10 vụ sáp nhập đình đám nhất lịch sử công nghệ (phần cuối)

10 vụ sáp nhập đình đám nhất lịch sử công nghệ (phần cuối) ảnh 1

Ảnh minh họa.

Danh sách các vụ sáp nhập đình đám dưới đây không nhằm mục đích xem thương vụ đó có giá cao hay gây nhiều tranh cãi nhất, mà tiêu chí đánh giá quan trọng nhất là mức độ ảnh hưởng của những thương vụ đó tới thế giới công nghệ như thế nào.

Lenovo - IBM

Cuối năm 2004, IBM làm rúng động ngành IT khi tiết lộ rằng họ chuẩn bị bán bộ phận máy tính cho Lenovo, một cái tên khi đó còn ít được biết đến bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Mặc dù vụ mua lại này có giá trị khá nhỏ so với những thương vụ khác tương tự, với trị giá khoảng 1,75 tỷ USD, nhưng nó có một ảnh hưởng cực lớn bởi vì IBM là công ty đã phát minh ra máy tính cá nhân và lần đầu tiên đưa sản phẩm này trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, hầu hết những người quan sát đều cho rằng vụ chuyển đổi này là tốt cho cả hai phía: Lenovo thì đang nỗ lực trở thành nhà cung cấp máy tính lớn thứ 3 trên thế giới, trong khi IBM lại có thể gạt bỏ khỏi tập đoàn một bộ phận có thời gian dài trước đó hoạt động kém hiệu quả để dành sức tập trung vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ và giải pháp công nghệ.

Kể từ khi vụ sáp nhập hoàn tất, Lenovo đã tiếp nối thành công với những thương hiệu trước đó đã gặt hái nhiều thành công là laptop ThinkPad và máy để bàn ThinkCentre, và đưa những thương hiệu này trở thành những cái tên quen thuộc trên thị trường máy tính tiêu dùng và phục vụ doanh nhân.

HP – EDS

HP hoàn thành vụ mua lại Electronic Data Systems (EDS) với giá 13,9 tỷ USD trong năm 2008 bởi vì tập đoàn này muốn đẩy mạnh phát triển bộ phận gia công của mình. Mặc dù thương vụ mua lại này nhằm vào hai trong số sáu ông lớn trong lĩnh vực gia công, nhưng dường như HP đã thiếu đi sự nhạy cảm khi làm mất đi những gì là bản sắc nhất của những công ty được sáp nhập.

EDS thuê 140 ngàn nhân viên ở 64 quốc gia và đã từng được xem như một trong số những công ty dịch vụ lớn nhất trong danh sách 500 công ty hàng đầu do Fortune xếp hạng với khoảng 2 ngàn khách hàng trước khi được mua lại.

Rất không may cho những nhân viên của EDS, HP bắt đầu ‘vung rìu’ nhanh hơn cả George Osborne khi họ dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1,8 tỷ USD chi phí thông qua việc ‘tái cơ cấu’ lại công ty con mà mình mới sáp nhập.

Khoảng 25 ngàn nhân viên của EDS phải nghỉ việc và niềm tin của những nhân viên ở lại bị đánh cách khi một số người được thông báo rằng họ sẽ bị cắt giảm khoảng 30% thu nhập. Trong một nỗ lực bắt đầu quá trình cải tổ, HP quyết định bỏ tên EDS vào cuối năm đó, và gọi nó với tên mới là HP Enterprise Services. Cho đến giờ, những rạn nứt hiện hữu ngay từ ngày đầu sau khi sáp nhập vẫn còn đó. Và dường như HP đã không thể gia tăng thêm sức mạnh của mình từ thương vụ này khi mà đã làm mất đi những thế mạnh sẵn có của EDS và tốc độ tăng trưởng ‘đột phá’ như dự kiến ban đầu đã không bao giờ trở thành hiện thực.

AMD – ATI

Quyết định của AMD mua lại công ty chuyên thiết kế chip đồ họa ATI không chỉ là một cuộc hôn nhân tốt cho cả hai, mà còn là một sự kết hợp theo lẽ rất thường tình.

Hai công ty đều phải đối mặt với một đối thủ, đó là Intel, trên hai thị trường riêng biệt. Mà cả hai công ty này đều không đủ lớn để cạnh tranh lại với công ty thống trị tuyệt đối cả trong lĩnh vực bộ vi xử lí, chipset và chip đồ họa.

