10 vụ sáp nhập đình đám nhất lịch sử công nghệ (phần 1)

10 vụ sáp nhập đình đám nhất lịch sử công nghệ (phần 1) ảnh 1

Ảnh minh họa.

Danh sách các vụ sáp nhập đình đám dưới đây không nhằm mục đích xem thương vụ đó có giá cao hay gây nhiều tranh cãi nhất, mà tiêu chí đánh giá quan trọng nhất là mức độ ảnh hưởng của những thương vụ đó tới thế giới công nghệ như thế nào.

EMC - VMware

Trở lại năm 2003, nhà sản xuất thiết bị lưu trữ EMC đã ‘dốc sạch túi’ để có đủ 635 triệu USD mua lại một công ty mới ra đời trước đó 5 năm với tên gọi VMware đang hoạt động trong một lĩnh vực ít được biết đến là ảo hóa (virtualisation).

Và thương vụ này đã đem lại hiệu quả không ngờ. Nhờ vào tốc độ tăng nhu cầu ‘ảo hóa’ hệ thống ở mức chóng mặt của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở tầng máy chủ, cùng với xu thế thân thiện với môi trường ngày càng được chú trọng, VMware hiện nay có giá trị khoảng 33 tỷ USD.

Nhưng mọi chuyện không hoàn toàn tốt đẹp với bộ đôi công ty này. Năm 2007, EMC đã bán đi 10% cổ phần của VMware. Một năm sau đó, cựu giám đốc điều hành của VMware là Diane Greene bất ngờ bị sa thải và người lên thay là Paul Maritz, một cựu công thần của Microsoft, lúc đó đang làm việc cho EMC. Cùng lúc đó, EMC đã hạ mức dự báo doanh thu năm 2008 của lĩnh vực ảo hóa của công ty này.

Việc bổ nhiệm Maritz là một động thái tuy mạo hiểm nhưng mang lại hiệu quả cao. Trong kỳ tài chính gần đây nhất của công ty, VMware đã đạt doanh thu 647 triệu USD, tương đương tỷ lệ tăng trưởng 48% so với cùng kỳ năm trước.

Intel - McAfee

Đây có thể là thương vụ sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vụ sáp nhập tồi tệ nhất trong lịch sử. Số tiền 7,7 tỷ USD mà Intel bỏ ra để mua lại McAfee có thể sẽ trở thành cát bụi mây khói, theo những phân tích được đưa ra bởi một số những nhà bình luận, những người sợ rằng đại gia sản xuất chip sẽ quản lí công ty bảo mật này một cách tệ hại giống như đối với những công ty phần mềm hãng này đã từng mua lại trong quá khứ, như LANdesk là một ví dụ.

Khi công bố thông tin về vụ mua lại này, chủ tịch Paul Otellini của Intel nhấn mạnh rằng “công tác bảo mật sẽ trở nên hiệu quả hơn khi được tích hợp sẵn trong phần cứng”. Ông cũng cho rằng vụ mua bán sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho Intel khi họ bán kèm những sản phẩm bảo mật của McAfee cũng như tính hợp sẵn những sản phẩm này vào các thiết bị phần cứng mà Intel cung cấp.

Những ý định kể trên là đúng đắn và hợp lí, nhưng vấn đề ở đây là Intel sẽ quản lí thành viên mới này như thế nào. Intel cho rằng nhu cầu để bảo mật cho một số lượng khổng lồ các thiết bị kết nối Internet hàng ngày là cực lớn, nhưng hiện cả McAfee và Intel đều chưa có bất kì một động thái nào chứng tỏ họ đang theo sát lĩnh vực lập trình cho di động.

Với những sản phẩm kết hợp giữa bộ đôi này dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào đầu năm tới, theo một thỏa thuận hợp tác đã có từ trước, thì chúng ta sẽ không phải chờ đợi lâu để xem mọi việc diễn ra như thế nào.

Oracle – Peoplesoft

Không phải vụ sáp nhập nào cũng diễn ra một cách thuận buồm xuôi gió, và một trong những ví dụ sinh động nhất trong lịch sử đã diễn ra là vụ Oracle mua lại PeopleSoft.

Mọi việc bắt đầu từ mùa hè năm 2003, khi Oracle đề nghị mua lại CRM, công ty trước đó đã từng mua lại JD Edwards, với giá khởi điểm 7 tỷ USD. Lời đề nghị này bị ban lãnh đạo PeopleSoft từ chối thẳng thừng, và Oracle cứ thế đưa ra những lời đề nghị tiếp theo, lúc cao lúc thấp, nhưng tất cả những động thái này không thoát khỏi sự chú ý của Bộ tư pháp Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vì có những dấu hiệu vi phạm luật chống độc quyền.

