20 năm vẫn tranh cãi chuyện đặt dấu

20 năm vẫn tranh cãi chuyện đặt dấu ảnh 1

“Chuyện lớn” của giới CNTT

Đối với nhiều người Việt Nam, chuyện đặt dấu rất đơn giản, nhưng đối với giới CNTT lại là một “chuyện lớn”, không thể “để đâu cũng được”, bởi khi tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu, việc đặt dấu sẽ cho ra các kết quả khác nhau về số lượng tìm kiếm. Chẳng hạn cùng là chữ hoà nhưng nếu đặt dấu huyền trên chữ o (òa) thì sẽ có số lượng khác với đặt dấu huyền trên chữ a (oà).

TS. Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục & Đào tạo nhắc lại đầu những năm 1990, Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đã tổ chức gặp gỡ giữa các nhà ngôn ngữ học và các nhà CNTT để trao đổi vấn đề chính tả, đặt dấu. Tất cả đều đã thống nhất một phương án chung, nhưng để ra văn bản quy phạm chính thức quy định về việc đặt dấu thì đến nay vẫn chưa làm được.

Cách đây 2 năm, Bộ TT&TT đã “xới” lại vấn đề nêu trên. Rất nhiều ý kiến đã kêu gọi Bộ TT&TT phải chuẩn hoá. Bởi khi cơ sở dữ liệu ngày càng lớn mà không có sự thống nhất thì sẽ rất phức tạp và giảm hiệu quả công việc. Song đến giờ mong muốn vẫn chưa trở thành hiện thực.

Theo quan điểm của một người vốn từng là “dân” xử lý âm thanh tiếng nói, ông Ngọc chia sẻ: Nếu để “òa” cho vào máy tính để phát âm thì không thể ra chữ “òa”. Nhưng nếu để “oà” thì chắc chắn sẽ phát âm ra chữ “òa”. Dân xử lý tín hiệu thì có thể soi được dấu huyền nằm ở chữ “a”. Vì vậy, đối với các cặp nguyên âm như oa, oe, uy, thì dấu phải để trên phụ âm thứ 2.

Tuy nhiên, nhiều nhà ngôn ngữ học vẫn phản đối với lý do để dấu như vậy không đảm bảo tính mỹ học của tiếng Việt. Thực tế hầu hết từ điển Tiếng Việt vẫn để dấu ở nguyên âm thứ nhất - dấu huyền để trên chữ “o” (òa).

Không ít ý kiến cho rằng CNTT chỉ là công cụ, và hoàn toàn có thể “sinh” ra các phần mềm đáp ứng các yêu cầu của tiếng Việt, hay nói cách khác là không thể chỉ vì CNTT mà thay đổi tiếng Việt.

Đang có một “khoảng vênh”

Cùng với câu chuyện về đề xuất thêm 4 ký tự F, J, W, Z vào bảng chữ cái đã và vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi, câu chuyện đặt dấu lần này tiếp tục cho thấy giữa 2 giới CNTT và ngôn ngữ đang có một “khoảng vênh” không có lợi cho sự phát triển của cộng đồng xã hội.

TS. Dương Kỳ Đức, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chia sẻ: CNTT và Ngôn ngữ học giống như hai mặt của một tờ giấy. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan và chủ quan, hiểu biết về CNTT của các nhà ngôn ngữ học còn hạn chế. Ngôn ngữ học vẫn chỉ quanh quẩn ở những câu chuyện truyền thống, tách rời khỏi hơi thở hiện đại, minh chứng điển hình là các nhà ngôn ngữ học vẫn đang “bỏ quên” không đặt ra vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ của CNTT. Những người “trùm sò” về ngôn ngữ học không hiểu chắc về CNTT thì giới nghiên cứu ngôn ngữ học trẻ tuổi sẽ không làm, hoặc không dám làm, dẫn đến khoảng cách về CNTT và ngôn ngữ học sẽ ngày càng xa.

Thực tế đang rất cần có những nhà ngôn ngữ học có hiểu biết về CNTT cũng như các nhà CNTT hiểu biết về ngôn ngữ học. Và cần sớm có một hội đồng liên ngành ngôn ngữ học và CNTT.

Các nhà ngôn ngữ cũng như các nhà khoa học Việt Nam nói chung, “luyện võ” lâu nhưng chưa “hạ sơn”, coi nhu cầu của xã hội không phải là vấn đề đáng quan tâm. Nên chăng mỗi người cần tự tìm ra vị trí của mình và tự xác định công việc cần làm, những thành quả có thể đóng góp chứ không cần phải ngồi chờ người khác mời hợp tác. Riêng đối với vấn đề đặt dấu trên các cặp nguyên âm, giới CNTT không nên chờ đợi ngành ngôn ngữ mà nên chủ động hơn.

Ông Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện CNTT

Hiện vẫn không có cơ quan quản lý Nhà nước nào chịu trách nhiệm về chuyện 20 năm vẫn đang tranh cãi một vấn đề “dấu nằm ở đâu”. Trong bối cảnh này, ngành CNTT và ngành ngôn ngữ học cần phối hợp để cùng nghiên cứu. Nên tránh chuyện giới CNTT thì nói các nhà ngôn ngữ học không quan tâm, còn các nhà ngôn ngữ học lại nói giới CNTT không biết gì. VAYSE sẵn sàng đứng ra tìm nguồn tài trợ cho các dự án nghiên cứu như vậy, không trông chờ vào ngân sách Nhà nước.

Ông Nghiêm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE)

Theo Việt Hà (ICTnews)

Đọc thêm