10 sản phẩm sẽ "lu mờ" bởi smartphone

10 sản phẩm sẽ "lu mờ" bởi smartphone ảnh 1

Điện thoại thông minh (smartphone) không có gì mới. Từ nhiều năm nay người dùng và doanh nghiệp đã sử dụng smartphone để tiến hành nhiều hoạt động, dù họ ở nhà hay công sở hay đang ở ngoài đường. Theo thời gian, tính năng của smartphone được cải thiện hơn, khiến chúng trở nên hữu ích hơn – và cần thiết hơn – trong cuộc sống. Nhưng smartphone đang trở nên phức tạp hơn và các công ty cũng bổ sung nhiều tính năng hơn cho chúng, vì thế, chúng sẽ nhanh chóng trở thành sản phẩm thay thế những thiết bị khác.

Apple iPad

iPad là một sản phẩm tốt cho những ai muốn có máy tính bảng, nhưng nếu so với smartphone – đặc biệt với iPhone 4 – sẽ có nhiều lý do người ta không chọn iPad thay vì iPhone 4. Vì xét cho cùng, iPhone 4 có cùng hệ điều hành và lại có nhiều tính năng hơn. Đặc biệt, smartphone cho phép người dùng gọi điện, nên nó hữu ích hơn rất nhiều. Ngoài ra, tại Mỹ, iPad có giá 499 USD còn iPhone 4 chỉ có giá đầu vào là 199 USD.

Samsung Galaxy Tab

Samsung Galaxy Tab được “hô hào” là đối thủ nặng ký nhất của iPad. Nhưng thực tế, đó là một thiết bị chạy hệ điều hành Android 2.2, trong khi bản thân Google cho biết Android 2.2 được thiết kế cho smartphone. Tab lại có màn hình 7 inch, quá nhỏ với một chiếc máy tính bảng. Và với một số người tiêu dùng, Tab lại có ít giá trị hơn so với những chiếc smartphone đầu bảng trên thị trường.

Netbooks

Netbook được thiết kế cho những người thường xuyên di động. Nhìn chung, chúng có mức giá khá hợp lý. Tuy nhiên, netbook đang mất thị phần vào máy tính bảng. Ngoài ra, smartphone cũng có khả năng thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của netbook. Đó là điều mà người tiêu dùng đang nhanh chóng nhận ra.

ĐTDĐ truyền thống

Những chiếc ĐTDĐ kiểu cũ sẽ không thể tồn tại. Người dùng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp cần smartphone để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết. Chỉ là hiện nay họ không nhận ra điều đó cho đến khi họ vứt bỏ chiếc ĐTDĐ cũ đi và lựa chọn smartphone. ĐTDĐ gọi điện rất tốt, nhưng với sự phát triển của smartphone, thoại không phải lúc nào cũng cần thiết.

HP iPaq

HP đang bán dòng sản phẩm PC bỏ túi iPaq. Nhưng smartphone đang thống trị thị trường di động. Điều này sẽ còn kéo dài lâu. HP càng sớm xóa bỏ iPaq và tập trung vào Palm Pre 2, hãng sẽ càng có nhiều cơ duyên với thị trường di động hơn.

Apple MacBook Air

MacBook Air của Apple là thiết bị đặc biệt. Nó giống với netbook hơn là máy tính, và nó cũng mang lại tính di động mà người tiêu dùng ngày nay đang tìm kiếm. Nhưng nó vẫn không di động như smartphone. Và nó lại rất đắt ở mức giá khởi điểm 999 USD. Nếu netbook đang bị smartphone thay thế, thì cũng không có lý do gì smartphone sẽ không được ưa thích hơn MacBook Air.

Laptop nhẹ cân

Laptop nhẹ cân có thể đứng vững trước cơn bão netbook, và cũng đang chống chọi lại máy tính bảng. Nhưng trước thực tế ngày càng nhiều người chọn smartphone, có thể không lâu nữa laptop nhẹ cân sẽ bị “loại”. Bởi người dùng đang nhận ra rằng, thà sắm một chiếc laptop mạnh mẽ còn hơn mua một chiếc nhẹ cân và không đủ sức chạy các loại ứng dụng, phần mềm. Smartphone đã có thể thực hiện chức năng di động của laptop rồi.

PDA

Những chiếc PDA kiểu cũ vẫn đang tồn tại trên thị trường. Người dùng phải sử dụng một chiếc bút để “chỉ đạo” nó. Smartphone, không nghi ngờ gì nữa, là sự lựa chọn tốt hơn nhiều.

Thiết bị GPS

Thiết bị GPS từng làm điên đảo thị trường di động. Nhưng với sự giúp đỡ của những sản phẩm như iPhone và máy Android, những thiết bị GPS đang khó bán hơn. Thực ra, người dùng có thể sử dụng iPhone hoặc các ứng dụng sẵn có trên App Store để tìm hướng, thay cho việc sắm thêm một thiết bị GPS.

Máy ảnh, máy quay du lịch

Những mẫu máy ảnh số du lịch hoặc những mẫu máy quay đơn giản có thể là sở thích của một số người tiêu dùng, nhưng với sự ra đời của dòng smartphone “kiêm” chụp ảnh, quay phim cao cấp, những thiết bị đó sẽ không còn quan trọng nữa. Thực tế, một chiếc smartphone Motorola Droid X có khả năng chụp ảnh hoặc quay video chất lượng cao. Chúng sẽ khiến máy ảnh và máy quay có chức năng đơn giản trở thành đồ cổ.

Theo Bảo Bình (ICTnews / eWeek)

Đọc thêm