137 công nhân ngộ độc vì sản xuất màn hình iPhone

N-hexane được sử dụng để làm sạch màn hình cảm ứng cho điện thoại của Apple. Nhà máy Wintek ở Tú Châu (Trung Quốc) bắt đầu sử dụng chất này từ đầu năm 2009 sau khi nhận được đơn đặt hàng sản xuất tấm nền màn hình lớn từ hãng công nghệ Mỹ.

Apple khẳng định vụ việc này vi phạm nghiêm trọng đến sự an toàn của công nhân và đã yêu cầu đối tác dừng sử dụng chất hóa học n-hexane, cải thiện điều kiện làm việc và cam kết thanh toán chi phí y tế cho những công nhân bị ảnh hưởng.


137 công nhân ngộ độc vì sản xuất màn hình iPhone ảnh 1
Wintek dùng chất n-hexane để làm sạch màn hình.


Tuy nhiên, theo The New York Times (Mỹ), trong cuộc họp báo cuối tuần qua, hơn chục công nhân cho hay họ chưa từng nghe Apple đề cập tới chất độc này. Còn lãnh đạo tại Wintek lại ép họ và nhiều người khác thôi việc sau khi chấp nhận một khoản tiền nhằm miễn trách nhiệm y tế và pháp lý của công ty về sau. Trong khi đó, phát ngôn viên của Wintek tuyên bố không hề ép buộc công nhân nghỉ việc, thậm chí còn hứa hẹn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe lâu dài cho họ. Phát ngôn viên của Apple từ chối nói về những trường hợp ở Wintek nhưng cũng khẳng định công ty luôn kiểm tra và đảm bảo điều kiện làm việc chuẩn mực tại các nhà máy cung cấp linh kiện.  Từ 18 tháng trước, công nhân Wintek bắt đầu than phiền về tình trạng đau đầu, chóng mặt và kiệt sức. Một số gặp khó khăn khi leo cầu thang và cởi cúc áo. "Tay tôi vã mồ hôi và chân thì cứng đờ", Jia Jingchuan, 27 tuổi, cho hay. "Ban đầu, tôi không hề nghĩ triệu chứng này liên quan đến công việc". Jia Jingchuan (bên phải) cùng các đồng nghiệp. Anh này bị tổn thương dây thần kinh, nhạy cảm với cái lạnh đến mức phải mặc cả quần áo giữ nhiệt dù đang ở trong nhà mà như anh nói là "thường những người ở tuổi tôi không bao giờ mặc".Các bác sĩ sau đó phát hiện nguyên nhân là do họ bị phơi nhiễm n-hexane. Trong báo cáo tuần trước, Apple cho biết chất này không còn được sử dụng tại Wintek, nơi đang có 18.000 công nhân làm việc với mức lương trung bình 200 USD đã tính cả giờ làm thêm, nữa. Wang Mei, 37 tuổi, cho biết cô đã phải nằm viện 10 tháng vì chất n-hexane nhưng vẫn chưa nghỉ việc. "Không phải tôi muốn làm ở đây. Mà vì tôi cần đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình", Mei giải thích cô chỉ rời nhà máy sau khi biết chắc Wintek sẽ thanh toán hóa đơn y tế cho mình. Debby Chan, làm việc tại một tổ chức về quyền lao động ở Hong Kong, cho biết Apple và Wintek quá chậm chạp trong việc xử lý vấn đề. "Chúng tôi nghe nói tới chuyện này từ năm 2009. Sau vụ đình công vào tháng 1/2010, chúng tôi đến bệnh việc hỏi thăm công nhân và họ nói ban lãnh đạo Wintek tỏ ra rất thờ ơ. Khi vụ việc bị đưa lên báo chí, Apple cũng không hề đưa ra lời xin lỗi". Apple lần đầu đề cập đến chất n-hexane trong báo cáo tuần trước. Trong bản đánh giá điều kiện lao động này, "Quả táo" cũng khen ngợi nhà máy Foxconn đã có những động thái tích cực trước những vụ công nhân tự tử như tăng lương, thuê chuyên gia tư vấn tâm lý và giăng lưới tại các khu nhà ở của công nhân...
Theo Châu An (TTO, The New York Times)

Đọc thêm