15/2 sẽ trả lời việc giải chấp tiền cọc 3G

“Đề nghị Bộ sớm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, không để kéo dài hơn nữa”, Phó Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết 2011 của Bộ TT&TT.

15/2 sẽ trả lời việc giải chấp tiền cọc 3G ảnh 1

Trước đó, ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT đã nêu lại vấn đề giải chấp tiền đặt cọc 3G trong bài phát biểu của mình. Theo ông Hùng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp rất thiếu vốn để mở rộng kinh doanh, hoạt động, mạng lưới. Trong khi đó, số tiền đặt cọc vẫn nằm im trong ngân hàng và hưởng lãi suất rất thấp, lại chưa thể rút ra. “Khi quá cần vốn, doanh nghiệp lại phải đi vay vốn với lãi suất cao”.

Theo ông Hùng, các doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ sớm cho phép giải chấp số tiền đặt cọc khi thi tuyển cấp phép 3G nhưng “vẫn chưa được”.

Số tiền mà các doanh nghiệp đã đặt cọc khi thi tuyển 3G lên tới 8.100 tỷ đồng. Trong năm 2011, Bộ mới thực hiện giải chấp được 50% số tiền nói trên.

Nóng Quỹ viễn thông công ích

Bên cạnh vấn đề giải chấp tiền cọc 3G thì hoạt động của Quỹ viễn thông công ích cũng là chủ đề nóng mà các “ông lớn” như VNPT và Viettel đặt ra tại sự kiện sáng nay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho rằng cần xem xét lại hướng hoạt động và tôn chỉ, mục tiêu của Quỹ. Trước đây, quỹ nhằm đẩy mạnh việc phổ cập điện thoại cố định đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và người dân có thu nhập thấp. Nhưng trong bối cảnh mới, phát triển phần cứng không còn quá quan trọng thì mục tiêu khuyến khích “phát triển ngành” cụ thể là phát triển gì? Theo ông Hùng, trong thời gian tới, Quỹ viễn thông công ích nên đẩy mạnh hỗ trợ cho các thiết bị đầu cuối giá rẻ, đặc biệt là USB 3G, máy tính giá rẻ do trong nước sản xuất hay thúc đẩy phát triển các nội dung bằng tiếng Việt.

Trong khi đó, ông Vũ Tuấn Hùng lại kiến nghị Quỹ cần công khai cụ thể từ đầu năm về mức kinh phí hàng năm mà doanh nghiệp phải nộp. Mức lợi nhuận mà doanh nghiệp nhận lại từ quỹ là bao nhiêu? “Tất nhiên quy hoạch chi tiết quá cũng khó nhưng chung chung quá thì doanh nghiệp cũng khó thực hiện”, ông Hùng phân tích.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm và quyền lợi của các doanh nghiệp, vị đại diện của Viettel cũng tỏ ra đồng tình khi cho rằng, mọi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, dù trong nước hay nước ngoài đều phải đóng góp cho Quỹ. “Đã gọi là công ích thì đòi hỏi trách nhiệm công bằng”, ông Hùng kết luận.

Trước nhiều ý kiến của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT chuẩn bị phương án cuối cùng để tháng 2 tới đây, trong cuộc họp đầu năm giữa Chính phủ với các Doanh nghiệp CNTT-VT lớn sẽ mang ra thảo luận.

Theo Trọng Cầm (VNN)

Đọc thêm