Với dự báo về mối quan hệ gần gũi trong tương lai giữa bộ vi xử lý trung tâm (CPU) và bộ vi xử lý đồ họa (GPU), AMD – thường được xem như một công ty ‘cửa dưới’ trên thị trường – cần có ngay công nghệ GPU càng sớm càng tốt.

Thỏa thuận sáp nhập trị giá 5,4 tỷ USD giữa AMD và ATI được công bố vào tháng 6/2006, và hoàn tất vào tháng 10 năm đó. Ít lâu sau, AMD ra mắt Fusion, sản phẩm được coi là ‘trái ngọt đầu mùa’ của thương vụ mua lại kể trên.

Fusion sẽ kết hợp cả CPU và GPU vào chung một bộ sản phẩm. Các công nghệ dựa trên Fusion được kỳ vọng sẽ được tung ra thị trường vào quý 2 năm 2011, mặc dù theo nguồn tin nội bộ của AMD, thì công ty này sẽ ra mắt Fusion vào tháng 1 năm tới tại triển lãm công nghệ CES 2011.

Với AMD, thì việc mua lại ATI không chỉ mang lại công nghệ mới, mà còn là sự đảm bảo về lợi nhuận trong kinh doanh của hãng này. Trong năm sau đó, trong khi AMD công bố những kết quả tài chính nghèo nàn, thì bộ phận GPU, mà nòng cốt là ATI ngày nào, vẫn đạt được kết quả tài chính rất khả quan.

Cho dù AMD đã bán đi bộ phận chế tạo của mình, nhưng dường như họ sẽ không từ bỏ ATI một cách dễ dàng. Năm tới sẽ là thời điểm để chúng ta xem liệu vụ sáp nhập này có đem lại hiệu quả như mong đợi cho hai trong số những công ty được biết đến nhiều nhất trong ngành hay không.

Sun và Oracle

Oracle mua lại Sun Microsystems với giá 7,4 tỷ USD, thương vụ hoàn thành vào tháng 1 vừa qua, được xem như là kết thúc buồn cho Sun, công ty từng xây dựng tên tuổi của mình với nền tảng Unix trên Risc ‘nổi đình nổi đám’ trong những năm của thập niên 1980.

Oracle đã hứa hẹn rất nhiều từ vụ mua lại này, khi tuyên bố rằng họ sẽ tạo ra một mối quan hệ tương hỗ từ phía các công ty phần mềm của mình với các máy chủ và phần cứng máy trạm tối tân của Sun. Tuy nhiên, mọi việc sớm trở nên tồi tệ khi Oracle sa thải lượng lớn nhân viên của Sun và ngừng hỗ trợ các dự án đang dang dở như là OpenSolaris.

Oracle mới đây đã bắn đi những tín hiệu về ý định của họ trong việc sử dụng những kinh nghiệm về phần cứng và phần mềm của mình để xây dựng một công nghệ tích hợp hoành chỉnh cho các trung tâm dữ liệu lớn nhắm vào các khách hàng doanh nghiệp.  

HP và Compaq

HP sáp nhập với Compaq năm 2002 được coi là một trong những thương vụ thành công nhất trong vòng 10 năm qua, HP bỏ ra 25 tỷ USD để mua lại Compaq và đó là sự kết hợp của hai trong số những cái tên nổi bật nhất trong ngành công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, trong khi vụ sáp nhập này giúp HP trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, thì mọi việc diễn ra không hề yên ả, khi mà rất nhiều những cổ đông, và cả người sáng lập Walter Hewlett đã công khai phản đối vụ mua lại này.

Ngày nay, cái tên Compaq chỉ còn xuất hiện ở một số các dòng laptop của HP, nhưng dòng sản phẩm máy chủ Proliant đã trở thành một tài sản quý của công ty. Nhưng thật cay đắng cho Compaq, khi chính họ 4 năm trước đó cũng đã từng ‘nuốt chửng’ công ty sản xuất máy vi tính DEC, và đó là một nước đi sai lầm mang lại cho Compaq những khó khăn về mặt tài chính, để rồi cuối cùng bị HP mua lại.

Theo Thanh Tiếp (ICTnews / v3.co.uk)

Đọc thêm