào 3 điểm đột phá.

Điểm đột phá đầu tiên là về quản lý nhà nước. Theo Phó Thủ tướng, nhà nước phải tham gia vào việc nhân rộng mô hình hiệu quả cao để có nhiều người, nhiều công ty và địa phương đạt hiệu quả cao; có cơ chế và chính sách để các doanh nghiệp tham gia các dự án CNTT-TT lớn theo hình thức hợp tác công – tư; nghiên cứu tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông.

Bên cạnh đó, ngành CNTT-TT cần thiết lập cơ chế đối thoại định kì 6 tháng 1 lần giữa nhà nước, các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để có sự điều chỉnh kịp thời về chính sách.

Trong năm 2011, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT phải dứt điểm việc xây dựng đề án chế độ thu nhập cho các cán bộ chuyên trách về CNTT trong hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương cho đến địa phương.

Đột phá thứ hai là tập trung phát triển các doanh nghiệp và các sản phẩm quốc gia. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp lớn để trở thành những doanh nghiệp đầu đàn trong cả nước và tạo thành thương hiệu quốc tế khi bước ra nước ngoài. Các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ tiếp thị, nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm và xây dựng phòng thí nghiệm.

Các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực CNTT cũng sẽ được khuyến khích sáp nhập để tăng quy mô cạnh tranh và được hỗ trợ về đào tạo kỹ năng quản lý. 

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, những sản phẩm hiện nay xấp xỉ thương hiệu quốc gia hoặc những sản phẩm đã vươn ra thế giới như BKAV sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước để sớm trưởng thành và có vị trí quốc tế. Các sản phẩm mới cũng sẽ được tạo cơ hội để tham gia vào danh mục sản phẩm quốc gia. 

Đột phá thứ ba là phát triển nhân lực. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết chính phủ sẽ đặt hàng một đơn vị đứng ra thống kê và khảo sát nhu cầu nhân lực CNTT với hy vọng tạo ra liên kết chặt chữa giữa cung và cầu. Theo Phó Thủ tướng, ngành CNTT đang thiếu một cơ quan đứng ra thống kê dự báo về nhân lực CNTT trên các lĩnh vực như phần mềm, phần cứng, dịch vụ và dự kiến cần bao nhiêu nhân lực.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực CNTT và viễn thông như Viettel và CMC nên có các trung tâm đào tạo nhân lực cho mình cũng như xã hội. Hiện nay, mới chỉ có FPT và VNPT có trường đào tạo nhân lực riêng.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ sớm hình thành một hội đồng hiệu trưởng và các trưởng khoa của các trường đào tạo CNTT trên cả nước để thống nhất về chương trình đào tạo, chuẩn đào tạo và liên thông.

Theo Duy An – Nguyễn Khiêm (ICTnews)

Đọc thêm