10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ (tiếp)

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ (tiếp) ảnh 1

Sự ra đời của những quyết sách lớn như Chỉ thị 58 và Nghị quyết 55 đã thúc đẩy nhanh sự phát triển của CNTT-VT Việt Nam trong suối thập kỷ qua.

Trong số rất nhiều sự kiện đã diễn ra trong thập kỷ qua, Báo Bưu điện Việt Nam đã đánh giá để lựa chọn 10 sự kiện, dấu ấn nổi bật nhất của ngành CNTT-VT Việt Nam – những sự kiện, dấu ấn không chỉ có tác động, ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế xã hội mà còn mang tính đột phá về công nghệ.

Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị: “CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển”

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ (tiếp) ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên đăng đàn đối thoại trực tuyến với dân vào ngày 9/22007.

Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 58/CT/TƯ về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH. Đây là lần đầu tiên Đảng ta chính thức khẳng định “CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển”, và “Ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.

Trong Chỉ thị 58, Bộ Chính trị chủ trương “Ứng dụng và phát triển CNTT là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu. Rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước”.

Bản Chỉ thị mang tính cách mạng và thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Bộ Chính trị về ứng dụng và phát triển CNTT thực sự đã “thổi một luồng sinh khí mới” và dấy lên một “tinh thần sôi sục” trong ứng dụng và phát triển CNTT những năm tiếp theo. Những mục tiêu và các giải pháp được đề ra trong bản Chỉ thị này sau đó đã được thể hiện rất rõ nét trong thực tế, như tạo sự phát triển bùng nổ về Internet, về viễn thông, về công nghiệp CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT trong nhiều ngành, nhiều cấp. Soi lại những mục tiêu mà Chị thị 58 đặt ra đến năm 2010, chúng ta đã hoàn thành được những mục tiêu cơ bản đã đặt ra, nhưng còn nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề chúng ta vẫn còn cần phải cố gắng hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu của Bản Chỉ thị này.

Cho đến nay, nội dung của bản Chỉ thị vẫn còn nguyên tính thời sự.

Nghị quyết 07/2000/NQ-CP: Xây nền móng cho ngành phần mềm Việt Nam  

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ (tiếp) ảnh 3

Mục tiêu 500 triệu USD doanh thu ngành phần mềm vào năm 2005 đã không đạt được như kỳ vọng.

Ngày 5/6/2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005. Đây là lần đầu tiên Chính phủ coi phần mềm là một ngành công nghiệp và khẳng định Nhà nước sẽ khuyến khích và ưu đãi tối đa việc phát triển công nghiệp phần mềm. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng công nghiệp phần mềm Việt Nam thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2005 đạt giá trị sản lượng khoảng 500 triệu USD, có khoảng 25.000 chuyên gia trình độ cao.

Nghị quyết 07 đã chính thức đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Sau đó, hàng loạt những chủ trương, chính sách ưu đãi (miễn thuế, ưu đãi đất đai và giá thuê mặt bằng) phát triển ngành công nghiệp non trẻ nhưng đầy tiềm năng này đã được Chính phủ ban hành. Với sự hỗ trợ về chính sách, hàng loạt các doanh nghiệp phần mềm mới đã ra đời, cả nước đã xây dựng và hình thành nhiều khu công nghiệp phần mềm tập trung, thu hút lực lượng chuyên gia CNTT Việt kiều về nước đầu tư, làm việc, hoạt động đào tạo nhân lực phần mềm được đẩy mạnh. Việt Nam dần mạnh mẽ khẳng định tên tuổi và vị trí của mình trên bản đồ phần mềm thế giới như “một ngôi sao đang lên”.