Sau 18 tháng vật lộn với những rắc rối về mặt pháp lí, cuối cùng Oracle đã đạt được mục tiêu vào đầu năm 2005, với giá 10,3 tỷ USD cùng với thái độ không mấy vui vẻ của những nhân viên ở công ty mới được mua lại. Sự không hài lòng lại được đẩy lên cao nữa khi mà Oracle quyết định cắt giảm khoảng 10% số nhân viên trong công ty.

5 năm đã trôi qua, Oracle vẫn chỉ đang bán ra những ứng dụng độc lập của PeopleSoft. Tuy nhiên, sẽ là điều thú vị khi mọi sự chú ý đang hướng tới xem liệu bộ sản phẩm mới sẽ tích hợp với Fusion suite của Oracle – vốn đã được chờ đợi từ rất lâu – sẽ ra mắt vào tháng 9 tại sự kiện OpenWorld năm nay.

HP - Palm

Đội ngũ phụ trách sáp nhập của HP tháng tư vừa qua lại một lần nữa hành động khi họ mua lại thành công nền tảng WebOS của Palm. Lợi nhuận lao dốc cùng những lời ca ngợi về WebOS cũng đồng nghĩa rằng thời điểm chín muồi để Palm từ bỏ ‘đứa con tinh thần’ của mình, và thật bất ngờ khi mà có tới 16 công ty đã tham gia vào cuộc đấu thầu, với sự thèm muốn thể hiện rất rõ của họ đối với nền tảng cho di động này.

Cuối cùng thì HP là người chiến thắng khi họ lạnh lùng đặt 1,5 tỷ USD lên bàn đàm phán để kết thúc thương vụ này.

HP sẽ nhanh chóng cụ thể hóa thương vụ mua bán này vào sản phẩm của họ, nhưng thế giới phải đợi thêm một thời gian nữa để xem HP đã làm như thế nào, sau khi hãng này đã lùi ngày ra mắt máy tính bảng đầu tiên của họ chạy trên nền WebOS sang đầu năm sau.

Palm đã là một phần của các vụ mua lại và sáp nhập vốn thường xuyên xảy ra ở Silicon Valley, công ty này ra đời năm 1992, sau đó được US Robotics mua lại năm 1995, và cũng chính công ty này sau đó được 3Com mua lại năm 1997.

Chủ sở hữu mới sau đó đã đưa Palm trở thành một công ty thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2000, từ đó Palm thành lập một chi nhánh lấy tên gọi là PalmSource vào năm 2002 để phát triển và cấp phép cho hệ thống Palm OS của công ty.

PalmSource sau đó được tách ra với tư cách một công ty độc lập và năm 2003 sáp nhập với Handspring (là công ty mà những nhà sáng lập đầu tiên của Palm thành lập vào năm 1998 để cạnh tranh với 3Com), và sau đó được đổi tên thành palmOne.

Cuối cùng, thì tới năm 2005, palmOne và Palm tái hợp – sau rất nhiều những giao dịch thương mại và mua bán thương hiệu – để trở thành Palm. Ít nhất, tới giờ nó là một phần của HP, và những lần thay đổi tới chóng mặt đó cũng nên đi vào quên lãng.

Lĩnh vực công nghệ phục vụ doanh nghiệp

Đây không phải là một vụ sáp nhập cụ thể nào, mà là một loạt các vụ mua bán diễn ra ở ngành công nghệ phục vụ doanh nghiệp. Trong năm 2007, chúng ta đã thấy nhiều những vụ mua bán doanh nghiệp đình đám ở lĩnh vực này.

Tháng 3 năm 2007, Oracle bỏ ra 3,3 tỷ USD để mua lại Hyperion, mọi việc trở nên yên lặng trong mấy tháng trước khi SAP dốc túi 6,8 tỷ USD để thâu tóm Bussiness Objects vào tháng 10. Cũng chẳng chịu thua kém các đối thủ trực tiếp trong lĩnh vực phần mềm phục vụ doanh nghiệp, IBM mua lại Cognos với giá 5 tỷ USD vào tháng 11.

Rất may cho những người yêu thích mô hình doanh nghiệp thông minh là tất cả các sản phẩm của 3 công ty này vẫn được hỗ trợ đầy đủ sau 3 năm kể từ ngày những vụ sáp nhập diễn ra.

Còn nữa…

Theo Thanh Tiếp (ICTnews / v3.co.uk)

Đọc thêm