Thế nhưng phần mềm VN vẫn chưa trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước như kỳ vọng và mục tiêu đạt 500 triệu USD vào năm 2005 cũng không đạt được. Quy mô của các doanh nghiệp phần mềm hiện nay chủ yếu vẫn là nhỏ dưới 100 nhân viên, chỉ có vài công ty có trên 500 nhân viên và có duy nhất một công ty là FPT Software có trên 2.000 người. Tuy vậy, những bài học và kinh nghiệm mà ngành phần mềm Việt Nam thu được trong thập kỷ vừa qua là cơ sở tạo đà cho sức bật mới của phần mềm Việt Nam trong những năm tới.

Nghị định 55: Thay đổi tư duy quản lý – bệ phóng cho sự bùng nổ Internet Việt Nam  

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ (tiếp) ảnh 4

Nghị định 55 là thay đổi bước ngoặt về tư duy quản lý Internet, góp phần quan trọng làm bùng nổ Internet và các dịch vụ trên mạng ở Việt Nam.

Ngày 23/8/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2001/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng Internet với một tư duy đột phá từ “quản lý tới đâu, phát triển tới đó” sang yêu cầu “quản lý phải theo kịp với sự phát triển”. Tư duy quản lý mang tính cách mạng này đã tạo ra một bước ngoặt cực kỳ ngoạn mục cho sự phát triển bùng nổ của Internet Việt Nam trong những năm sau đó: Mạng lưới Internet được nhanh chóng xây dựng, thị trường mở cửa cạnh tranh với nhiều thành phần doanh nghiệp được tham gia cung cấp dịch vụ Internet, các loại hình dịch vụ và công nghệ mới như ISDN, ADSL… nở rộ, tạo tiền đề thúc đẩy ứng dụng Internet mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Sự bùng nổ về số lượng người dùng Internet liên tục trong nhiều năm tiếp theo đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet mạnh mẽ nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ Internet, Nghị định 55 cũng bộc lộ những điểm bất cập, trong đó nổi bật là quá chặt theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý, nhưng lại không thực thi trong cuộc sống. Bên cạnh đó, một vấn đề hóc búa nhất cũng nảy sinh là quản lý nội dung trên Internet.

Chính vì vậy, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thay thế Nghị định 55. Nghị định này tiếp tục kế thừa tư duy “quản phải theo kịp với mở”, đảm bảo việc quản lý phải đảm bảo phát triển lành mạnh chứ không phải là hạn chế sự phát triển. Nhà nước khuyến khích việc ứng dụng Internet trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội để nâng cao năng suất lao động, mở rộng hoạt động thương mại, hỗ trợ cải cách hành chính, tăng tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và đảm bảo an ninh, quốc phòng; khuyến khích đưa thông tin tiếng Việt lên Internet.

100% số xã có điện thoại  

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ (tiếp) ảnh 5

Điện thoại đã phủ sóng 100% số xã trên toàn quốc từ năm 2005.

Ngày 30/12/2005, xã ĐăkNên (KonPLong  - Kon Tum) - xã cuối cùng trên cả nước được phủ sóng viễn thông. Với sự kiện này Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu 100% số xã có điện thoại, với mật độ chung là 18 máy/100 dân, đồng thời ngành BCVT đã vượt gấp 2,5 lần chỉ tiêu phát triển điện thoại mà Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra.

Việc 100% số xã có điện thoại không chỉ khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, với tốc độ cao của ngành BCVT Việt Nam mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi  sự phát triển đó luôn gắn với việc phục vụ nhu cầu, đời sống của nhân dân. Hoàn thành phủ sóng điện thoại đến 100% số xã trên cả nước, đã xóa nhanh khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, giúp người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận được các nguồn thông tin hữu ích, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2009 Việt Nam đã có trên 130 triệu máy điện thoại, đạt mật độ152 máy/100 dân (di động chiếm 85,4%). So với năm 2000, số thuê bao điện thoại đã tăng hơn 35 lần, cố định tăng hơn 5 lần, số thuê bao di động tăng đến hơn 120 lần và tỷ lệ người dùng Internet tăng gấp 100 lần.

ICTnews

Đọc thêm